Tôi ra đi lập nghiệp từ làng quê ven bờ sông Ngàn Phố của huyện Hương Sơn, miền tây Hà Tĩnh. Gần 50 năm kể từ ngày rời quê cha đất tổ, có bao nhiêu kỷ niệm in sâu trong ký ức, nào là cánh đồng vàng óng mỗi dịp vào mùa gặt hái, rồi tiếng chim tu hú gọi bầy khi "vải đỏ chùm cây", đến những trưa hè đua nhau tắm gội giữa dòng sông trong vắt, nhìn rõ mồn một đàn cá mương tung tăng bơi lượn ngay sát chân mình...
Ảnh minh họa - KT
Sau nhiều năm xa cách, mùa đông năm 2014 tôi trở về thăm quê. Đổi thay nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của bà con lối xóm tăng cao cùng với không khí hồ hởi quá trình xây dựng nông thôn mới.
Con đường làng bằng đất năm xưa nay đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi đi lại liên thôn, liên xã và vận chuyển lưu thông sản phẩm nông nghiệp, giao lưu hàng hóa. Duy chỉ có lũy tre làng ngút ngàn chạy dọc ven lưu vực sông Ngàn Phố hầu như không còn bao nhiêu, thi thoảng mới thấy vài bụi lẻ loi, đơn độc trong nắng gió ...
Năm nay, đã có tới mười cơn bão quét qua quê nhà. Theo dõi tin tức trên báo, đài, lòng se lại bởi những thông tin về hàng chục ngôi nhà bị bão lật tốc mái, hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại khôn cùng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả của thiên tai gây ra, trong đó phải kể đến tấm lá chắn kiên cường từ lũy tre làng đã bị phá vỡ là một trong những yếu tố quan trọng.
Hồi thơ ấu ở nhà, nghe đài bán dẫn thông báo bão sắp về, cha tôi khẩn trương tập trung mấy anh em tìm những sợi mây bền chặt buộc níu mè nhà vào gốc tre lớn nhất, đồng thời cuốn thêm nhiều vòng vào những thân tre khác tạo thành cột móng vững chắc.
Cha tôi bảo rễ tre luôn ăn sâu lòng đất và cành tre liên kết thành một khối nên lũy tre là rào chắn gió bão, gìn giữ nhà cửa hết sức chắc chắn. Ngay cả cơn bão lớn cũng chỉ đủ giật mấy cành khô gãy xuống chứ không thể quật đổ hay lôi cả bụi tre khỏi lòng đất. Mùa mưa bão đi qua, nhưng những căn nhà lá, nhà ngói đơn sơ vẫn an toàn không hề suy suyển, bởi đã có bờ tre kiên cường trấn giữ ...
Lại một mùa mưa bão dữ dội tàn phá làng quê, để lại bao cảnh tiêu điều đổ nát. Lòng bồi hồi nhớ quê, nhớ da diết lũy tre làng - kiên trung, bất khuất, tượng trưng cho khối đoàn kết vững bền, che chở con người trước thiên nhiên khắc nghiệt, như nhà thơ Nguyễn Duy mô tả:
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người...
Theo CTV Nguyễn Tiến Đạt/VOV.VN