|
Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW Trung ương do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dẫn đầu khảo sát tại huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, tháng 10/2022.
|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”1. Cụ thể hoá chủ trương trên, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương của Mặt trận về nội dung này với phương châm toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm công tác dân tộc. Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đổi mới tích cực về nội dung và phương thức hoạt động đối với công tác dân tộc, trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, phù hợp với từng vùng, từng dân tộc, tôn trọng sự khác biệt trong đa dạng, từ đó tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện. Sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự vận dụng linh hoạt và sáng tạo trong cách làm của tổ chức Mặt trận các cấp đối với công tác dân tộc đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong công tác dân tộc ở nước ta thời gian qua. Vai trò của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với công tác dân tộc được tăng cường và củng cố chặt chẽ nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững, thể hiện chính sách ưu việt của Nhà nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng, cụ thể:
Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp góp ý với Đảng, Nhà nước góp phần hoàn thiện đường lối, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, nhất là ý kiến, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở nguyện vọng của Nhân dân, Đảng, Nhà nước ban hành đường lối, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp góp ý với các cấp ủy, tổ chức đảng các nội dung gồm: dự thảo nghị quyết, chỉ thị và các văn bản của Đảng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng trước mỗi kỳ Đại hội; việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng; mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên với Nhân dân.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữa truyền thông đại chúng với vận động cá nhân, tiếp cận tới mọi thành phần, đối tượng để tập hợp, đoàn kết đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hoạt động xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền về các nội dung chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua công tác tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc, Nhân dân hiểu rõ mục tiêu tổng quát của Chương trình là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền về nội dung của 10 dự án: Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp ý kiến, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phản ánh với Đảng, Nhà nước.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hành dân chủ và phát huy quyền dân chủ của Nhân dân trong đời sống xã hội. Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói”, đa dạng hóa các kênh tập hợp ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân, phản ánh định kỳ và đột xuất để các cơ quan Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết; đồng thời theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề nghị chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bốn là, chăm lo và phát huy vai trò của những cá nhân tiêu biểu trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước. Mặt trận Tổ quốc các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chú trọng công tác biểu dương những điển hình tiến tiến là người dân tộc thiểu số thực hiện tốt những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương thông qua các hội nghị biểu dương người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các vị chức sắc, già làng, người có uy tín trong các thôn, bản, làng, xóm, ấp, phum, sóc triển khai và xây dựng các mô hình điểm trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín đối với đồng bào dân tộc thiểu số là người có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là người được đồng bào tin tưởng, tự nguyện đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến. Trong đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của người có uy tín được thể hiện ở mọi mặt của đời sống xã hội, từ cấp độ cá nhân, gia đình cho đến cộng đồng, có khả năng lôi cuốn, tác động, chi phối, tập hợp đồng bào thông qua lời nói và việc làm.
Mặt trận các cấp phối hợp thực hiện, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, Mặt trận thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội một cách chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung giám sát, phản biện xã hội đối với những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Mặt trận phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là thực hành dân chủ ở cơ sở thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; tổ chức đối thoại của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; giám sát cán bộ, đảng viên ở địa bàn dân cư; đánh giá sự hài lòng của Nhân dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, về kết quả xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng…
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.170.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1,2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
2. Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
3. Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
4. Nghị quyết số 01/NQ-MTTW-UB, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Lê Mậu Nhiệm - Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngô Thị Thúy Mai - Thạc sĩ, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Kon Tum.