|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 23 tại bản Rào Tre, xã Hương Liên tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh minh họa) |
Quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ở nước ta, giám sát là một trong những phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước quan trọng để bảo đảm cho các chủ thể được trao quyền thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, góp phần ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ, những hành vi lạm quyền, những việc làm trái quy định của các tổ chức, cá nhân trong cơ quan Nhà nước các cấp trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, bảo đảm sự tuân thủ đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Hoạt động giám sát hiện nay được thực hiện bởi nhiều chủ thể với quy mô, tính chất của hoạt động giám sát là khác nhau. Về chủ thể, giám sát được thực hiện bởi Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Nhân dân… Về tính chất của hoạt động giám sát có giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp; giám sát chuyên đề của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; giám sát thường xuyên của các cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước; giám sát của các thiết chế dân chủ ở cơ sở, giám sát trực tiếp của Nhân dân… trong đó, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
Với vị trí là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng qua các kỳ Đại hội, được Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X lần đầu tiên nhấn mạnh quan điểm cần có cơ chế cụ thể cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”1. Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”2. Để xác lập cơ sở chính trị và cơ chế cụ thể cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 218/QĐ-TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó chỉ rõ: “giám sát” là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; “giám sát và phản biện xã hội” là giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng với quan điểm tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã nhấn mạnh trách nhiệm của Mặt trận “Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước…”3. Đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đề ra nhiệm vụ “phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội”.
Cụ thể hóa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các chủ trương của Đảng, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 dành 1 chương (Chương V) gồm 7 điều quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận. Theo đó, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của Nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Về hình thức giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát thông qua các hình thức: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; Tổ chức đoàn giám sát; Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Quá trình tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tuân thủ các quyền và trách nhiệm cụ thể được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 (Điều 28), đồng thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát cũng cần nắm vững và thực hiện các quyền, trách nhiệm của mình được quy định tại Điều 29 của Luật.
Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thực hiện vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, nhiều năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã nỗ lực xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch giám sát, tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và những vấn đề bức xúc của Nhân dân ở địa phương, trong đó hoạt động giám sát các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua là một trong những nội dung được Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm triển khai và đã thu được một số kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, các chương trình, dự án đầu tư đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh vùng đồng bào dân tộc sinh sống duy trì ở mức cao và tương đối ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ sở hạ tầng từng bước được kiện toàn, đồng bộ hóa… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được từ các chương trình, dự án đầu tư, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, một số chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thất thoát, lãng phí nên hiệu quả chưa cao, sự thụ hưởng chính sách của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được như mong muốn… Vì vậy, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân cần được xem là một trong những giải pháp cơ bản góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần phát huy hiệu quả, sử dụng đúng mục đích các nguồn lực của Nhà nước, xã hội để đạt được mục tiêu mà Chương trình đã đề ra. Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 xác định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Chương trình”. Trên cơ sở Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp thực hiện thành công mục tiêu tổng quát4 và mục tiêu cụ thể của Chương trình, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 537/KH-MTTW-BTT ngày 22/4/2022 và Kế hoạch số 595/KH-MTTW-BTT ngày 6/9/2022 về triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình năm 2022 với các yêu cầu cụ thể để thực hiện từ cấp Trung ương đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tất cả các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi5.
Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với Chương trình gồm: (1) Giám sát việc phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; (2) Giám sát việc xác định đối tượng thụ hưởng các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; (3) Giám sát đầu tư ban đầu của cộng đồng đối với các công trình, dự án tại cơ sở (nếu có). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có thể thực hiện giám sát Chương trình thông qua các hình thức sau: Tổ chức đoàn giám sát; nghiên cứu, xem xét báo cáo của đối tượng giám sát; Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án tại cơ sở; Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (ở cấp xã), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát thực hiện Chương trình còn thông qua việc tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đồng thời Mặt trận cũng có thể tiến hành giám sát căn cứ vào đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân gửi Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về các vấn đề có liên quan đến việc triển khai và thực hiện Chương trình. Qua giám sát, Mặt trận cần kịp thời phát hiện những sai sót, yếu kém và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tốt, cách làm hay và những mặt tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình.
Một số giải pháp phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Một là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng Chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể hàng năm có nội dung giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kế hoạch giám sát cần được thực hiện theo hướng: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì, hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với các tổ chức thành viên có liên quan để dự thảo kế hoạch giám sát, sau đó trao đổi, thống nhất với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện giám sát trước khi ban hành kế hoạch giám sát. Bảo đảm quy mô, nội dung giám sát, thành phần tham gia giám sát, thời gian giám sát phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, tránh ôm đồm nhiều nội dung nhưng không bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện giám sát.
Hai là, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác phối hợp, tham gia giám sát giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cấp ủy các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, tích cực thực hiện quy chế phối hợp thống nhất hành động, quan tâm lãnh đạo thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận với chính quyền, tạo nên sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ giám sát nói chung, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ giám sát. Định kỳ nghe và góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát; có quy chế tiếp thu ý kiến giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Bốn là, đối với chính quyền các cấp Mặt trận Tổ quốc cần có chương trình phối hợp cụ thể, trong đó có hoạt động giám sát. Chính quyền cần tạo các điều kiện để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện tốt chức năng giám sát. Hướng dẫn sử dụng kinh phí, bảo đảm các điều kiện vật chất cho hoạt động giám sát. Thường xuyên trao đổi, phối hợp phản ánh thông tin với Mặt trận và đoàn thể để Mặt trận thực hiện tốt công tác nắm tình hình Nhân dân, tập hợp, phản ánh và giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri và Nhân dân. Tiếp thu, trả lời kịp thời những kiến nghị của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát một cách đầy đủ, nghiêm túc.
Năm là, Mặt trận chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt quy định về việc định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để cấp ủy, chính quyền kịp thời trả lời, giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân tại cộng đồng. Đây cũng chính là việc thực hiện phương thức góp ý định kỳ được Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Sáu là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh cần quan tâm tiếp tục tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ giám sát cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể các cấp. Biên soạn và cung cấp các tài liệu hướng dẫn liên quan đến nghiệp vụ giám sát Chương trình cho cán bộ Mặt trận, nhất là ở cơ sở. Tổ chức định kỳ các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cập nhật kiến thức hàng năm trong đó có kiến thức, kỹ năng giám sát, tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học để trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ Mặt trận làm công tác giám sát.
Bảy là, phát huy hơn nữa vai trò của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong giám sát các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước và đối với các công trình mà người dân trực tiếp hưởng lợi. Thành phần Ban giám sát cộng đồng ngoài đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phải gồm cả đại diện của Hội đồng nhân dân xã, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện của cộng đồng dân cư hưởng lợi công trình do dân bầu ra. Đối với các nội dung giám sát khác trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng cần nâng cao tính chủ động để đề nghị chính quyền phối hợp trong việc cử thành viên tham gia giám sát và tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế, kinh phí cho Mặt trận trong quá trình tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả giám sát.
Chú thích:
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2006, tr. 135.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr. 87.
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tập I, tr. 172.
4. Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
5. 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II, 1.551 xã khu vực III.
Phạm Thị Kim Cúc - Thạc sĩ, Phó Giám đốc
Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam