Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn về dân tộc

(Mặt trận) - Trong 6 nhiệm kỳ qua (từ khóa IV đến khóa IX), các vị thành viên trong Hội đồng tư vấn về dân tộc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm tốt công tác nghiên cứu, đề xuất ý kiến về những nội dung có liên đến những dự thảo văn bản ban hành, bổ sung, sửa đổi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn về dân tộc.
Ảnh minh họa

Thực trạng hoạt động của Hội đồng tư vấn Dân tộc trong các nhiệm kỳ Đại hội

Ngay sau khi có Quyết định ban hành quy chế hoạt động và Quyết định thành phần các thành viên của Hội đồng, Hội đồng tư vấn về Dân tộc của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chính thức ra mắt và họp Hội đồng lần thứ nhất nhằm xây dựng chương trình hành động của cả nhiệm kỳ trên cơ sở dân chủ, tập trung thảo luận, đóng góp các ý kiến vào chương trình hoạt động toàn khoá cũng như kế hoạch hoạt động từng năm.

Các Hội đồng tư vấn về dân tộc trong các nhiệm kỳ đã triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn cụ thể nhằm giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các hoạt động.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV (nhiệm kỳ 1994 - 1999), Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định thành lập Hội đồng tư vấn về Dân tộc theo Nghị quyết số 72 NQ/MTTW, ngày 20/3/1995 của Đoàn Chủ tịch.

Chủ trương của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức thành lập các Hội đồng tư vấn trong các lĩnh vực nói chung, lĩnh vực dân tộc nói riêng là hoàn toàn sáng suốt, đúng đắn và cần thiết nhằm thể hiện rõ vai trò, vị trí, tính chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tập hợp, quy tụ, phát huy được một lực lượng hùng hậu đội ngũ các cán bộ có kinh nghiệm đã nghỉ hưu nhưng đã kinh qua các chức vụ trong hệ thống chính trị, có đầy đủ uy tín, năng lực, trí tuệ, tâm huyết, nhiệt tình để tiếp tục cống hiến cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giải quyết một khối lượng công việc trong lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực nhằm tư vấn có hiệu quả cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong khi biên chế của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không nhiều.

Trong các nhiệm kỳ Đại hội, Hội đồng tư vấn về Dân tộc dưới sự dẫn dắt của Ban Chủ nhiệm và các nhiệm vụ do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị tư vấn đã phát huy được vai trò của các thành viên theo quy chế, quy định và hoạt động thực sự có hiệu quả các nhiệm vụ được tư vấn. Ban Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc các nhiệm kỳ đã xây dựng được kế hoạch hoạt động phù hợp nhằm tư vấn có hiệu quả cho Ban Thường trực về lĩnh vực công tác dân tộc. Các thành viên của Hội đồng có tâm huyết, uy tín, năng lực trình độ và nhiệt tình làm việc trong các lĩnh vực được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời tư vấn.

Mối quan hệ giữa Ban Chủ nhiệm Hội đồng và Ban Dân tộc, cơ quan giúp việc của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là mối quan hệ chủ động phối hợp, tham mưu giúp cho Hội đồng tư vấn thực hiện được hoạt động cụ thể trong nhiệm kỳ, nhằm thống nhất trong công tác xây dựng chương trình toàn khóa, chương trình từng năm, kế hoạch hoạt động cụ thể và các báo cáo công tác của Hội đồng trong từng năm và cả nhiệm kỳ.

Thực tế cho thấy trong 6 nhiệm kỳ qua (từ nhiệm kỳ khóa IV đến nhiệm kỳ khóa IX), nhiệm vụ của Hội đồng là nghiên cứu, đề xuất ý kiến về những nội dung có liên đến những dự thảo văn bản ban hành, bổ sung, sửa đổi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất ý kiến về các nội dung có liên quan đến lĩnh vực tư vấn của Hội đồng.

Tham gia góp ý kiến hoặc phản biện xã hội trong các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến các dân tộc thiểu số do các cơ quan soạn thảo gửi đến Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một trong các hình thức hoạt động chủ yếu của các Hội đồng tư vấn nói chung, Hội đồng tư vấn về Dân tộc nói riêng.

Sau khi tiếp nhận văn bản, Ban Dân tộc, Ban tham mưu giúp việc Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện “cầu nối” giúp Ban Chủ nhiệm Hội đồng tổ chức các hội nghị góp ý, phản biện và tổng hợp các ý kiến thành văn bản để Ban Thường trực gửi tới cơ quan trưng cầu ý kiến, phản biện. Kết quả hoạt động này tuỳ thuộc vào số lượng văn bản gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để trưng cầu ý kiến, phản biện xã hội.

Số lượng văn bản này lại tuỳ thuộc vào nhận thức của các cơ quan soạn thảo đối với việc trưng cầu ý kiến, phản biện đối với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ thể như: Hội đồng tư vấn Dân tộc khóa VII, VIII, IX đã tham gia tư vấn giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các vấn đề về công tác dân tộc có ý nghĩa chiến lược của Đảng, Nhà nước và đã được Đảng và Chính phủ tiếp thu như: Góp ý vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phần nói về dân tộc; tham gia góp ý kiến Sửa đổi bổ sung Cương lĩnh của Đảng năm 1991, tham gia góp ý vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Ban Chủ nhiệm Hội đồng đã lấy ý kiến đóng góp của các thành viên và Ban Chủ nhiệm đã có bản kiến nghị với Ban soạn thảo và đã được Ban soạn thảo tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội đồng.Ban Chủ nhiệm Hội đồng đã tham gia góp ý một số dự án luật có liên quan đến chính sách dân tộc như: sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự; Luật Khám chữa bệnh, Luật Đất đai…

Đặc biệt, Hội đồng tư vấn về Dân tộc đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong quá trình thực hiện Quyết định số 18/2011/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và được Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bổ sung, sửa đổi những bất cập trong việc thực hiện Quyết định số 18/2011/TTg bằng Quyết định số 56/2013/TTg về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và Quyết định số 12 về Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hội đồng tư vấn đã tư vấn giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản biện các dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: “Đề án hỗ trợ các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long”, “Đề án xác định các thành phần dân tộc và danh mục thành phần dân tộc” do Ủy ban Dân tộc dự thảo; “Đề án xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020” do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch dự thảo…

Các ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng đã được tổng hợp và Ban Dân tộc đã tham mưu Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản góp ý gửi các cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc khóa VIII đã tổ chức Hội nghị tọa đàm “Thực trạng và giải pháp về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số” với sự tham gia của một số cơ quan có liên quan gồm: Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Ngôn Ngữ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và một số thành viên của Hội đồng tư vấn về Dân tộc.

Ban Chủ nhiệm Hội đồng đã tiến hành một số chuyến khảo sát thực tế các địa phương để phục vụ cho hoạt động tư vấn của Hội đồng theo các lĩnh vực tư vấn. Đây là một hoạt động bổ ích và rất cần thiết cho các thành viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc để có những đánh giá sát hợp với thực tế nhằm tư vấn hiệu quả cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ thể như: Hội đồng tư vấn Dân tộc khóa VI, VII, đã tổ chức được 8 đợt đi nghiên cứu, khảo sát ở các địa phương khó khăn nhất của cả nước như: Mường Nhé, Mường Tè, Sìn Hồ thuộc vùng Tây Bắc; Mường Lát, Kỳ Sơn thuộc miền Trung và nhiều huyện, xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên.

Các chuyến khảo sát của Hội đồng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phê duyệt và có phương pháp làm việc khoa học, quan tâm chú trọng đến cả thực tiễn và lý luận, chú trọng phương pháp khảo sát thực tế, nhất là các địa bàn tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Các thành viên trong Đoàn công tác phần lớn đã cao tuổi nhưng để tư vấn có cơ sở lý luận khoa học và ý nghĩa thực tiễn nhằm tư vấn hiệu quả giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên các thành viên tham gia đều cố gắng đi khảo sát thực tế nhằm đánh giá thực trạng triển khai chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước để kiến nghị với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

Hội đồng tư vấn Dân tộc khóa VIII đã tổ chức khảo sát việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; khảo sát về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tại 4 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Lâm Đồng, Đắk Lắk nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, ngày 15/7/2010 của Chính phủ về “Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên” và đánh giá thực trạng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức khảo sát, đánh giá công tác triển khai thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015”, Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn” và “Công tác đánh giá việc bố trí, sử dụng, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên người dân tộc đã tốt nghiệp” tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Sóc Trăng, An Giang và Bình Phước.

Sau khảo sát, Ban Chủ nhiệm Hội đồng đã xây dựng Báo cáo gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đã tư vấn giúp Ban Thường trực đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ về 5 nội dung còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ và những tồn tại hạn chế trong công tác xây dựng và thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn”. Tổ chức khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng miền núi, trung du Bắc Bộ tại 4 tỉnh: Cao Bằng và Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang…

Ban Chủ nhiệm và các thành viên Hội đồng tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được mời tham gia các cuộc họp tổng kết Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội nghị, hội thảo do các cơ quan ở Trung ương, địa phương tổ chức đã phát huy được vai trò của mình và của Hội đồng tư vấn; đã có những ý kiến, kiến nghị về việc thực hiện chính sách dân tộc với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ và một số kiến nghị đã được tiếp thu chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện như thông qua kiến nghị của Hội đồng về tình trạng di canh, di cư của đồng bào Mông ở các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An di cư vào các địa bàn trên các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giải quyết tình trạng người Mông di cư giữa các tỉnh có người đi và các tỉnh có người đến, nhằm giải quyết cơ bản tình trạng trên theo kiến nghị của Hội đồng.

Các thành viên Hội đồng đã tham gia góp ý kiến với Uỷ ban Dân tộc trên nhiều lĩnh vực về việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc; nhiều hội nghị của Ban Thường trực, hội nghị Đoàn Chủ tịch, hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cuộc họp lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành mời tham gia…

Một số giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng tư vấn Dân tộc

Một là, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Quy chế hoạt động của các Hội đồng tư vấn, trong đó chú ý trong công việc phát huy được hết khả năng của các Hội đồng tư vấn cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trực tiếp là Ban Thường trực) có hiệu quả nhất, tránh hình thức.

Hai là, theo chức năng và nhiệm vụ của Hội đồng là tư vấn, cơ cấu của Hội đồng nên lựa chọn một số các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2024-2029) có sức khỏe, kiến thức, tâm huyết với công tác dân tộc và công tác của Mặt trận, có kinh nghiệm về công tác dân tộc và có điều kiện hoạt động cho Hội đồng tư vấn. Số lượng vừa phải nhằm phát huy hết khả năng của các thành viên, khi Hội đồng hoạt động có quan hệ đến lĩnh vực nào thì có thể mời chuyên gia ở lĩnh vực đó tham gia không nhất thiết phải là thành viên Hội đồng.

Ba là, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần mạnh dạn phát huy tối đa khả năng của Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm trong việc tham dự các hội nghị, hội thảo của các cơ quan khác và các địa phương về những vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực của công tác dân tộc, từ đó phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đáng chú ý là quan hệ với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng luật, nghị định, quyết định và phối hợp thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội­ nhằm góp phần nêu cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước góp phần tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bốn là, cần phân bổ kinh phí hoạt động cho Hội đồng theo chương trình, kế hoạch của của Hội đồng đã được Ban Thường trực duyệt ngay từ đầu năm, để Ban Chủ nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch nhằm tư vấn hiệu quả, tránh hình thức trong công tác tư vấn trong lĩnh vực công tác dân tộc.

NGUYỄN MẠNH QUANG - Phó Trưởng Ban Dân tộc, 

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều