|
Thông báo về Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
|
Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng
Tự phê bình và phê bình được tiến hành trên tất cả các mặt công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác kiểm tra và kỷ luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế, thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách”(1).
Trong những năm qua, cùng với những thành tựu quan trọng mà nhân dân ta đã giành được, Đảng ta có bước trưởng thành mới về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đa số cán bộ, đảng viên giữ được phẩm chất cách mạng, luôn nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch và vững mạnh. Nhưng cũng phải nghiêm túc thấy rằng, một số tổ chức đảng và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay đang có những biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, mất đoàn kết nội bộ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, ích kỷ, vụ lợi phát triển. Trong khi đó công tác kiểm tra chưa nghiêm túc, không thường xuyên, đã ảnh hưởng không tốt tới vai trò và uy tín của Đảng.
Hiện nay, tự phê bình và phê bình đang bị xem nhẹ ở nhiều tổ chức đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những yếu kém, khuyết điểm của đảng viên và tổ chức đảng trong thời gian qua, trong đó có nguyên nhân là: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát”.
Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành ở các khâu trong quy trình kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng. Khi đảng viên hoặc tổ chức đảng được kiểm tra, kỷ luật thì phải tự phê bình và phê bình trước các tổ chức đảng mà mình là thành viên để họ tham gia đóng góp ý kiến. Đây là vấn đề vừa có tính nguyên tắc, vừa thể hiện bản chất tự giác và cách mạng của một đảng chân chính. Để đạt được yêu cầu đề ra, đòi hỏi các thành viên trong tổ chức phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ thảo luận, thẳng thắn, nghiêm túc và tự giác trong tự phê bình và phê bình. Nếu không, việc tự phê bình và phê bình sẽ trở thành hình thức, chiếu lệ, hiệu quả thấp.
Những khó khăn trong thực hiện kiểm tra, kỷ luật thời gian qua
Quy trình kiểm tra, xử lý kỷ luật đối với đảng viên rất chặt chẽ, khoa học, thể hiện tính công khai, dân chủ, nhưng nếu đảng viên được kiểm tra thiếu nghiêm túc và tự giác thì tự phê bình và phê bình sẽ mất vai trò quan trọng. Thời gian qua, khi tự phê bình trước tổ chức đảng, không ít đảng viên chưa tự giác, thành khẩn nhận thiếu sót, khuyết điểm, mà thường quanh co, đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể. Các thành viên trong tổ chức đảng thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, không dám đấu tranh trực diện với khuyết điểm, vi phạm của đồng chí; hoặc chỉ phê bình qua loa cho xong chuyện, nặng về ca ngợi thành tích. Ngay cả khi ủy ban kiểm tra (UBKT) đưa ra đầy đủ chứng cứ thuyết phục về những sai phạm của đảng viên thì các thành viên trong tổ chức đảng cũng tìm cách né tránh phê bình. Nhất là, đối với những đảng viên đứng đầu địa phương, đơn vị thì việc phê bình của cấp dưới đối với cấp trên là rất khó khăn. Kết quả là, những đảng viên được kiểm tra không thấy được khuyết điểm, vi phạm của mình để khắc phục, sửa chữa. Việc thông qua kết luận của UBKT gặp khó khăn do kết quả biểu quyết phân tán, không đủ số phiếu cần thiết cho một hình thức kỷ luật; thậm chí có những sai phạm nghiêm trọng nhưng tỷ lệ số phiếu biểu quyết đề nghị kỷ luật chỉ chiếm từ 1% đến 3% số thành viên trong tổ chức đảng. Có trường hợp, đối tượng của kiểm tra có mâu thuẫn với người đứng đầu đơn vị thì việc phê bình và tự phê bình lại trở nên căng thẳng, trở thành một cuộc “đấu đá” nội bộ, “chụp mũ”, loại trừ nhau nên kết luận thiếu khách quan, chính xác, không thể hiện đầy đủ quan điểm, chính kiến của các thành viên trong tổ chức mà phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu. Do vậy, khi tổ chức đảng có thẩm quyền thực hiện quy trình xử lý kỷ luật đối với đảng viên, nhất là trong những trường hợp như vậy, không chỉ căn cứ vào đề nghị của tổ chức đảng cấp dưới mà còn phải căn cứ vào chứng cứ cụ thể, xác thực thông qua công tác thẩm tra, xác minh để quyết định có thi hành kỷ luật hay không.
Trong thực tế, có trường hợp người đứng đầu đơn vị lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở, trù dập người đấu tranh phê bình, góp ý trái với ý kiến mình, thậm chí vô hiệu hóa hoạt động của UBKT, trù dập những cán bộ kiểm tra có bản lĩnh, tính chiến đấu cao. Đối tượng được kiểm tra thiếu cộng tác, mặc cảm, định kiến, đối phó, không chịu nhận khuyết điểm. Mức độ nhẹ như không cung cấp tài liệu theo yêu cầu, trì hoãn giải trình, báo cáo đưa ra những lý do thiếu sức thuyết phục. Hiện tượng nhận khuyết điểm của tập thể thì dễ, nhận khuyết điểm của cá nhân đảng viên thì khó đang diễn khá phổ biến ở nhiều tổ chức đảng, nhất là ở những người có chức, có quyền. Tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm không tự giác, ý thức tự phê bình và phê bình kém, hiện tượng bao che, sợ “đụng chạm”, “ô dù, vây cánh”, đoàn kết một chiều cũng đang gia tăng, làm suy yếu các tổ chức đảng, đang trở thành một vấn đề bức xúc thách thức đối với kỷ cương, kỷ luật của Đảng nói chung và công tác kiểm tra của Đảng nói riêng. Ý thức tổ chức kỷ luật kém, tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “biểu quyết một đằng, làm một nẻo”, đã làm tổn hại sự thống nhất trong Đảng. Nhiều nơi, trong sinh hoạt đảng viên không dám nói sự thật vì sợ bị trù dập. Trong thi hành kỷ luật có tình trạng độc đoán chuyên quyền, gia trưởng, bảo thủ, trì trệ, áp đặt ý kiến chủ quan, nhằm loại bỏ những người không “ăn cánh” ra khỏi tổ chức.
Một số trường hợp đảng viên biết rõ những việc làm sai trái của mình là vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng vẫn cố tình dùng mọi lý lẽ, lập luận để biện minh cho những việc làm của bản thân, gây khó khăn cho các tổ chức đảng trong việc xem xét, kết luận.
Đối tượng vi phạm hiện nay rất tinh vi, phức tạp, có mối quan hệ xã hội rộng, với nhiều thủ đoạn, mánh khóe, gây khó khăn khi UBKT tiến hành nhiệm vụ, như: dùng người thân tác động với lãnh đạo cấp trên, thậm chí nói sai sự thật, tố cáo ngược, dùng vật chất mua chuộc, cung cấp thông tin sai lệch cho báo chí hòng làm nhiễu thông tin,... Chính do thiếu tự giác, thiếu trung thực của đối tượng kiểm tra trong tự phê bình và phê bình, cộng với sự nể nang, e ngại hoặc bao che của những người, những tổ chức có liên quan là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thi hành kỷ luật không công bằng theo kiểu “nhẹ trên, nặng dưới”. Cùng một lỗi vi phạm như nhau, nhưng cán bộ có chức, có quyền thì xử lý nhẹ, cán bộ, đảng viên thì xử lý nặng, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng phân tâm, cho rằng trong Đảng còn có “vùng cấm”. Có nơi sai phạm của đối tượng kiểm tra đã hết sức rõ ràng và nghiêm trọng, nhưng ý kiến thảo luận ở các tổ chức đảng cấp dưới vẫn phân tán, kết luận chung chung, biểu quyết kỷ luật nhẹ, không tương xứng với lỗi phạm, nên khi xem xét, tổ chức đảng cấp trên phải nâng hình thức kỷ luật.
Tự phê bình và phê bình giảm sút, mất dân chủ, thi hành kỷ luật không khách quan là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại kỷ luật đảng tăng trong những năm gần đây. Một số tổ chức đảng ở các cấp không chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ trong xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm.
Việc thiếu nghiêm túc và tự giác trong tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng đã để lại hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những cán bộ, đảng viên không dám tự phê bình, nể nang không phê bình để cho đồng chí của mình cứ sa vào lầm lỗi dẫn đến hỏng việc. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm...”(2). Cán bộ, đảng viên tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước nhưng tổ chức đảng có trách nhiệm quản lý đảng viên vẫn “bình chân như vại”. Nhiều vụ vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước nghiêm trọng nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống buông thả, thiếu tự giác, rèn luyện, tu dưỡng, thủ tiêu tính tiền phong gương mẫu trong điều kiện mới. Trong khi đó, sự kiểm tra của tổ chức đảng, trước hết là của chi bộ, của cấp ủy đối với đảng viên, cấp ủy viên lại lỏng lẻo. Việc tổ chức để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tham gia giám sát cán bộ, đảng viên làm không thường xuyên, chưa tốt và thiếu cơ chế cụ thể, đồng bộ.
Nhiều cấp ủy và tổ chức đảng chưa coi trọng đúng mức và chưa có biện pháp hữu hiệu để giáo dục, rèn luyện, kiểm tra đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng trong điều kiện thực hiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa đức và tài trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo yêu cầu của thời kỳ mới, từ tuyên truyền, kết nạp, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến sắp xếp, sử dụng, đề bạt, quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý khi có vi phạm...
Chủ nghĩa cá nhân thực dụng, ích kỷ, vụ lợi phát triển, trong khi đó công tác kiểm tra từ trên xuống và từ dưới lên không thường xuyên đã ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng. Tình trạng tự phê bình và phê bình trong Đảng yếu kém còn có nguyên nhân là, nhiều đảng viên nặng lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, nếu tích cực đấu tranh sợ mất việc làm, mất địa vị, giảm thu nhập, trong khi đó lại chưa có cơ chế bảo vệ có hiệu quả người trung thực, dũng cảm thẳng thắn đấu tranh.
Thực hiện tốt quyết tâm chính trị
Để giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong thời gian tới, toàn Đảng phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng đi vào chiều sâu, kiên quyết đưa những đảng viên thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật kém nhưng không tự giác tự phê bình và phê bình ra khỏi Đảng bằng nhiều hình thức, chủ yếu là xóa tên trong danh sách đảng viên, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, nhằm lặp lại trật tự kỷ cương, xiết chặt đội ngũ, nâng cao chất lượng đảng viên của Đảng. Xây dựng và thực hiện có nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng.
Mở rộng dân chủ nhằm phát huy trí tuệ tập thể, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình trong xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện. Trong các nhóm giải pháp được đề cập trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, thì giải pháp đầu tiên là thực hiện tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên, nhất là người đứng đầu cấp ủy: “Các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế”. Người đứng đầu nêu gương tự phê bình và phê bình là yêu cầu đầu tiên.
Trong điều kiện hiện nay, phải có sự kết hợp cả tự giác và kiên trì giáo dục trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Ủy ban kiểm tra chủ động nắm chắc tình hình chấp hành kỷ luật của đảng viên và tổ chức đảng thuộc diện cấp ủy quản lý để giúp cấp ủy gợi ý kiểm điểm; tập trung vào những vấn đề bức xúc ở địa phương, đơn vị; những vấn đề có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo (quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, điều tra, truy tố, xét xử). Khi phát hiện vi phạm đến mức phải xử lý thì kiên quyết xử lý, không được bỏ qua.
Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng thì cấp ủy và UBKT các cấp phải làm tốt công tác thẩm tra, xác minh, làm rõ đúng, sai, kết luận rõ bản chất của các sai phạm, xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm. Thời gian qua, không ít cấp ủy và UBKT các cấp chưa coi trọng và làm tốt công tác thẩm tra, xác minh, chưa kết hợp các tài liệu của các cơ quan chức năng, kết quả tự phê bình và phê bình với việc xem xét tình hình thực tế để có kết luận khách quan, chính xác. Một số cán bộ kiểm tra do năng lực trình độ còn bất cập, thiếu bản lĩnh, ngại va chạm, nể nang, né tránh, hoặc bị vật chất chi phối nên không dám đấu tranh phê bình, làm rõ vi phạm của cán bộ, đảng viên; nhất là những đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý.
Đổi mới việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng. Hiện nay, việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng chủ yếu vẫn theo một quy trình từ dưới lên: tổ chức đảng bên dưới đề nghị, tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định. Trong điều kiện đấu tranh tự phê bình và phê bình giảm sút như hiện nay thì hình thức kỷ luật do cấp dưới đề nghị bao giờ cũng thấp, thậm chí không đề nghị, do vậy tổ chức đảng cấp trên lấy đó làm căn cứ để quyết định hình thức kỷ luật là không phù hợp với thực tế và yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và chỉnh
đốn Đảng.
Bên cạnh việc coi trọng ý thức tự giác tự phê bình của đảng viên, cần tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và đấu tranh để đảng viên vi phạm nhận thức thấy sai phạm, tự giác chấp hành kết luận, quyết định của tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”(3). Ủy ban kiểm tra cần chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện vi phạm, làm căn cứ để xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; nếu đảng viên đó từ chối kiểm điểm và không nhận sai phạm thì vẫn xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền được quy định tại điểm 2, Điều 38, Điều lệ Đảng: “Trường hợp tổ chức đảng cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên quyết định các hình thức kỷ luật theo thẩm quyền, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng đó”.
Bên cạnh việc tổ chức tiến hành tự phê bình và phê bình, phải coi trọng giáo dục về lý luận chính trị, về phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên từ Trung ương tới cơ sở. Tăng cường việc giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với Đảng, có cơ chế phù hợp để lấy ý kiến quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên định kỳ hằng năm, phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên, bảo vệ người dám nói thực về khuyết điểm, sai phạm của đảng viên; đồng thời xử lý người lợi dụng phê bình để vu cáo hãm hại đồng chí. Có chế độ để đảng viên được kiểm điểm trước quần chúng, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Tất cả các cấp ủy và tổ chức đảng đều phải tăng cường thực hiện chức năng kiểm tra, trước hết về ý thức và năng lực chấp hành nghị quyết của Đảng, về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống. Công tác kiểm tra cần được tiến hành ngay từ khâu chuẩn bị nghị quyết đến các khâu cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết, tăng cường vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và cán bộ có chất lượng cho các cơ quan kiểm tra của Đảng và thanh tra nhà nước.
Tăng cường công tác tư tưởng cho đối tượng được kiểm tra, khắc phục các biểu hiện lệch lạc và chấp hành nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Khi đối tượng kiểm tra tự phê bình và phê bình yếu, chủ thể kiểm tra phải chủ động làm tốt công tác tư tưởng, vừa động viên, thuyết phục, vừa kiên quyết đấu tranh bằng nhiều phương pháp để đối tượng kiểm tra thay đổi thái độ tự phê bình.
Theo HÀ QUỐC TRỊ /Tạp chí Cộng sản
----------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr. 521
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 233
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr. 283