|
Công tác giám sát, phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc thành phố triển khai có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo động lực tích cực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.. Ảnh: Viết Thành - Báo Hà Nội Mới
|
Năm 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã ban hành 19 kế hoạch và 6 hướng dẫn nhằm thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian giám sát; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tạo cơ sở thuận lợi cho các đơn vị triển khai giám sát một cách thống nhất, đồng bộ, đúng yêu cầu đề ra. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham mưu cho cấp ủy phối hợp với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai các văn bản thực hiện giám sát, phản biện xã hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố và những vấn đề mà đông đảo Nhân dân quan tâm.
Để việc giám sát, phản biện xã hội đạt hiệu quả cao, công tác tập huấn nghiệp vụ cho Ban Thường trực, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp, thành viên Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được quan tâm. 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác này, đồng thời, tạo cơ hội để cán bộ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hay trong triển khai công việc; phản ánh những vấn đề phát sinh tại cơ sở để cùng tìm biện pháp giải quyết, giúp nâng cao hiệu quả triển khai tại cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và cấp xã. Nhờ vậy, việc triển khai thực hiện ở cấp huyện, xã ngày càng được nâng cao chất lượng, đi vào thực chất, đúng tiến độ đề ra.
Việc ban hành các kế hoạch, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời, rõ nội dung công việc đã tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội đồng bộ, từ Thành phố đến cơ sở. Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc kiểm tra, giám sát cũng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố linh hoạt về hình thức: Kiểm tra, giám sát trực tiếp và kiểm tra, giám sát thông qua nghiên cứu báo cáo của đơn vị. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã chủ trì 10 đoàn kiểm tra, giám sát; phối hợp tham gia 40 đoàn kiểm tra, giám sát của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, các sở, ban, ngành của Thành phố. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, xã đã chủ trì và tổ chức 1.680 đoàn giám sát. Giám sát qua nghiên cứu, xem xét văn bản 2.082 văn bản. Các Ban Thanh tra nhân dân đã thực hiện giám sát 4.956 vụ việc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia giám sát 2.594 công trình, dự án. Ngoài ra, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực: Quản lý trật tự xây dựng (3.172 vụ), quản lý đất đai (858 vụ), thực hiện dân chủ ở cơ sở (1.519 vụ) và 494 vụ việc ở các lĩnh vực khác.
Hai trong số những nội dung giám sát được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đặc biệt chú trọng, đó là giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Thực hiện công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát về Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tổ chức đoàn về giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trực tiếp tại Ủy ban nhân dân 5 quận, huyện: Ba Đình, Hoàng Mai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Phúc Thọ và giám sát qua nghiên cứu, xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân. Kiểm tra, nắm tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố và hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đối với trường hợp người lao động gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không đủ điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố, người nước ngoài, sinh viên trọ tại Hà Nội bị mắc kẹt trong thời gian giãn cách xã hội tại huyện Thanh Trì và quận Đống Đa. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các đơn vị đều nắm được chính sách; việc rà soát, thẩm định hồ sơ hỗ trợ đảm bảo đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật; công tác chi trả được thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách, đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Mặt trận thành phố cũng chủ động lựa chọn giám sát những vấn đề khó, được Nhân dân quan tâm, như giám sát về quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội tại Sở Tài nguyên & Môi trường và 3 quận, huyện: Ba Đình, Gia Lâm, Đan Phượng; giám sát, kiểm tra công tác triển khai lấy phiếu đánh giá sự hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện: Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2021 tại Viện nghiên cứu rau quả và Công ty cổ phần giống, gia súc Hà Nội; giám sát qua nghiên cứu, xem xét báo cáo: giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện từ 1/1/2020 đến 30/6/2020 và giám sát cán bộ, đảng viên, công tác cán bộ đối với Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy từ 1/1/2020 đến 31/12/2020... Qua giám sát, đã kịp thời kiến nghị những khó khăn, tồn tại tới các cấp có thẩm quyền để phối hợp giải quyết.
Song song với hoạt động kiểm tra, giám sát, hoạt động phản biện xã hội cũng được tích cực triển khai đạt kết quả tích cực. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức phản biện xã hội vào dự thảo Đề án “Xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội” và dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội và các dự thảo Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường thị trấn, mức hỗ trợ thường xuyên đối với đội trưởng, đội phó đội dân phòng thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội và mức chi thực hiện chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2030. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện, thị xã, tổ chức 593 hội nghị phản biện xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các phường, xã, thị trấn tổ chức 524 hội nghị phản biện xã hội, góp ý 3.812 văn bản của các cấp chính quyền, nội dung tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các hội nghị phản biện xã hội ở các cấp ngày càng được nâng cao về chất lượng, các ý kiến tham gia phản biện được Chính quyền các cấp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để các chủ trương, chính sách được thực hiện khả thi.
Tiếp tục thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2021 của Ban Bí thư và hoàn thiện quy trình giám sát và nhận xét đối với đảng viên tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang thường xuyên ở nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã ban hành Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT ngày 28/10/2021 về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với Nhân dân ở nơi cư trú. Ban Công tác Mặt trận tại các khu dân cư đã giám sát và nhận xét đối với 264.432 đảng viên, là căn cứ giúp cấp ủy các cấp đánh giá, xếp loại đảng viên và tạo cơ sở trong việc bổ nhiệm, đề bạt, điều động, luân chuyển cán bộ. Đồng thời, tạo điều kiện cho cấp ủy địa phương và Nhân dân nơi cư trú tăng cường việc giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, phòng chống tham nhũng.
Có thể khẳng định, thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, đó là:
Thứ nhất, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, chuyên gia trên các lĩnh vực.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phát huy tính chủ động, chủ trì của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc tổng hợp, xác định, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện, đặc biệt những vấn đề “nóng”, được xã hội và Nhân dân quan tâm để kịp thời báo cáo với cấp ủy, thống nhất với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện.
Thứ ba, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quyết định 217, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kết hợp nhuần nhuyễn tính pháp lý với sự thuyết phục, động viên, biểu dương việc tốt, đồng thời, chỉ ra những thiếu sót, sai sót, khuyết điểm, những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, phản biện. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải khách quan, trung thực, đầy đủ nhưng có sự chắt lọc kỹ càng, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi. Đồng thời, phải theo dõi đến cùng việc giải quyết, trả lời kiến nghị của Nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, tồn tại, trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị Thủ đô. Mặt trận thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của Thủ đô.
Nguyễn Lan Hương
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội