Kinh nghiệm công tác phối hợp xây dựng, bồi dưỡng, phát huy người có uy tín của MTTQ các cấp tỉnh Lạng Sơn

(Mặt trận) - Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng và các tổ chức thành viên phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của người có uy tín trong công tác vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Người có uy tín là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài 231,7 km tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, diện tích tự nhiên hơn 8.310 km2 với địa hình phức tạp, chủ yếu là núi thấp và đồi chiếm hơn 80%. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính, gồm 10 huyện và 1 thành phố; có 181 xã, 5 phường và 14 thị trấn, với 1.676 khu dân cư (trong đó có 103 xã, phường, thị trấn khu vực I; 8 xã khu vực II; 88 xã khu vực III); là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc, như: Dân tộc Nùng chiếm 41,91%, dân tộc Tày 35,43%, dân tộc Kinh 16,99%; Dao, Hoa, Sán chay, Mông chiếm 4,67%. Toàn tỉnh có gần 193 nghìn hộ gia đình, với dân số gần 821 nghìn người, trong đó hộ nghèo chiếm 12,27% với gần 24 nghìn hộ; hộ cận nghèo chiếm 12,09% với khoảng 23 nghìn hộ.

Trong những năm qua, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh luôn nỗ lực triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3,25%/năm; tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc.

Hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực vận động Nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đạt hiệu quả cao. Công tác đối ngoại được thực hiện một cách chủ động và có hiệu quả, quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu...

Để đạt được những kết quả nêu trên, có phần đóng góp quan trọng trong công tác phối hợp của hệ thống chính trị các cấp thực hiện công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín làm “nòng cốt” thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở các khu dân cư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương thăm Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn, tháng 8/2023. ẢNH: TTXVN 


Về công tác xây dựng người có uy tín:
Thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Hướng dẫn số 2927/BTT-MTTW, ngày 7/4/2008 của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính sách đối với người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận tỉnh đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan chức năng của tỉnh thống nhất về tiêu chí và đối tượng; chỉ đạo, triển khai đồng bộ đến hệ thống chính trị các cấp chính quyền cơ sở xây dựng lực lượng người có uy tín ở cộng đồng dân cư thông qua công tác lựa chọn, bình xét người có uy tín thực hiện từ khu dân cư (thôn, tổ dân phố) bảo đảm các tiêu chí cơ bản:

Là quần chúng gương mẫu trong lao động sản xuất; có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với đồng bào dân tộc, hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có khả năng quy tụ, tập hợp được quần chúng thông qua lời nói và việc làm; có uy tín trong các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và được Nhân dân tín nhiệm.

Căn cứ vào các tiêu chí và thực hiện quy trình giới thiệu, bình chọn người có uy tín, Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp với Trưởng thôn và các tổ chức đoàn thể tổ chức giới thiệu nhân sự, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân thống nhất danh sách gửi Ủy ban nhân dân xã; sau đó Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp danh sách người uy tín của các xã trên địa bàn huyện gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt danh sách.

Từ năm 2009 đến năm 2022, Mặt trận tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng gồm: Ban Dân tộc, Công an, Bộ đội Biên phòng tiến hành tổ chức thẩm định danh sách người uy tín được tổng hợp từ các xã, huyện, thành phố theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định công nhận gần 30 nghìn lượt người có uy tín. Năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận được 1.438 người; tương tự năm 2010 là 1.634 người; năm 2012 là 2.026 người; năm 2014 là 2.153 người; năm 2016: 2.160 người; năm 2017: 2.168 người; năm 2018: 2.180 người; năm 2019: 2.052 người; năm 2020: 1.810 người; năm 2021: 1.696 người; năm 2022: 1.649 người; trong dân tộc Nùng là 735 người, dân tộc Tày là 676 người, dân tộc Kinh là 108 người, Dao là 106 người và có 931 người uy tín là đảng viên.

Về công tác bồi dưỡng người có uy tín: Thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp đưa nội dung công tác bồi dưỡng đối với người uy tín tiêu biểu trong chương trình nội dung bồi dưỡng, tập huấn công tác Mặt trận hàng năm.

Phối hợp với ngành chức năng tổ chức mở được 6 lớp bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin về tình hình trong nước, khu vực và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho hơn 4.500 lượt đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở. Trong giai đoạn 2011 - 2021, Trung ương đã cấp kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 31.747,5 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người uy tín năm 2022 trên địa bàn tỉnh là hơn 2,4 tỷ đồng để thực hiện các nội dung như cấp báo, tập huấn, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán đối với người có uy tín theo quy định, cấp phát trên 200.00 tờ rơi tuyên truyền về quản lý, sử dụng pháo; thông tin tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy cho các cơ quan, ban, ngành, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; gửi 74.000 lượt tin nhắn cho các thuê bao trên địa bàn tỉnh về tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn, giải đáp các câu hỏi, hỗ trợ người làm thủ tục hành chính... Xây dựng 130 chuyên mục “Vì an ninh xứ Lạng” với 1.515 tin, bài, phóng sự, 2.040 ảnh đăng tải trên báo đài Trung ương và địa phương; tuyên truyền, vận động trên 250.000 lượt người dân, cán bộ, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; chấp hành quy định về xuất nhập cảnh...

Từ năm 2015 đến 2022, Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện đã thăm, tặng trên 2.600 suất quà, tổng giá trị hơn 1,8 tỷ đồng nhằm kịp thời động viên những đóng góp của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và người tiêu biểu ở các thôn, bản biên giới có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Tổ chức thành công Hội nghị biểu dương những người uy tín có nhiều đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của tỉnh, tham dự hội nghị có 80 đại biểu, tại hội nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tặng Bằng khen và tặng quà cho các đại biểu.

Tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở cộng đồng dân cư”, có 42 đại biểu là người uy tín tiêu biểu và lãnh đạo một số cơ quan chức năng của tỉnh tham dự. Phối hợp với cơ quan chức năng lựa chọn được 50 đại biểu là những người có uy tín tiêu biểu của tỉnh đi dự Hội nghị biểu dương người uy tín tiêu biểu do Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức. Phối hợp tổ chức cho trên 250 lượt đại biểu là những người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đi tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các xã biên giới phối hợp với các Đồn Biên phòng cung cấp các bộ tài liệu, tờ gấp về các Hiệp định, Quy chế quản lý biên giới, mốc giới để người uy tín chủ động giáo dục con cháu, gia đình và Nhân dân sinh sống ở vùng biên giới thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới” và Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 22/12/2011 của Tỉnh ủy Lạng Sơn “Về xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện”.

Thông qua công tác bồi dưỡng cung cấp thông tin về tình hình trong nước, khu vực và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức củng cố lòng tin, phát huy vai trò của người uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tích cực tham gia lao động sản xuất, nâng cao cảnh giác không nghe, không tin vào luận điệu tuyền truyền của các phần tử xấu gây mất an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Ủy ban nhân dân huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến và phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện năm 2023. ẢNH: PV

Về công tác phát huy người có uy tín: Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp chính quyền, các lực lượng chức năng và các tổ chức thành viên phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của người uy tín vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn được triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở và cộng đồng dân cư, như: Cuộc vận động “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, người có uy tín đã có nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở, vận động con cháu, dòng họ và cộng đồng tham gia vào các tổ chức đoàn thể ở địa phương, khuyến khích con cháu phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thông qua các kỳ tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, người có uy tín đã có nhiều ý kiến phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Người có uy tín đã cùng với Ban Thanh tra nhân dân, Ban Công tác Mặt trận thực hiện việc giám sát, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu, giúp đỡ những cán bộ dân cử hoàn thành nhiệm vụ, đã góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhiều người uy tín là cán bộ hưu trí, là già làng, trưởng bản… đã tham gia đảm nhiệm các chức vụ như Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn bản, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội các đoàn thể và tham gia các Tổ hòa giải, Tổ an ninh, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân; tham gia xây dựng quy ước, hương ước trong thôn bản, tổ dân phố, động viên gia đình, con cháu, dòng họ và người dân phát huy dân chủ, thực hiện quy chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã vận động hiến đất mở đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa thôn, bản; xóa bỏ các hủ tục, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các tập tục mê tín, dị đoan. Một số gia đình người có uy tín đã tích cực hiến đất, gương mẫu trong phát triển mô hình làm kinh tế có hiệu quả được nhiều người học tập và làm theo. Điển hình các tấm gương tiêu biểu người có uy tín như: Ông Dương Trùng Lỷ, Trưởng thôn Co Loi, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, đã tự nguyện hiến 1.808,8 m2 đất lúa xây dựng trụ sở Công an xã Mẫu Sơn. Ông Dương Chống Lỷ, Bí thư Chi bộ thôn Hin Đăm, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tiên phong gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp trong gia đình và vận động Nhân dân trong thôn tích cực phát triển kinh tế đồi rừng được diện tích trên 100 ha trồng thông và cây keo, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Trong lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đăng ký thực hiện: Câu lạc bộ “Gia đình không có người thân phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”; “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, ấp” gắn với các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Sau khi các mô hình được triển khai, lực lượng Công an xã đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể triển khai các mô hình đến tận từng thôn, bản, khối phố. Người có uy tín ở tỉnh Lạng Sơn đã vận động Nhân dân cung cấp trên 5 nghìn nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra làm rõ 1.392 vụ phạm pháp hình sự với 1.966 đối tượng. Triệt phá 234 ổ nhóm, bắt 158 đối tượng, vận động đầu thú 296 đối tượng truy nã, lập hồ sơ đưa 288 đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng…

Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đăng ký thực hiện Câu lạc bộ “Điểm sáng biên giới” để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và khu dân cư ký kết tự quản đường biên, mốc giới. Do đó, 100% các thôn, bản, hộ gia đình khu vực biên giới cam kết tham gia tự quản đường biên, cột mốc; thành lập 347 tổ/1.716 thành viên tự quản về an ninh, trật tự, tham gia hàng ngàn lượt tuần tra biên giới; vận động 181 đối tượng phạm pháp hình sự ra trình diện cơ quan chức năng; tham gia hoà giải, giải quyết 29 vụ việc phức tạp; xoá bỏ 1,4 ha cây thuốc phiện, ngăn chặn nhiều vụ truyền đạo trái phép.

Qua thực hiện các phong trào đã có nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng: Bộ Công an tặng Kỷ niệm Chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2022 cho 94 cá nhân; tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 3 cá nhân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 4 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen cho 46 tập thể, 90 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Từ những kết quả nêu trên cho thấy, công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Người có uy tín đã sử dụng uy tín, ảnh hưởng của mình tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở, là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền, tạo môi trường ổn định, lành mạnh phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, công tác phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Các cấp, các ngành chưa tiến hành phân loại phạm vi ảnh hưởng của người uy tín theo từng cấp để quản lý, bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, phù hợp với khả năng của người uy tín. Công tác biểu dương, khen thưởng đối với người uy tín cũng như lực lượng cốt cán trong phong trào tôn giáo chưa được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Trong thời gian tới để phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Mặt trận các cấp tiếp tục phối hợp thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, Mặt trận các cấp trong tỉnh tăng cường công tác phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo; quan tâm bồi dưỡng và phát huy vai trò của người uy tín cũng như lực lượng cốt cán trong phong trào tôn giáo; tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng cho người có uy tín những kiến thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, nông nghiệp, nông dân, nông thôn và bảo vệ môi trường; thông tin kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; kiến thức về quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm…

Hai là, phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước gắn với xây dựng các mô hình điểm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo thông qua vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; tham gia công tác phòng ngừa, giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân và những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; tham gia đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm, vận động, giáo dục những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện các phương án, biện pháp đảm bảo an ninh cho người có uy tín và gia đình họ; củng cố, nâng cao uy tín, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu tác động, đe dọa, lôi kéo, vu cáo làm mất lòng tin của cộng đồng xã hội với người có uy tín.

Ba là, định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên, biểu dương, khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, đưa người có uy tín có thành tích xuất sắc thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Định kỳ phối hợp rà soát, bổ sung danh sách đúng theo các tiêu chí, đánh giá, xác định phạm vi ảnh hưởng và khả năng phát huy của người có uy tín để phân công, phân cấp vận động, quản lý, bồi dưỡng người uy tín thiết thực, hiệu quả. 

Nông Lương Chấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều