Sáng 23/11/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
|
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu tại hội trường (Ảnh quochoi.vn) |
Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đánh giá, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, dự án luật trình Quốc hội lần này tiếp tục có những quy định về để mở rộng đối tượng tham gia theo tinh thần của Nghị quyết số 28 và phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
“Tuy nhiên quá trình triển khai trên thực tế cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để bảo đảm tính tương thích, khả thi khi quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là đối với nhiều dự án, công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi có ít nhà máy, công ty…, ít có điều kiện để người lao động có thể làm việc dài hạn, khi triển khai, người sử dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ”, đại biểu Trần Thị Hiền cho biết.
Theo đại biểu, việc tham gia cũng trên cơ sở ở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc đơn giản, hoạt động chân tay từ 3 đến 6 tháng. Khi dự án, công trình kết thúc, người lao động lại quay trở về với công việc đồng áng thường ngày và gần như rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng bảo hiểm xã hội, kể cả là tham gia bảo hiểm tự nguyện. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để có thể phân loại và quy định thêm một số điều kiện để cho phép một số trường hợp cụ thể nên trao quyền cho người lao động được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm cả phần bảo hiểm xã hội để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
|
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) phát biểu tại hội trường (Ảnh quochoi.vn) |
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cũng bày tỏ quan tâm đến nội dung về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện… Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên thống nhất cao với Ban soạn thảo về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 3.
“Bởi quy định này rất khó triển khai thực hiện và không thể áp dụng một cách triệt để, hiệu quả. Vì thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp lao động đặc thù mà không có giao kết hợp đồng lao động, không xác định được tiền lương, tiền công ổn định hàng tháng để làm cơ sở cho việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn về nhóm đối tượng này khi đưa vào đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để có thể bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.”, đại biểu Uyên nêu ý kiến.
Chung quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là điều cần thiết. So với luật hiện hành, dự thảo luật đã mở rộng thêm nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như: chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cổ phần vốn nhà nước…
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại hội trường (Ảnh quochoi.vn) |
Theo đại biểu, quy định này phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri thường kiến nghị nội dung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ở tổ dân phố.
Tán thành với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) khẳng định, Luật BHXH lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước./.
PV