|
Quang cảnh Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam |
Tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhà nước
Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị của nước ta. Dưới ngọn cờ tập hợp, đoàn kết toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc của Mặt trận Việt Minh, ngày 18/9/1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhân dân ta giành lấy chính quyền từ chế độ thực dân, phong kiến, bù nhìn tay sai. Ngày 2/9/1945, tại Vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Một năm sau - năm 1946, nước ta tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khoá I. Quốc hội khoá I chính thức lập nên Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là mốc son lịch sử của quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta từ khi Nhân dân ta giành được chính quyền năm 1945 cho đến nay.
Hệ thống chính trị đó bao gồm 3 thành tố - tổ chức cơ bản: Đảng Cộng sản Việt Nam; Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mỗi thành tố - tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng mục đích chung là phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Đặc biệt, trong quá trình hoàn thiện đường lối của cách mạng Việt Nam, hệ thống chính trị nước ta ngày càng khẳng định việc đạt được mục tiêu bảo đảm “dân chủ, dân quyền và dân sinh” là nhiệm vụ đồng thời. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) khẳng định: “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân”1.
Về cơ chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”2.
Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước là tiến hành giải phóng giai cấp gắn liền với giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân. Trên cơ sở đó, sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng quan điểm về xây dựng nhà nước kiểu Xô viết, một kiểu nhà nước phục vụ quần chúng công - nông - binh vào nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam để xây dựng nhà nước dân chủ của dân, do dân và vì dân. Người nói: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”3.
Tư tưởng xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình Đảng và Nhà nước ta xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ngay từ khi giành được chính quyền về tay Nhân dân năm 1945 đến nay, được thực hiện, bổ sung và hoàn thiện dần trong các kỳ Đại hội của Đảng, đặc biệt là trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), được hiến định tại Hiến pháp các năm: 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, rộng rãi của các giai cấp, tầng lớp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục tiêu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân là giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định, phát triển của xã hội và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của toàn dân trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở mọi giai đoạn, thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Trong cơ cấu, thành phần của hệ thống chính trị nước ta, “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân”5.
Quan điểm, chủ trương của Đảng về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và quy định cụ thể tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”6.
Về trách nhiệm của Nhà nước đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với tư cách là chủ thể được Nhân dân uỷ quyền quản lý, điều hành xã hội, Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động có hiệu quả7. Nhà nước chịu sự giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật8.
Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với Nhà nước. Với tư cách là một bộ phận của hệ thống chính trị, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật do Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện.
Là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân với Nhà nước và kiến nghị, theo dõi việc xử lý.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát động và vận động Nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
|
Hội nghị về kết quả công tác phối hợp giai đoạn 2016-2020, 8 tháng đầu năm 2021 và trọng tâm phối hợp công tác trong thời gian tới. |
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội về tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Trong tình hình, điều kiện mới, để nâng cao hiệu quả của công tác giám sát và phản biện xã hội, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân”9.
Quan hệ phối hợp giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là quan hệ phối hợp. Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định: “Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp” trên cơ sở sự bình đẳng về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của mỗi bên trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đổi mới nội dung và phương thức phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước nói chung, giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan của Nhà nước ở Trung ương nói riêng là nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa mang tính chiến lược
Mục đích của việc đổi mới sự phối hợp là “để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy chế phối hợp công tác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước có liên quan ở từng cấp ban hành”10.
Để xây dựng và phát huy tốt hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội; chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng tốt hơn. Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước.
Mục đích căn bản, cốt lõi nhất của việc đổi mới sự phối hợp giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phục vụ lợi ích của Nhân dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của Nhân dân”11.
Nguyên tắc của đổi mới sự phối hợp là tiếp tục bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau theo quy định của pháp luật; Bảo đảm sự kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình phối hợp; Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên trong quá trình phối hợp.
Đổi mới về nội dung phối hợp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhà nước lựa chọn các nội dung, vấn đề sát với yêu cầu mới của nhiệm vụ tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cụ thể: Tăng cường vận động, đoàn kết đồng bào các dân tộc.
Đổi mới về phương thức, hình thức, phạm vi phối hợp. Xác định việc phân cấp, phân quyền phối hợp giữa các cơ quan của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan của Nhà nước ở Trung ương một cách rõ ràng, hợp lý.
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhà nước (Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ) thực hiện sự phối hợp bằng Quy chế phối hợp.
Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện sự phối hợp bằng Nghị quyết liên tịch theo quy định của pháp luật12.
Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan của Nhà nước ở Trung ương (các cơ quan của Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tư pháp) thực hiện sự phối hợp bằng Chương trình, Kế hoạch phối hợp công tác hằng năm hoặc từng giai đoạn cụ thể.
Giải quyết những vấn đề đặt ra hiện nay để đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức phối hợp giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan nhà nước
Một là, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, theo hướng: Bảo đảm đầy đủ các điều kiện để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt như quan điểm, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hai là, hoàn thiện hơn nữa về mặt chính sách, pháp luật để bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức và hoạt động có hiệu quả.
Ba là, pháp luật cần quy định cụ thể chủ thể chủ trì phối hợp, phân vai rõ trong thực hiện sự phối hợp giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương. Hiện nay, quy định việc phối hợp trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật khác còn chung chung, chưa chỉ rõ Nhà nước hay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bên nào chủ trì việc phối hợp. Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 chỉ nêu 2 vấn đề phối hợp cụ thể: “2. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thông tin kịp thời cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam việc thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. 3. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật”13. Quy định như vậy là chưa đủ và chưa rõ về tính chủ trì trong phối hợp, nên khi thực hiện còn không rõ trách nhiệm thực hiện của mỗi bên.
Bốn là, giải quyết việc pháp luật chưa có quy định cụ thể về phân cấp trong cơ chế phối hợp giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan của Nhà nước ở Trung ương. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới quy định việc Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết liên tịch là chưa đủ. Cần bổ sung vào Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp độ phối hợp giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ; giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan của Nhà nước ở Trung ương (Các cơ quan của Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tư pháp).
Năm là, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về pháp luật để tránh sự chồng chéo giữa việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giám sát của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đổi mới nội dung và phương thức phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước nói chung, giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương nói riêng là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nước ta, phục vụ Nhân dân và hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình, nhiệm vụ mới.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.5, tr.698 .
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập , Sđd, t.4, tr.133.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi
6. Quốc hội. Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
7. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triiẻn năm 2011), Điều 9 Hiến pháp năm 2013, Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
8,13. Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
9. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hệ thống tư liệu – Văn kiện Đảng. Tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang.
10. Quốc hội. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015). Điều 7.
11. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hệ thống tư liệu – Văn kiện Đảng. Tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang.
12. Quốc hội. Luật số: 80/2015/QH13. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hà Nội, ngày 22/6/2015.
Lê Bá Trình
Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam