|
Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. |
Bài 2: Động lực và lá chắn
Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, trong đó phải kể đến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý phải không ngừng đổi mới và bứt phá. Kết luận 14 vừa là động lực, cũng là lá chắn, là hành trang cho cán bộ vững tin cống hiến, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, thực hiện trọng trách, sứ mệnh với đất nước.
Đề ra yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nâng cao nhận thức, có cái nhìn đúng đắn, sâu sắc về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Kết luận 14 tạo tiền đề vững chắc để cấp có thẩm quyền quyết đoán, quyết liệt hơn đối với những đề xuất, ý tưởng sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung.
Động lực để bứt phá
Thực tiễn cho thấy, một bộ phận cán bộ có tâm lý ngại đổi mới, an phận thủ thường, chỉ thực hiện “đúng vai, thuộc bài”. Lâu dần, quanh quẩn trong “vùng an toàn” cho nên có nơi, có lúc, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu thờ ơ với đổi mới, sáng tạo, thậm chí tỏ ra e ngại, né tránh việc đưa ra những đánh giá khách quan, toàn diện hay quyết định chủ trương thực hiện những ý tưởng, đề xuất đó. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng khi chưa có căn cứ pháp lý, thực tiễn cụ thể, cấp ủy, tổ chức đảng vấp phải nhiều khó khăn, nghi ngại trong việc đưa ra quyết định phê duyệt ý tưởng, đề xuất sáng tạo, bởi đổi mới thường gắn liền với rủi ro, nếu không cân nhắc, suy xét, tính toán thật kỹ lưỡng, thấu đáo dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Kết luận 14 khẳng định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính là thống nhất ý chí trong toàn Đảng, sự đồng thuận của toàn xã hội, thực hiện chủ trương khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, đặc biệt chú trọng vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn.
Để hiện thực hóa những ý tưởng, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ cần có điều kiện, môi trường thuận lợi, hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng xứng đáng, nhân rộng đối với những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả… Việc xây dựng cơ chế này dựa trên các quy định của Đảng và Nhà nước về khuyến khích cán bộ tài năng, có thành tích trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm, ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao, mang lại sản phẩm cụ thể; các cơ quan chức năng thể chế hóa thành quy định pháp luật, xây dựng căn cứ pháp lý cho việc nhân rộng các mô hình, giải pháp sáng tạo, hiệu quả của cán bộ. Bảo vệ cũng là cơ chế hiệu quả, một hình thức khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo. Việc bảo vệ cán bộ trước những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình đổi mới, sáng tạo sẽ giúp cán bộ có động lực, niềm tin, yên tâm, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.
Lá chắn trước rủi ro
Những năm qua, thực tiễn xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cho thấy, mặc dù mô hình tổng thể phát triển đất nước ngày càng sáng rõ, hoàn thiện nhưng việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn gặp không ít khó khăn, rào cản. “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thực hiện còn chậm. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển” (1) . Quá trình tổ chức thực hiện chứa đựng nhiều rủi ro, dễ dẫn đến sai sót, thiệt hại, đòi hỏi cán bộ phải có bản lĩnh, quyết tâm cao, có ý tưởng và cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt nhằm tạo chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực. Kết luận 14 đã kịp thời đưa ra “lá chắn” bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo trước những rủi ro có thể gặp phải.
Kết luận 14 chỉ rõ đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây là cơ chế bảo vệ hiệu quả nhất bởi việc báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là một hình thức hợp pháp hóa những ý tưởng, đề xuất sáng tạo của cán bộ. Đồng thời, việc cho chủ trương của cơ quan có thẩm quyền có vai trò như một sự bảo lãnh chính trị đối với đề xuất của cán bộ. Nếu kết quả của việc triển khai không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu đề ra thì việc đã trình xin ý kiến và được cấp ủy, tổ chức đảng cho chủ trương thực hiện là căn cứ quan trọng để xem xét hình thức miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ một cách phù hợp.
Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII khẳng định “Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội” (2). Thấm nhuần những bài học kinh nghiệm quý và bám sát yêu cầu thực tiễn, Đảng ta đã khẳng định cán bộ cần chủ động và tích cực để đột phá vào những nội dung chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thực tiễn. Việc thực hiện những nội dung này phải dưới hình thức thí điểm sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép. Đây là cơ chế rất quan trọng bởi việc thí điểm sẽ giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro, sai sót dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Việc nắm tình hình, cảnh báo về những nguy cơ rủi ro, phát hiện những sai sót, vi phạm của cán bộ trong quá trình thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo là hết sức quan trọng. Theo dõi, kiểm tra, giám sát để động viên, khích lệ; đồng thời phát hiện những sai sót, vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới, sáng tạo để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đồng nghĩa với việc phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh: Có khó khăn, vướng mắc thì tích cực giúp đỡ, hỗ trợ tháo gỡ; có sai sót, vi phạm thì kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh.
Kết luận 14 nhấn mạnh khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Việc xem xét bảo vệ từng trường hợp tương ứng với từng hình thức bảo vệ cần phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể, động cơ, tính chất, mức độ và hậu quả. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền xem xét công tâm, khách quan, toàn diện để kịp thời quyết định hình thức bảo vệ phù hợp đối với cán bộ đổi mới, sáng tạo.
Kết luận 14 đã đón nhận sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng của toàn xã hội và được dự báo sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực. Không chỉ nâng cao chất lượng công tác cán bộ theo hướng minh bạch, công khai, dân chủ, lựa chọn được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Kết luận 14 góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cán bộ sợ mắc sai lầm, khuyết điểm cho nên co cụm, đối phó, không dám đổi mới sáng tạo. Đây là động lực, niềm tin để cán bộ các cấp sẵn sàng tiếp thu những cái mới, tiến bộ, phá bỏ rào cản lối mòn trong nhận thức và hành động, lan tỏa mạnh mẽ, đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
-----------------------------------------------
(1) Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
(2) Trích Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo MAI THỦY/Báo Nhân dân
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo...