Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài khảo sát mô hình tự quản về phân loại và xử lý rác thải tại nguồn tại các khu dân cư phường An Tường, thành phố Tuyên Quang
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Ngày 6/3/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 375-KH/TU, phát động phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" là 1 trong 2 nhiệm vụ đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Cụ thể hóa nội dung đột phá của Tỉnh ủy, ngày 18/3/2020 Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-MTTQ-BTT xác định việc trọng tâm đột phá giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo là “Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Để triển khai phong trào, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lựa chọn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Tuyên Quang tổ chức phát động phong trào, xây dựng điểm của tỉnh về mô hình tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa tại thành phố Tuyên Quang. Ngay sau đó, 7/7 huyện, thành phố, 100% xã, phường, thị trấn đều đã hưởng ứng tổ chức phát động phong trào; 100% thôn, tổ dân phố ký cam kết triển khai thực hiện phong trào đến hộ gia đình. Để thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các mô hình tự quản, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây dựng hướng dẫn mẫu Quy chế hoạt động. Các xã, phường, thị trấn hướng dẫn khu dân cư xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động của mô hình tự quản ở thôn, tổ dân phố phù hợp với thực tiễn ở từng khu dân cư, mỗi tổ tự quản đều có sự tham gia của các thành viên là các chi đoàn, chi hội ở khu dân cư, từ đó giúp cho mô hình tự quản hoạt động từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả. Từ 28 mô hình điểm cấp huyện về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa triển khai năm 2020 đến nay, sau 2 năm tổ chức triển khai thực hiện đã lan tỏa và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với 2.109 tổ, 2.468 nhóm tự quản về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa; lắp đặt 1.448 biển mô hình. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ, nhóm tự quản và Nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng trên 24.800 bể, hố xử lý rác thải ở khu dân cư và hộ gia đình. Tại các buổi phát động và các hội nghị của Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với chính quyền, ngành chức năng phát trên 600 nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, trên 30 nghìn túi thân thiện với môi trường, 900 mũ, 2.650 găng tay, tặng trên 9.000 xe, thùng rác; 920 chiếc làn, trên 300 nắp bể ủ rác hữu cơ; trên 300 gói men vi sinh… với tổng kinh phí trị giá trên 4 tỷ đồng; đồng thời Mặt trận Tổ quốc cấp xã tổ chức công bố thành lập các mô hình tự quản và ra mắt các thành viên của tổ tự quản, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư ký cam kết triển khai thực hiện.
Cùng với tổ chức phát động, tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện phong trào, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chủ trì tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025”; tổ chức Hội nghị biểu dương mô hình tiêu biểu thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, nhiều tập thể, cá nhân đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, thành phố khen thưởng, từ đó tiếp tục động viên, thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào ở cơ sở.
Đổi mới trong công tác phối hợp, Mặt trận Tổ quốc đã làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên, phân công rõ trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị phụ trách nội dung cụ thể, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân tham gia các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên nhà ở, nhà văn hóa và các khu công cộng; hướng dẫn cách phân loại rác, đào hố rác, xây bể ủ rác hữu cơ làm phân bón; tư vấn lắp đặt bể phốt công trình vệ sinh, làm chuồng chăn nuôi và cách xử lý phân gia súc, gia cầm. Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn xây dựng các mô hình “Thùng rác gia đình”; “Hãy thả rác vào thùng”, “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”; đặt thùng đựng rác “Nơi thu gom vỏ chai nhựa gây Quỹ ủng hộ Vì người nghèo”; từ công tác tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc, nhiều hộ dân ở các khu dân cư đã đồng tình tích cực hưởng ứng tình nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng các bể xử lý lý rác ở khu vực cộng cộng, bể ủ rác hữu cơ ở gia đình. Cùng với đó, mỗi tổ chức thành viên của Mặt trận đã có những mô hình tiêu biểu như: Hội Liên hiệp Phụ nữ với các mô hình: Gạch sinh thái từ rác thải nhựa; phân loại rác thải tại hộ gia đình; xây dựng các tuyến đường hoa; "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; tổ chức các cuộc thi với chủ đề môi trường; thu gom, phế liệu, rác thải nhựa gây quỹ hội; cắt tỉa, tái chế rác thải nhựa thành chậu trồng hoa, cây cảnh... Hội Nông dân với các mô hình: Thu gom bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở đồng ruộng; xử lý rác thải nông nghiệp rác thải sinh hoạt gia đình thành phân bón tại nguồn; xử lý nước thải, chất thải bằng biện pháp sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; “nói không với rác thải nhựa”... Đoàn Thanh niên là các mô hình: "Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập"; "Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh"; "Ngôi nhà xanh", "Ngôi nhà kế hoạch nhỏ", "Gạch sinh thái"; phong trào “Dọn rác check - in” trên Facebook được đoàn viên, thanh niên thực hiện ở nhiều địa điểm du lịch trong tỉnh; tổ chức cuộc thi viết, video "Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và ô nhiễm nhựa"; thi vẽ tranh với chủ đề "Chúng em với môi trường và nguồn nước sạch... Hội Cựu chiến binh giám sát các hộ tư nhân trong việc xả thải chất thải và chăn nuôi gia súc, gia cầm đúng nơi quy định. Liên đoàn Lao động tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên, công nhân, người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, gắn với phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; “cơ quan xanh”, doanh nghiệp với mô hình “Thùng rác hữu cơ”, “Thùng rác vô cơ”, “Thùng rác thải nhựa”. Hội Người cao tuổi gắn công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa với phong trào "Tuổi cao - Gương sáng" gương mẫu thực hiện mô hình thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Hội Chữ Thập đỏ tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động xây dựng cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới. Hội làm vườn với mô hình “Phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn”; Bộ Chỉ huy quân sự với mô hình xây dựng đơn vị luôn “Sáng - xanh - sạch - đẹp”…
“Thả cá, không xả rác xuống lòng sông” là khẩu hiệu đã trở thành quen thuộc của người dân thành phố Tuyên Quang vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, là hoạt động do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Tuyên Quang tổ chức vào ngày Tết ông Công, ông Táo (thả cá phóng sinh ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm). Thông qua hoạt động này đã thu hút đông đảo tăng ni, phật tử, đoàn viên, hội viên tích cực tình nguyện tham gia hướng dẫn nhân dân thực hiện; Qua đó, 2 năm nay người dân thành phố Tuyên Quang đã thành thói quyen không vứt túi nilon, đồ nhựa dùng đựng cá, không xả rác xuống sông khi đi thả cá; đồ nhựa, túi nilon được gom lại để vào các thùng rác trên bờ sông để đem đi xử lý.
Bên cạnh sự đồng tình hưởng ứng của người dân, thì vấn đề hoạt động của các mô hình tự quản hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp những khó khăn nhất định, thiếu trang thiết bị vận chuyển rác, địa hình vùng nông thôn phức tạp, xa các khu tập kết rác, kinh phí hỗ trợ điều kiện hoạt động mô hình tự quản còn khó khăn; đặc biệt, Bộ tiêu chí Nông thôn mới chuẩn giai đoạn 2021 - 2025 là "Đề cao bộ mặt nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn", các tiêu chí số 17 và số 18 về môi trường và chất lượng môi trường sống trong Bộ tiêu chí Quốc gia về Xã nông thôn mới nâng cao được đặc biệt quan tâm. Do vậy, khi người dân đã chuyển biến ý thức thành hành động tự giác trong việc thu gom, phân loại rác thì Nhà nước, chính quyền các cấp ở các địa phương cần phải hoàn thiện về hạ tầng thu gom, xử lý rác đồng bộ để công tác bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững.
Sau 2 năm triển khai thực hiện trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, đang được triển khai thiết thực, sáng tạo, tiết kiệm, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện của người dân, hộ gia đình cùng chung tay tổ chức các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường ngay tại mỗi gia đình, trường học, cộng đồng dân cư. Kết quả 2 năm thực hiện đã khẳng định: việc xác định thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" là một trong hai nhiệm vụ đột phá trong việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và mong muốn của Nhân dân.
Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm "mưa dầm, thấm lâu" để tạo chuyển biến thật sâu rộng trong Nhân dân, nâng cao chất lượng các mô hình tự quản ở các khu dân cư về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa; đưa phong trào tiếp tục đi vào nề nếp, hiệu quả, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các thôn, tổ dân phố, bảo đảm môi trường sống trong lành, góp phần quan trọng vào tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, phát huy khối đại đoàn kết, xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Nguyễn Hưng Vượng
Ủy ban Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang