Liên kết các tầng hưu trí, bảo đảm an sinh xã hội

Liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất người dưới 75 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm thì được trợ cấp bằng khoản tiền họ rút bảo hiểm một lần hoặc tổng tiền đã đóng. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đề xuất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi, ước tính sẽ có thêm khoảng 800 nghìn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng

Liên quan đến tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được gửi đến Quốc hội, nội dung đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng là một trong những điểm mới so với quy định hiện hành.

Sẽ có thêm gần 800 nghìn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế nêu đề xuất được thông qua. Nguồn: ITN

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này bổ sung một chương về trợ cấp hưu trí xã hội. Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Theo tờ trình, mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo dự thảo Luật, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và có thêm khoảng 800 nghìn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế. Đặc biệt, điểm mới tiếp theo của dự án Luật phải kể đến trợ cấp hàng tháng do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả cho thời gian chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Cụ thể, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng. Số tiền hưởng trợ cấp này tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Bên cạnh đó, trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng cũng được hưởng bảo hiểm y tế.

Đề xuất 2 phương án chi trợ cấp hưu trí

Cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án tính mức trợ cấp hàng tháng, song sẽ không thấp hơn mức trợ cấp hưu trí xã hội (dự kiến 500.000 hoặc 750.000 đồng). Phương án 1 là tổng số tiền chi trả trợ cấp đúng bằng khoản hưởng BHXH một lần. Theo quy định hiện nay, mức hưởng BHXH một lần được tính bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho mỗi năm tham gia.

Phương án hai, khoản trợ cấp bằng tổng tiền đóng của lao động và chủ doanh nghiệp vào Quỹ hưu trí tử tuất. Theo quy định hiện nay, mức này bằng 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, trong đó lao động 8% và chủ sử dụng 14%. Tổng mức đóng hàng năm tính bằng 2,64 tháng lương. Công thức tính thời gian hưởng trợ cấp phụ thuộc vào từng phương án và sẽ được nêu rõ trong các văn bản hướng dẫn nếu đề xuất được thông qua.

Trong buổi họp báo thông tin về kết quả an sinh xã hội, lao động - việc làm và người có công do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 17.10, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội chia sẻ, đề xuất nhằm liên kết các tầng hưu trí, "vá" lỗ hổng an sinh trong bối cảnh hơn 9 triệu người già hết tuổi lao động đến dưới 80 tuổi không lương hưu, không trợ cấp. Thống kê giai đoạn 2016 - 2022, có 109.300 lượt lao động đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH chọn rút một lần do chưa đủ điều kiện hưởng hưu trí.

Ông Cường cũng phân tích, trong 2 phương án thì tính bằng 2,64 tháng lương có lợi hơn cho người lao động vì cao hơn 0,64 tháng lương mỗi năm so với phương án đầu. Chính sách này chỉ áp dụng cho lao động còn bảo lưu thời gian tham gia trong hệ thống BHXH, tức người từng rút 1 lần nhưng sau đó quay lại đóng tiếp, hoặc bảo lưu 50% (nếu Quốc hội thông qua phương án 2 về hưởng BHXH một lần) mà chưa đủ 15 năm tham gia, không áp dụng với người đã rút toàn bộ.

Nếu đề xuất được thông qua, hệ thống an sinh sẽ hình thành ba tầng. Tầng dưới cùng là BHXH cơ bản dành cho lao động từ khi đi làm, gia nhập hệ thống an sinh đến trước khi đủ tuổi về hưu. Tầng này có các chế độ như ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp cùng khoản đóng góp để khi đủ điều kiện được hưởng lương hưu.

Tầng tiếp theo là lao động đủ tuổi về hưu đến dưới 75 tuổi mà chưa đủ năm đóng như dự luật đề xuất. Tầng còn lại dành cho người già trên 75 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Hiện, Việt Nam có hơn 14,4 triệu người già sau tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ có 5,1 triệu người (chiếm 35%) có các chế độ hỗ trợ.

Theo Tùng Dương/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều