|
Ảnh minh họa.
|
Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật, tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm liên quan đến dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là vi rút SARS-CoV-2 và các biến thể của nó. Khởi nguồn vào cuối tháng 12/2019 với tâm dịch đầu tiên tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Đến ngày 11/3/2020, Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố gọi “Covid-19” là đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam, trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được xác nhận vào ngày 23/1/2020. Đại dịch Covid-19 đã lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành, mang lại những thách thức chưa từng có, tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, tình hình an ninh, trật tự ở Việt Nam. Tính đến ngày 8/6/2022, toàn thế giới có 523 triệu ca, trong đó có 6,3 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam là 10.727.005 ca, 43.081 ca tử vong, 9.523.280 ca hồi phục. Những con số “biết nói” đã phản ánh rõ tốc độ bùng phát đáng báo động của dịch Covid-19. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, Nhà nước đã và đang triển khai áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó, phải kể đến các hành lang pháp lý - công cụ quan trọng để điều chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời tổ chức các biện pháp dân vận, huy động sự ủng hộ của Nhân dân tham gia phòng, chống đại dịch; thực hiện đúng các quy định của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường an toàn, thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội.
Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Người phạm tội nhận thức và lợi dụng những khó khăn đó để vụ lợi bằng cách sử dụng các thông tin, tình hình, diễn biến, hậu quả, biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh tạo điều kiện có lợi cho mình để thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật khác. Các hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội có thể là lợi dụng tình hình dịch bệnh để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của Nhân dân; lợi dụng việc chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào bị dịch bệnh để chuyên trở hàng cấm, hàng lậu; lợi dụng những khó khăn do dịch bệnh gây ra để mua vét hàng hoá bán với giá rất cao nhằm trục lợi; lợi dụng việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch lừa đảo mua, bán khẩu trang chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; phát tán thông tin dịch bệnh có chứa mã độc trên mạng xã hội để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản; đầu cơ, tích trữ vật tư y tế (khẩu trang, nước, dung dịch sát khuẩn); sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; đưa thông tin không đúng sự thật chống phá Đảng, Nhà nước…
Như vậy, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến đại dịch Covid-19 là những hành vi xâm phạm trực tiếp khách thể gồm các quy định phòng, chống dịch và khách thể khác có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, được quy định trong Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác do người có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm phạm tới các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ và bị xử lý bằng các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), được hướng dẫn chi tiết tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Nội dung chính của công văn là hướng dẫn áp dụng pháp luật và xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, người phạm tội sẽ bị phạt tù và còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Qua nghiên cứu, dựa vào quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan chức năng cho thấy một số hành vi sau đây được cho là hành vi phạm tội liên quan đến đại dịch Covid-19, được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015: tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240); tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh an toàn lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295); tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Điều 174); tội buôn lậu (Điều 188); tội đầu cơ (Điều 330); tội chống người thi hành công vụ (Điều 330); tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360).
Các hành vi vi phạm pháp luật khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được xử lý bằng các chế tài hành chính được quy định cụ thể tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ, như: Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường; Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội... Một số hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 được quy định bao gồm: đưa thông tin không chính xác, giả mạo, xuyên tạc về dịch Covid-19; vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; đầu cơ hàng hóa và vi phạm quy định về công khai thông tin giá hàng hóa, dịch vụ; giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép; cản trở, chống lại hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ phòng, chống dịch Covid-19...
Để giảm thiểu các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến dịch Covid-19, với vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh, trật tự, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã nỗ lực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật, tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm trên. Quá trình tiến hành công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm liên quan đến đại dịch Covid-19, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã hướng dẫn cho nhân dân hiểu, nắm được những các quy định, thông tin, các vấn đề quan trọng và cần thiết, những tình huống có thể xảy ra, những âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm có liên quan để từ đó xây dựng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến đại dịch Covid-19. Tuyên truyền, phổ biến chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19 tới từng tổ chức, đoàn thể quần chúng và mỗi người dân trên địa bàn phụ trách; các quy định của pháp luật về tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19, các chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm chế tài hành chính và chế tài hình sự, nhằm giúp người dân tìm hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật, góp phần cùng cộng đồng làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuyên truyền về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến đại dịch Covid-19. Nhận diện các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng lợi dụng dịch bệnh thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật; các hậu quả, tác hại của các hành vi đó.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến đại dịch Covid-19 của lực lượng Cảnh sát nhân dân vẫn còn một số hạn chế nhất định. Số lượt tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến đại dịch Covid-19 chưa thường xuyên; các nội dung tuyên truyền chưa thực sự cụ thể; hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân chưa có sự đổi mới, sáng tạo; chưa phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa Cảnh sát nhân dân với các lực lượng khác trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân chưa nhận thức rõ vai trò công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự nói chung, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến đại dịch Covid-19 nói riêng. Từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến đại dịch Covid-19 cũng như công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong bối cảnh đại dịch.
Một số giải pháp góp phần giảm thiểu tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch Covid-19
Một là, kết hợp linh hoạt các hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Để tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19 khi xã hội từng bước chuyển mình theo trạng thái bình thường mới đạt hiệu quả, lực lượng Cảnh sát nhân dân cần căn cứ vào một số yếu tố nhất định có ảnh hưởng tới chất lượng tuyên truyền, vận động cụ thể như: đặc điểm, tính chất, tình hình địa bàn; trình độ văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tinh thần, thái độ, sự nhiệt tình trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung, cũng như thái độ tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19 nói riêng của người dân; các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động đã triển khai trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể và hiệu quả đạt được để từ đó có thể có những hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật cho phù hợp. Việc tiến hành tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19 cần có sự đổi mới, đa dạng hóa và kết hợp linh hoạt giữa các hình thức tuyên truyền, vận động để Nhân dân có thể tiếp cận được vấn đề, nội dung tuyên truyền một cách đầy đủ, đúng đắn, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức của Nhân dân trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19. Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như: tuyên truyền qua các hoạt động truyền thông, các kênh phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử của phường; qua hệ thống loa phát thanh của khu dân cư, tổ dân phố; qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Viber... Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền qua sách báo, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lực lượng Cảnh sát nhân dân tham mưu đề xuất “sân khấu hóa” các thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật bằng việc mô phỏng, diễn lại qua các video, clip để người dân có thể dễ dàng tiếp nhận và hình dung hơn. Triển khai mạnh tuyên truyền qua bảng tin, bảng ảnh truyền thông, pano áp phích, khẩu hiệu tranh cổ động, sáng tạo các mô hình infographic, logo, biểu đồ tuyên truyền... có thể tập trung chú trọng việc treo pano áp phích, các khẩu hiệu tại các tuyến đường chính, các khu phố, khu chợ là những nơi tập trung đông người qua lại với các khẩu hiệu phù hợp như: “Gia đình giữ gia đình, khu phố giữ khu phố”; “Chung tay phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến dịch Covid-19”…
Kết hợp với việc nghiên cứu cá biệt toàn diện về con người, lực lượng Cảnh sát nhân dân tìm kiếm, phát hiện những người, nhóm người trong khu dân cư trên địa bàn phụ trách có đủ điều kiện để tiến hành tuyên truyền, vận động cá biệt nhằm mục đích giáo dục, giác ngộ và sử dụng khả năng của họ để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tuyên truyền lưu động qua việc kết hợp với hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát nhân dân cũng là một hình thức tuyên truyền dễ tiến hành và mang lại hiệu quả cao.
Hai là, xây dựng, củng cố các lực lượng quần chúng nòng cốt, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19, lực lượng Cảnh sát nhân dân cần phát huy được chức năng của các lực lượng khác trên địa bàn mà cốt lõi là lực lượng quần chúng nòng cốt trong mối quan hệ phối hợp để tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19. Việc xây dựng, củng cố các lực lượng quần chúng nòng cốt, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn là một nội dung quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19. Cần xây dựng và củng cố lực lượng quần chúng nòng cốt trên địa bàn, bao gồm lực lượng Công an xã bán chuyên trách, lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và các lực lượng khác; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xã hội trên địa bàn để xây dựng các mô hình tuyên truyền như: “Phát thanh hội phụ nữ”, “Tiếng loa thanh niên”, “Đội hoạt động xã hội”... để lồng ghép tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm liên quan đến đại dịch Covid-19.
Ba là, phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19.
Để thực hiện tốt tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19, lực lượng Cảnh sát nhân dân cần phối hợp với các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... để tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19. Xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, rõ ràng với mỗi lực lượng cụ thể để phát huy, tận dụng những điều kiện thuận lợi cụ thể trong các hoạt động công tác của cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn nhằm tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19 có hiệu quả.
Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19 được xác định là một giải pháp phù hợp trong điều kiện xã hội đang phát triển mạnh mẽ về công nghệ và đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền, vận động Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh. Cụ thể như: tham mưu cho chỉ huy đơn vị thành lập trang Fanpage Công an trên Facebook, trang Zalo của Công an cấp xã. Tạo các nhóm Zalo, Messenger có thành viên là lực lượng Cảnh sát nhân dân để kịp thời cập nhật, nắm bắt thông tin chỉ đạo, cũng như trao đổi, chia sẻ các nội dung, kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu Căn cước công dân phục vụ phòng, chống tội phạm và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (gồm xây dựng, triển khai các phần mềm quản lý công dân vùng dịch, hỗ trợ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, xác thực thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch; kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất quét mã QR trên thẻ Căn cước công dân phục vụ quản lý đi lại của người dân và công tác phòng, chống dịch Covid-19...). Liên kết ứng dụng với các nền tảng trang Web để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19.
Năm là, thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19.
Để hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đại dịch Covid-19 được thực hiện có hiệu quả, lực lượng Cảnh sát nhân dân cần chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến Covid-19 được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, có thể theo định kỳ một quý, 6 tháng hoặc một năm, nhiều năm hoặc tiến hành theo chuyên đề. Việc sơ kết, tổng kết có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá, đúc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến dịch bệnh Covid- 19 nói riêng trong thời gian tiếp theo.
Tạ Thanh Hương
TS, Học viện Cảnh sát nhân dân
Hà Anh Điệp
Học viện Cảnh sát nhân dân