Lai Châu: Vai trò của các tổ chức CTXH trong thực hiện chính sách an sinh xã hội hiện nay

An sinh xã hội (ASXH) là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi có nhiều khó khăn và rủi ro trong cuộc sống. Thực hiện chính sách ASXH là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội là rất quan trọng. Ở Lai Châu là một điển hình như vậy.
 

Từ thực hiện các chính sách XĐGN, đảm bảo ASXH thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình khoảng 5% mỗi năm. Ảnh. Báo Lai Châu

Tỉnh Lai Châu là tỉnh biên giới, thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH lớn so với cả nước. Trong tỉnh có 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 4 dân tộc rất ít người (Cổng, Mảng, La Hủ, Si La); đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 85%. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội (KT-XH) kém phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo cao, việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc có nơi còn hạn chế, có nội dung còn chậm, hiệu quả thấp; tình trạng di cư tự do, hoạt động của các loại tội phạm trong vùng đồng bào dân tộc, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông còn diễn biến phức tạp…

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chính sách dân tôc, nhất là chính sách ASXH, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc. Nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH của Đảng, Nhà nước, đã được tích cực triển khai. Các chương trình, như: 186, 120, 134, 135; dự án 600, chương trình 500 bản của tỉnh, chương trình 661, …

Để thực hiện các chương trình, dự án trên, các đoàn thể chính trị trong tỉnh có vai trò, vị trí quan trọng. Vừa tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa tại địa bàn dân cư; vừa tuyên truyền, vận động quần chúng tại các địa bàn hăng hái tham gia, góp phần đảm bảo ASXH trong tỉnh, vươn lên hoát nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống, cụ thể:

Hội Chữ thập đỏ, đã có nhiều cố gắng tập hợp các tầng lớp nhân dân, các tổ chức nâng cao tình nhân ái cùng tham gia các hoạt động nhân đạo; đồng thời, chỉ đạo các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm trong việc chăm lo cho các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… góp phần thực hiện tốt công tác ASXH trên địa bàn. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hội, thiết thực giải quyết chính sách ASXH  của địa phương. Một số phong trào tiêu biểu như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2019; các mô hình: “Ngân hàng bò”, “Bếp ăn tình thương”; ngân hàng “Địa chỉ nhân đạo” trên địa bàn toàn tỉnh được duy trì và phát triển. Thông qua đó, đã tăng cường công tác vận động nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để duy trì các hoạt động nhân đạo, như: Chăm sóc sức khỏe, hiến máu nhân đạo, cứu trợ đột xuất...

Đoàn thanh niên, đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm ASXH, hăng hái chung tay giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững ở địa phương. Năm 2018, 2019, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè được Tỉnh Đoàn phát động thực hiện đồng loạt ở các cấp bộ Đoàn. Theo đó, các hoạt động tập trung vào những nội dung: Xây dựng công trình nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn giao thông; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động chăm lo cho thiếu nhi... Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2019 được Bộ đội Biên phòng Lai Châu triển khai từ ngày 1-6 đến 31-8 và chọn tháng 7 là tháng cao điểm, thực hiện trên 219 bản của 23 xã biên giới và thành phố Lai Châu, với nhiều hoạt động, như: Phối hợp cùng Câu lạc bộ thiện nguyện “Gieo mầm hạnh phúc” thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tặng 400 phần quà (300.000 đồng/phần quà) cho các gia đình diện hộ nghèo, gia đình chính sách; trao 30 suất học bổng (500.000 đồng/suất) cho các cháu học sinh thuộc Chương trình “Nâng bước em đến trường” ở 2 xã Trung Chải và Nậm Ban, huyện Sìn Hồ (Lai Châu); đến các bản tổ chức tuyên truyền về tác hại của rượu bia, chất kích thích, hủ tục lạc hậu; hỗ trợ người dân di dời chuồng trại xa khu vực dân cư, tổng dọn vệ sinh trục đường giao thông nội bản; cắt tóc miễm phí; trồng mới trên 100 cây xanh… góp phần thiết thực vào thực hiện các chính sách ASXH của tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc, luôn giữ vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức nhiều hoaatj động thiết thực. Chung tay xây dựng nhiều ngôi nhà đại đoàn kết, đã trở thành hình mẫu cho khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Theo đó, công tác vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” được Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai thực hiện hiệu quả, đồng thời lồng ghép với thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP, Quyết định 167/QĐ-TTg và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ các phong trào đó, đã tạo thêm nguồn lực xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, xóa nhà tranh tre dột nát, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Từ năm 2014 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” của toàn tỉnh đã vận động được hơn 25 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.025 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo; giúp đỡ, hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo về sản xuất, trẻ em nghèo về học tập,… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thường xuên làm tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, công tác phòng, chống HIV/AIDS... được gắn với các hoạt động công tác hội, phong trào phụ nữ và các cuộc vận động lớn của tỉnh, của Hội. Công tác tuyên truyền bám sát nội dung định hướng, cung cấp thông tin kịp thời, giải đáp đúng những vấn đề mà dư luận xã hội, hội viên phụ nữ quan tâm và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, các dự án trọng điểm như công tác di dân tái định cư vùng thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, thủy điện Lai Châu, trồng cây cao su... Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua “Dân vận khéo”; các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ xây dựng nông thôn mới”… được đẩy mạnh thực hiện. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, tàn tật. Từ năm 2007 đến nay, các cấp Hội đã vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cá nhân và các nhà hảo tâm được số tiền trên 3 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới 171 mái ấm cho phụ nữ nghèo; giúp đỡ, xóa được 2.781 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và tổ chức thăm hỏi, động viên khi hội viên phụ nữ gặp khó khăn, hoạn nạn,…

 

Tăng cường hiệu quả nguồn vốn chính sách góp phần đảm bảo ASXH. Trong ảnh: Giao dịch tại các điểm cho vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hội Nông dân, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân; khơi dậy tiềm tự hào, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân; đẩy mạnh 3 phong trào có tính cốt lõi, lan tỏa, hiệu quả lớn: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào “Xây dựng nông thôn mới” và Phong trào “nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh”; tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân; vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức hội với các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tranh thủ, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch… đưa phong trào nông dân của tỉnh tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả hơn nữa. Nhờ đó, đến năm 2019 đã có trên 4.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, bình quân mỗi năm tăng 7,7%. Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn, trong đó có trên 1.000 lao động có việc làm thường xuyên, trên 5.000 lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con, sức kéo và kinh nghiệm sản xuất cho hàng nghìn lượt hộ nông dân. Nông dân đã hiến trên 300 nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm nghìn ngày công tham gia xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn… Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, chính sách ASXH ngày càng được tốt hơn.

Hội Cựu Chiến Binh, luôn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, vận động hội viên Cựu chiến binh quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ tặng quà Tết cho hội viên Cựu chiến binh nghèo ăn Tết; các cấp Hội tích cực vận động hội viên tham gia sôi nổi các phong trào ở địa phương, chung tay xây dựng nông thôn mới, giúp hộ nghèo của hôi Hội trong toàn tỉnh giảm xuống còn 10,6%, hộ cận nghèo 9,3%, hộ trung bình 12,7% và số hộ khá, giàu 67,5%. Các cấp hội đã tổ chức vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi, thực hiện ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với tổng dự nợ qua Hội quản lý trên 500 triệu đồng cho gần 10.000 hộ vay, trong đó riêng Hội Cựu Chiến binh vay là 6.784 hộ với 11 chương trình, góp phần thực hiên chính sách ASXH đạt kế quả tốt.

Bên cạnh đó, các hội nghề nghiêp thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, cũng có nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy công tác ASXH trong tỉnh đạt kết quả tốt.

Như vậy, với sự bám sát của các tổ chức trính trị và thông qua các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực dân tộc thiểu số, miền núi; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ năm 1996 đến nay, tỉnh đã đầu tư mới hàng trăm công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường lớp học… thuộc các huyện nghèo; hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho gần 129 ngàn hộ; hỗ trợ khai hoang tạo nương rẫy cố định cho 200 hộ; hỗ trợ gần 200 dự án phát triển sản xuất… Qua đó, từng bước giải quyết nhu cầu của người dân; tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 0,89 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017. Đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện rõ rệt, ASXH được đảm bảo, quốc phòng an ninh được củng cố.

Theo ThS. Phạm Thị phương - ThS. Nguyễn Đức Toàn/Tạp chí Tuyên giáo ​

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều