Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo báo cáo nhanh từ 46 tỉnh, thành phố, đã có gần 6 triệu trẻ em được tặng quà (học bổng, bánh, kẹo, sữa, sách vở, quần áo, xe đạp...) nhân dịp Tết Trung thu, với số tiền hơn 370 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 10,5 tỷ đồng, đóng góp xã hội hơn 360 tỷ đồng. Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã vận động, hỗ trợ gần 23 nghìn trẻ em với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng nhân dịp Tết Trung thu và năm học mới 2023-2024.
Đã có gần 6 triệu trẻ em được tặng quà (học bổng, bánh, kẹo, sữa, sách vở, quần áo, xe đạp...) nhân dịp Tết Trung thu, với số tiền hơn 370 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 10,5 tỷ đồng, đóng góp xã hội hơn 360 tỷ đồng.
|
Cơ quan này cũng nhấn mạnh, Tết Trung thu là ngày tết của trẻ em mang lại niềm vui và quà tặng cho nhiều trẻ em khắp mọi miền đất nước. Trong Thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhắc nhở: “Trung thu cũng là Tết của yêu thương và chia sẻ, là dịp để người lớn tự nhắc nhở mình phải quan tâm hơn nữa tới trẻ em bằng tình yêu, trách nhiệm và những hành động thiết thực”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương đã tham dự Tết Trung thu, chia vui cùng trẻ em; thăm hỏi, khích lệ, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đang điều trị tại bệnh viện.
Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Quân khu 7 và nhiều cơ quan, đơn vị , tổ chức, nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư đã chung tay góp công, góp quà để mang ngày hội Trung thu đến với mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Một số địa phương đã gắn kết các giá trị truyền thống của Lễ hội Trung thu và ý nghĩa truyền thống về ngày Tết của trẻ em với các sự kiện quảng bá du lịch và các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng. Tổ chức chuỗi lễ hội và các không gian trải nghiệm “Trung thu Việt Nam” cho trẻ em và du khách với các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật, trò chơi dân gian và ẩm thực truyền thống: viết thư pháp, nặn tò he, làm đèn ông sao, trang trí đèn lồng, trang trí quạt giấy, trang trí mặt nạ giấy; làm bánh trung thu, làm bánh trôi, làm bánh dày, chè kho, bánh đậu xanh; đập niêu đất, bịt mắt bắt vịt, kéo co...
Để có các hoạt động lễ hội, văn hóa, du lịch, vui chơi an toàn, thiết thực trong dịp Tết Trung thu, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã ban hành công văn chỉ đạo về bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành công văn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tổ chức Tết Trung thu; Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành công văn hướng dẫn cụ thể việc bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu; Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành công văn hướng dẫn triển khai công tác thông tin, truyền thông trong dịp Tết Trung thu năm 2023.
Công tác quản lý đồ chơi dành cho trẻ em và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được quan tâm và quản lý chặt chẽ. Ngay từ sớm, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã chỉ đạo sát sao việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ.
Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, đã nhận được báo cáo của Cục Quản lý thị trường nhiều địa phương về việc thu giữ lượng lớn bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong những ngày vừa qua.
Lo ngại đồ chơi, thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng có thể gây độc hại đến sức khỏe trẻ em nên có xu hướng nhiều cha mẹ, gia đình mua sắm hàng hóa Trung thu tại các địa chỉ có đăng ký kinh doanh rõ ràng, có uy tín; hướng dẫn con lựa chọn đồ chơi truyền thống, đặc biệt đồ chơi thủ công, có xuất xứ trong nước.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12/2022, cả nước có khoảng 25 triệu trẻ em. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm. Con số này của năm 2022 còn khoảng 6,8%. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp tăng hằng năm, đạt 74% vào năm 2022.