|
Diện mạo thành phố Hải Dương đang thay đổi hàng ngày. (Ảnh minh họa - Nguồn Internet) |
Năm 2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hải Dương chủ trì tổ chức 500 cuộc giám sát trực tiếp tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh được đổi mới cả về chất và lượng, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức, cá nhân được giám sát, góp phần tích cực trong việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.
Những đổi mới trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp
Thứ nhất, thực hiện chủ trương của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, công tác giám sát tập trung theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến đời sống của đông đảo người dân, được dư luận xã hội quan tâm để giám sát.
Trong đó, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tập trung giám sát các lĩnh vực như: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên (theo Quy định số 124-QĐ/TW); công tác cải cách hành chính đối với người đứng đầu chính quyền và các sở, ngành; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện...
Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã thực hiện giám sát các vấn đề liên quan, tác động trực tiếp đến người dân như: Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc đối thoại với Nhân dân; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn...
Thứ hai, lựa chọn đúng nội dung, hình thức, thành viên đoàn giám sát. Về nội dung, ngay từ đầu năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì phối hợp thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, nội dung giám sát gắn với chỉ tiêu số cuộc giám sát trong năm, sau đó báo cáo cấp ủy, thông báo đến chính quyền cùng cấp để phối hợp thực hiện, đảm bảo cụ thể, thiết thực và không trùng lặp. Quan trọng hơn, phải nắm bắt tình hình Nhân dân và dư luận xã hội, những thông tin, phản ánh của người dân để lựa chọn những vấn đề cần giám sát.
Về thành viên đoàn giám sát, tùy theo từng nội dung, hình thức giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp mời đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận, thành viên các hội đồng, ban tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn tại các cơ quan nhà nước tham gia. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, thành viên đoàn giám sát được lựa chọn kỹ về số lượng, chất lượng; những người tham gia đều có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực, nội dung cần giám sát.
|
Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân tại huyện Cẩm Giàng (Ảnh minh họa - Nguồn trang điện tử của MTTQ tỉnh Hải Dương) |
Về hình thức giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh áp dụng các hình thức cụ thể như: Tổ chức đoàn giám sát trực tiếp; thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm guyền; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Để bảo đảm hiệu quả công tác giám sát trực tiếp, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh thu thập thông tin, tài liệu, xây dựng kế hoạch giám sát, sau đó ban hành và thông báo quyết định thành lập đoàn giám sát; yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân được giám sát gửi báo cáo, thông tin, tài liệu liên quan đến đoàn giám sát chậm nhất là 7 ngày trước ngày đoàn giám sát làm việc. Việc tổ chức thực hiện giám sát phải bảo đảm khách quan, công khai, hiệu quả, đúng quy trình, đúng các quy định, hướng dẫn về công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát. Sau giám sát, các đoàn đều có báo cáo kết quả giám sát và những kiến nghị đối với cấp ủy và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan, công khai, hiệu quả thiết thực, mang tính xây dựng, phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trường hợp các cơ quan, tổ chức, không thực hiện, hoặc chậm thực hiện kiến nghị sau giám sát, thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp gửi văn bản lên cấp trên trực tiếp của cơ quan được giám sát, đề nghị xem xét trách nhiệm; phản ánh tại phiên họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc trong Thông báo Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng, 1 năm tại phiên họp Hội đồng nhân dân, đồng thời đề nghị cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh, yêu cầu cơ quan, tổ chức được giám sát phải xem xét, giải quyết theo kiến nghị của đoàn giám sát.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát trên mọi lĩnh vực
Với những đổi mới nêu trên trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 500 cuộc giám sát trực tiếp theo kế hoạch đề ra. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 9 cuộc giám sát trực tiếp tại 9 đơn vị; cấp huyện, tổ chức 36 cuộc giám sát tại 108 đơn vị; cấp xã tổ chức 455 cuộc giám sát.
Giám sát theo chương trình của Trung ương. Cấp tỉnh chủ trì thành lập đoàn giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên (theo Quy định số 124-QĐ/TW) đối với Ban Thường vụ cấp huyện tại 2 đơn vị (huyện Kim Thành, thị xã Kinh Môn); 12/12 đơn vị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chủ trì tổ chức giám sát tại các đơn vị cấp xã và báo cáo kết quả giám sát với cấp ủy cùng cấp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên theo quy định. Các Ban Công tác Mặt trận thôn, khu dân cư thực hiện giám sát thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW; một số đơn vị, cấp ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo chi bộ thôn, khu dân cư thực hiện nghiêm công tác quản lý đảng viên, nhất là đảng viên đang công tác ở nơi cư trú.
Giám sát công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Cấp tỉnh, chủ trì thành lập đoàn giám sát đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tại 2 đơn vị (huyện Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương); 12/12 đơn vị Mặt trận Tổ quốc cấp huyện chủ trì thành lập đoàn giám sát đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; tổng hợp kết quả giám sát của địa phương, báo cáo cấp ủy, thông báo đến chính quyền cùng cấp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên theo quy định. Có 2 đơn vị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện (Cẩm Giàng, Bình Giang) tổ chức giám sát trực tiếp 2 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài của nhiều hộ dân liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai, thực hiện dự án trên địa bàn xã.
Giám sát theo đăng ký với cấp ủy. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh báo cáo cấp ủy, chủ trì tổ chức đoàn giám sát công tác cải cách hành chính đối với người đứng đầu 3 cơ quan (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 2 huyện: Kim Thành và Bình Giang.
Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề theo đăng ký với cấp ủy cùng cấp trong năm. Hoạt động giám sát tập trung công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc đối thoại với Nhân dân; giám sát thực hiện Chương trình hành động của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (đã có 2 đơn vị Mặt trận Tổ quốc cấp huyện tổ chức giám sát đối với đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp thuộc các nhóm cơ cấu trong Hội đồng nhân dân).
Giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở. Năm 2022, các Ban Thanh tra nhân dân cấp xã chủ trì tổ chức giám sát 1.124 vụ việc; kiến nghị xử lý 1.095 vụ việc; được chính quyền và cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, giải quyết 1.095 vụ việc. Trong đó, 215 vụ việc về đất đai; 43 vụ việc về kinh tế; 213 vụ việc về an ninh, quốc phòng; 154 vụ việc về văn hóa - xã hội; 470 vụ việc khác; kiến nghị và thu hồi 61m2 đất và 14 triệu dồng. Tổ chức giám sát 208 dự án đầu tư của cộng đồng, trong đó xác định 198 dự án đầu tư đúng quy định, 3 dự án có vi phạm, 14 dự án chưa xác định, đã kiến nghị và phản ánh 1 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và thông báo kết quả xử lý 3 vụ việc.
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn tham gia giám sát với cơ quan nhà nước 530 cuộc. Trong đó, cấp tỉnh 12 cuộc, cấp huyện 18 cuộc, cấp xã 480 cuộc; giám sát thông qua văn bản đối với 141 văn bản. Trong đó, cấp tỉnh giám sát 9 văn bản, cấp huyện giám sát 38 văn bản, cấp xã giám sát 94 văn bản; tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh góp phần tích cực trong việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong tỉnh vẫn còn mặt hạn chế cần khắc phục như: Một số địa phương, đơn vị cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo giải quyết các kiến nghị sau giám sát; nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc công tác giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế...
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW về phát huy vai trò nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới
Năm 2023, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Kế hoạch số 115-KH/TU ngày 16/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành Chương trình số 09/CTr-MT ngày 1/2/2022 về giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội năm 2023.
Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì tổ chức 4 chuyên đề giám sát: Việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giữa nhiệm kỳ 2021 - 2026; Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Giám sát người đứng đầu các sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác cải cách hành chính.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã tổ chức giám sát các nội dung: Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giữa nhiệm kỳ 2021- 2026.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và cấp xã lựa chọn nội dung giám sát các lĩnh vực liên quan đến quyền lợi của đông đảo các tầng lớp nhân dân như: Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; Giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Giám sát việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc đối thoại với Nhân dân...
Nguyễn Đức Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương.