|
Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022 dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 16/11/2022 đến 18/11/2022. Ảnh minh hoạ |
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc Tây Nguyên với dân số 583.500 người; trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%, với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, trong đó nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng trên các mặt của đời sống, xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao (chiếm 93,74% số hộ nghèo và 90,4% số hộ cận nghèo toàn tỉnh); trình độ dân trí còn hạn chế; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; một bộ phận người dân chưa biết cách áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chưa biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và chưa tìm được thị trường tiêu thụ nông sản… Để đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từng bước thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết tự lực vươn lên trong lao động sản xuất; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần đẩy nhanh tiến độ công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ký kết Chương trình phối hợp số 09/CTrPH-UBND-UBMTTQ, ngày 22/4/2022 để triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện cuộc vận động
Trong thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền về mục đích, nội dung và ý nghĩa của cuộc vận động đến cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền lồng ghép thông qua các cuộc họp ở khu dân cư, qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội; Xây dựng các chuyên trang, phóng sự chuyên đề, đặc biệt là phóng sự về gương điển hình; Lồng ghép tuyên truyền trong các buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tập huấn khởi nghiệp, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã; Tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; phát tờ rơi; các trang website, nhóm zalo, Facebook… Trong năm qua, các ngành đã sử dụng có hiệu quả kênh truyền thông để xây dựng nhiều chuyên mục, chuyên đề, phóng sự liên quan đến cuộc vận động để phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, tuyên truyền gắn với xây dựng mô hình điểm về nuôi dê, nuôi heo, trồng các loại cây công nghiệp giá trị cao, mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng; gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tuyên truyền vận động các gia đình ở vùng sâu vùng xa thực hiện việc xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới. Theo mục tiêu đề ra, 100% đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tuyên truyền về nội dung cuộc vận động; 100% các huyện, thành phố đã lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”… Đồng thời qua tuyên truyền, cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã nâng cao nhận thức, ý thức trong thực hiện cuộc vận động; đặc biệt qua tuyên truyền, đồng bào dân tộc thiểu số đã có những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, dần loại bỏ những tập quán lạc hậu, biết cách tổ chức sản xuất làm cho đời sống ngày càng nâng lên, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Công tác xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng nhiều mô hình về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có một số mô hình điểm, mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình trồng sâm dây tại thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng cho 11 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo; mô hình nuôi heo đen tại thôn Đăk Lai, Đăk Lúp, xã Đăk Nên cho 96 hộ nghèo với tổng kinh phí đầu tư 820 triệu đồng; mô hình trồng mỳ cao sản (bằng phương thức đào hố) với 20 hộ dân tộc thiểu số tham gia; mô hình sản xuất giống lúa ST25 tại 8 xã Đăk Na, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông, Đăk Tờ Kan, Tê Xăng, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Đăk Hà; mô hình phòng, chống đói rét cho đàn trâu, bò với 18 hộ dân tộc thiểu số tham gia… Đối với các sở, ban, ngành, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, các đơn vị đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; hướng dẫn về việc sử dụng con giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện kinh tế để người dân áp dụng đạt hiệu quả cao; vận động đồng bào dân tộc thiểu số bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú…
Với sự triển khai đồng bộ hiệu quả, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền địa phương và các ban, ngành; từ đó đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện cuộc vận động và được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng thực hiện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc vận động đã mang lại những hiệu quả thiết thực góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 5.318 hộ nghèo dân tộc thiểu số thoát nghèo, 2.761 hộ cận nghèo thoát cận nghèo.
Bên cạnh đó, cuộc vận động đã từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ, cách sống, cách làm. Một bộ phận không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo, nhiều gia đình đã tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình. Nhiều thôn, làng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường. Nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con em trong độ tuổi đến trường, tham gia các lớp học bổ túc văn hóa, xóa mù chữ. Thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn; nhiều hộ gia đình đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất… Do đó, đời sống Nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được ổn định, góp phần cho sự phát triển chung của tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tới
|
Bà Y Yin (69 tuổi), nghệ nhân dệt thổ cẩm, làng Kon K"tu, xã Đắk Rơ Wa, Thành phố Kon
Tum: Người dệt truyện cổ lên thổ cẩm. ẢNH: PV |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Công tác triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, chưa phát huy hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện; công tác khảo sát xây dựng mô hình điểm chưa được chú trọng đúng mức, việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ xây dựng mô hình còn gặp nhiều khó khăn; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm dù đã có nhiều cố gắng tuy nhiên do nền văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn một số hủ tục, tập quán lạc hậu đang tồn tại nên đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa - xã hội của người dân, ảnh hưởng đến lao động sản xuất. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, thời gian tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Kon Tum cần triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động để cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; cụ thể hóa nội dung cuộc vận động gắn với việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các phong trào, cuộc vận động của các đoàn thể chính trị - xã hội… nhằm tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tham gia thực hiện cuộc vận động.
Ba là, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, khu dân cư; các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất; các cá nhân uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng để xây dựng họ thành lực lượng xung kích, đầu tàu trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo biết tự vươn lên thoát nghèo bền vững, biết phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.
Bốn là, hàng năm cân đối, ưu tiên nguồn lực để xây dựng điểm các mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn; tiếp tục vận động các nguồn lực để triển khai xây dựng và duy trì mô hình điểm về phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo để từng bước nhân rộng trên địa bàn tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Năm là, tăng cường hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây con có hiệu quả để tăng năng suất và giá trị kinh tế; đồng thời biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực của gia đình, kết hợp với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như nuôi heo bản địa, dê, bò, gia cầm.
Sáu là, tổ chức tập huấn để triển khai thực hiện cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, tăng cường thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động để chia sẻ mô hình, cách làm hiệu quả trong lao động sản xuất.
Nguyễn Thị Phương Hà
Tiến sĩ, Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam