Kinh nghiệm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

(Mặt trận) - Bước vào thời kỳ cách mạng mới, bên cạnh những thời cơ, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn lao. Trong bối cảnh mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, khu dân cư; tiếp tục phát huy thành tích mà Ngày hội Đại đoàn kết đã đạt được. Ở mọi vùng, miền, người dân thấy được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để tự giác tham gia vào Ngày hội Đại đoàn kết.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự Ngày hội đại đoàn kết cùng bà con đồng bào dân tộc tại xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư diễn ra hàng năm vào ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11 với các nội dung, hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả. Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy tiềm năng và sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Tổ chức Ngày hội đảm bảo tính thiết thực, tránh hình thức và huy động được sự tham gia của cả cộng đồng. Phần Lễ tổ chức ngắn gọn, tập trung đổi mới nội dung phần Hội tạo khí thế vui tươi và thu hút sự tham gia của người dân. Việc tổ chức Ngày hội đảm bảo tiết kiệm, an toàn, tránh hình thức, lãng phí... Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Các hoạt động tổ chức trước Ngày hội ở một số địa phương còn dàn trải, chưa thật sự nổi bật, chưa thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Hoạt động phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư chưa được thông suốt, nhịp nhàng... Do đó, cần thiết phải tổng kết hoạt động tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư để phát huy các ưu điểm, khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, rút ra những kinh nghiệm cần thiết để tổ chức có chất lượng tốt nhất Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

 Mặt trận Tổ quốc các cấp phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Ngày hội; phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia Ngày hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động sớm xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Kế hoạch hướng dẫn nội dung thực hiện Ngày hội của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được triển khai sớm từ khâu ra văn bản hướng dẫn, tập huấn, tài liệu… để Mặt trận các cấp chủ động triển khai công tác hàng năm.

Để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả cao, cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp và các ngành, đoàn thể phải luôn quan tâm đúng mức đến việc triển khai nội dung Ngày hội. Sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Đảng, Mặt trận và các đoàn thể và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân và thực hiện xã hội hoá Ngày hội là những nhân tố đảm bảo tốt cho việc thực hiện Ngày hội đạt hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, nơi nào tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành công khi cấp ủy đảng quan tâm, sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động, tích cực, sáng tạo, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ, các ngành, các đoàn thể hăng hái tham gia, Nhân dân nô nức, phấn khởi tham gia đông đảo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

Công tác tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của Ngày hội, nhất là ở cơ sở, địa bàn dân cư nhằm tạo sự quan tâm, chú ý và nâng cao nhận thức cho Nhân dân về Ngày hội. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của Nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động Ngày hội của Nhân dân trên địa bàn dân cư.

Tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của Ngày hội đến các tầng lớp Nhân dân, chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, qua đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tăng cường các hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình của địa phương; thông qua cuộc họp khu dân cư, sinh hoạt của các đoàn thể nhân dân. Xây dựng các cụm thông tin, cổ động, panô, áp phích, khẩu hiệu ở các khu trung tâm, nơi tập trung đông người. Các cơ quan, công sở trang trí khẩu hiệu tuyên truyền cổ động.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ở các khu dân cư theo truyền thống hàng năm là dịp để các đồng chí lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở về sinh hoạt cùng với Nhân dân, nắm tình hình đời sống và những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thực hiện phong cách “gần dân, thân dân, tôn trọng Nhân dân, có trách nhiệm với Nhân dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của Nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia hoạt động của Ngày hội của Nhân dân trên địa bàn dân cư. Để thiết thực lập thành tích chào mừng ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngày hội hàng năm, hệ thống Mặt trận các cấp phát động phong trào thi đua ở địa phương mình. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tính chủ động, năng lực tìm tòi sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân mà nòng cốt là các đơn vị là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuỳ vào điều kiện cụ thể của các đơn vị, các khu dân cư mà chuẩn bị các công trình dự kiến hoàn thành để chào mừng Ngày hội như: xây nhà Đại đoàn kết, làm đường, cầu cống, vệ sinh môi trường, sửa sang nhà văn hoá, khu sinh hoạt văn hoá, giúp đỡ người nghèo, trao học bổng, hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Phấn đấu mỗi khu dân cư có một thành tích cụ thể, thiết thực để báo công trong Ngày hội.

Thực tế ở các địa phương trong thời gian qua cho thấy, trong việc triển khai Ngày hội, nơi nào thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo ra sự đồng thuận trong Nhân dân, tuyên truyền để Nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về Ngày hội, về các phong trào, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, tự giác, tích cực tham gia thực hiện, sáng tạo ra những cách làm có hiệu quả, thì nơi đó Ngày hội có hiệu quả cao, vững chắc và ngược lại.

Tùy theo từng khu dân cư, từng vùng, từng miền, từng dân tộc, tôn giáo mà có hình thức tổ chức Ngày hội cho thiết thực, nêu cao vai trò và sự tham gia của của người dân. Ngoài phần Lễ, phần Hội cũng cần phải được chú trọng đúng mức, bởi vì chính phần Hội sẽ tạo ra không khí vui vẻ, phấn khởi giúp cho mọi người cùng hưởng thụ niềm vui của Ngày hội thông qua các sinh hoạt văn hoá dân gian, hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ…

Mặt trận Tổ quốc các cấp chú trọng hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện để việc triển khai Ngày hội ở mỗi địa bàn dân cư đạt hiệu quả thiết thực

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, quan trọng vì vậy công tác quán triệt tư tưởng cho Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư về chủ trương tổ chức Ngày hội của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất cần thiết. Trước hết là phải tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và Nhân dân trong quá trình triển khai Ngày hội. Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động; kiên trì thuyết phục gắn liền với việc giáo dục. Cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về Ngày hội, trước hết là cán bộ Mặt trận các cấp, cán bộ trong hệ thống chính trị, sau đó là các tầng lớp Nhân dân gắn với sơ, tổng kết cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với việc đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới. Qua đó, làm cho các cấp Mặt trận phát huy vai trò của mình tham mưu cho cấp uỷ đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên để tổ chức Ngày hội đạt kết quả cao.

Việc gắn kết, lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào ở khu dân cư chính là thực hiện quan điểm của Đảng về văn hoá, làm cho các nhân tố văn hoá gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương... biến thành nội sinh quan trọng của sự phát triển.

Thực tiễn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư trong thời gian qua cho thấy, địa phương nào gắn việc triển khai các phong trào, các cuộc vận động với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội thì địa phương đó các cuộc vận động các phong trào, Ngày hội Đại đoàn kết cũng phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú. Ngày hội là dịp để đánh giá kết quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đồng thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.

Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư về kỹ năng tổ chức Ngày hội

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là ngày hội lâu dài không có điểm dừng, điểm kết thúc, cần phải có sự kiên trì, có bước đi vững chắc, vừa triển khai toàn diện các hoạt động xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, vừa xác định những trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian. Việc tổ chức Ngày hội thành công khi thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng tham mưu, tổ chức, phối hợp thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Việc trang bị kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ công tác Mặt trận cho cán bộ Mặt trận là một trong những yêu cầu bức thiết của việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Cần có chương trình, kế hoạch tổng thể, thống nhất về bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp trong cả nhiệm kỳ và hàng năm, khắc phục được tình trạng phân tán, không liên thông về mặt chuyên môn từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả cho việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Mặt trận. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên tham gia bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận. Nội dung bồi dưỡng cán bộ Mặt trận cần đa dạng, sinh động, phân bổ thời gian giảng dạy lý thuyết và thực hành hợp lý, từ đó tạo được cảm hứng cho học viên dự học. Nguồn tư liệu cần được cơ sở đào tạo bổ sung, hoàn thiện để hỗ trợ quá trình giảng dạy. Giảng viên, báo cáo viên cần có sự linh hoạt, tích cực bổ sung kiến thức mới, đổi mới thông tin, cập nhật tính thời sự vào trong giáo trình, bài giảng, đáp ứng lượng kiến thức truyền đạt phù hợp với tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Hậu, Góp phần nghiên cứu về đại đoàn kết dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

2. Nguyễn Viết Thảo và Dương Trung Ý, Thực hiện đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2014.

3. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2019), Báo cáo số 693/BC-MTTW-BTT ngày 16/1/2019 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” (giai đoạn 2003 - 2018).

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh (2020), Báo cáo Kết quả tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2020.

5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang (2020), Báo cáo Kết quả tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2020.

LÊ MẬU NHIỆM*, NGÔ THỊ THÚY MAI**

* TS, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, UBTW MTTQ Việt Nam

** ThS, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều