Hôm nay, học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới 2017-2018. (Ảnh minh họa: TTXVN)
9 nhiệm vụ trọng tâm
Trong năm học này, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ đã được đề ra từ năm học 2016-2017 với rất nhiều thách thức… cũ, nhất là khi yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng đặt ra cấp bách hơn.
Các nhiệm vụ được ngành đặt ra là rà soát và xây dựng mạng lưới trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phân luồng học sinh; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; hội nhập quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực.
Ở bậc phổ thông, vấn đề trọng tâm nhất là đổi mới chương trình giáo dục, đặc biệt là xây dựng chương trình giáo dục mới cho các môn học. Đây là cơ sở cho việc viết sách giáo khoa mới. Áp lực với ngành giáo dục là không nhỏ trong khi theo kế hoạch, năm 2018 sẽ bắt đầu triển khai giảng dạy chương trình mới.
Với giáo dục đại học, vẫn như năm học trước, vấn đề quy hoạch và tự chủ tiếp tục được ngành đặt làm nhiệm vụ trọng tâm. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học vẫn chưa tìm được sự ổn định cần thiết.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Thách thức quy hoạch
Trong 9 nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục và đào tạo đặt ra trong năm học này, quy hoạch mạng lưới là nhiệm vụ đầu tiên. Đây là vấn đề không mới nhưng ngành giáo dục gặp khá nhiều khó khăn trong triển khai.
Ở bậc phổ thông, số học sinh có xu hướng giảm, trong khi để đầu tư vật chất có hiệu quả thì cần quy mô đào tạo ở mức nhất định, vì thế, việc quy hoạch lại, dồn trường, đã được ngành giáo dục thực hiện. Sự phát triển của kinh tế xã hội và giao thông là một điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc này đã gặp sự phản đối dữ dội của phụ huynh, học sinh. Một phần nguyên nhân do vấn đề quy hoạch chưa hợp lý.
Ở bậc đại học, việc quy hoạch ngay chính trong khối trường sư phạm, vấn đề hoàn toàn nằm trong tầm tay, trong thẩm quyền của Bộ, cũng đang ở dạng… ý tưởng. Với toàn khối đại học thì điều đó còn là thách thức lớn hơn.
Trong năm học 2017-2018, ngành giáo dục chủ trương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành bộ chuẩn kỹ thuật quy hoạch cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cấp tỉnh, thành phố.
Bộ cũng đặt nhiệm vụ xây dựng chuẩn trường sư phạm và chuẩn trường đại học, làm cơ sở cho quy hoạch. Theo đó, những trường chất lượng sẽ được tiếp tục đầu tư, đặt hàng đào tạo. Trường kém chất lượng sẽ phải sáp nhập, làm vệ tinh cho trường lớn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng đào tạo.
Áp lực đổi mới
Theo kế hoạch, năm học 2018-2019 sẽ là năm đầu tiên ngành giáo dục chính thức đưa chương trình mới vào giảng dạy ở các lớp học đầu cấp phổ thông. Theo đó, năm học 2017-2018 là năm ngành giáo dục phải chạy nước rút để hoàn thành chương trình, sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ mới hoàn thành chương trình tổng thể. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phải công bố được dự thảo chương trình môn học, lấy ý kiến xã hội, sau đó hoàn thiện, ban hành chính thức. Trên cơ sở chương trình môn học này, các cá nhân, tổ chức sẽ tham gia viết sách. Những sách này phải được Bộ thẩm định và quyền lựa chọn sách thuộc về các giáo viên, học sinh…
Trong khi phía Bộ vẫn còn rất nhiều công việc dang dở thì ở các cơ sở giáo dục, áp lực cũng rất lớn. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, rất nhiều lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo cho biết, ngay cả khi Bộ kịp hoàn thiện sách mới thì địa phương khó có thể triển khai chương trình mới.
Nguyên nhân do các trường chưa chuẩn bị kịp về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Thậm chí các sở chưa biết phải chuẩn bị như thế nào khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa đưa ra được những yêu cầu, tiêu chí cụ thể về đội ngũ, trường lớp khi thực hiện chương trình mới.
Vì thế, lãnh đạo nhiều sở giáo dục và đào tạo đã đề nghị Bộ xin lùi thời gian thực hiện đổi mới giáo dục sang năm 2019 thay vì từ năm 2018 như kế hoạch.
Nhưng ngay cả khi chậm tiến độ một năm, ngành giáo dục vẫn không dễ để thực hiện đổi mới nếu đội ngũ giáo viên không có tinh thần đổi mới.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đáng lẽ ngay khi có chủ trương đổi mới, ngành giáo dục đã phải chuyển tải tinh thần đổi mới thấm đến từng cán bộ, giáo viên. Phó Thủ tướng nhận định việc chậm tiến độ của ngành là “chậm từ trên xuống”.
Và để khắc phục điều này trong một năm học là quá khó với ngành giáo dục. Trong khi đó, ngành vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ khác như phân luồng và hướng nghiệp học sinh, đẩy mạnh tự chủ trong các nhà trường, giải quyết các vấn đề gây bức xúc xã hội nhiều năm qua như loạn thu, dạy thêm học thêm, áp lực học tập và thi cử...
Theo Phạm Mai (Vietnam+)