Một số kết quả tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm gần đây
Về tham gia góp ý dự thảo văn bản pháp luật của Nhà nước
Thời gian qua, với vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên nhiều lĩnh vực. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý đối với hàng trăm dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quan trọng dưới luật của các cơ quan có thẩm quyền, các chương trình, dự án, đề án được gửi đến. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn để tổ chức góp ý đối với nhiều dự thảo văn bản quan trọng của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác. Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp để giúp Ban Thường trực góp ý vào hàng chục dự thảo luật, nghị định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật Thú y; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dự thảo Nghị định về chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp;…
Kết quả cho thấy, nhiều bản góp ý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên do phát huy được trí tuệ của đội ngũ chuyên gia tham mưu, giúp việc kết hợp với trí tuệ của các Hội đồng tư vấn, của đội ngũ cộng tác viên, nên có chất lượng cao, được cơ quan soạn thảo tiếp thu để trình ra Quốc hội, qua đó góp phần làm cho các văn bản pháp luật được thông qua ngày càng sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn.
Hoạt động giám sát xây dựng chính sách, pháp luật
Qua 5 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và 3 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên và một số bộ, ngành liên quan xây dựng, ký kết thực hiện 12 Chương trình phối hợp giám sát và 1 Quy chế phối hợp thí điểm về giám sát việc công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn địa phương. Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn giám sát liên ngành với sự tham gia của đại diện các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành như: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo... Bên cạnh đó, việc ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm của nhiều tổ chức thành viên, trong đó có sự tham gia tích cực, chủ động và có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam… Qua 5 năm, thực hiện, mặc dù hiệu quả của các chương trình phối hợp giám sát chưa nhiều nhưng những chương trình, vụ việc được giám sát đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, nhiều báo cáo kết quả sau giám sát của Mặt trận đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể.
Một trong các hình thức giám sát được luật định của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Năm 2017, 2018, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành giám sát thông qua xem xét, nghiên cứu một số văn bản quy phạm pháp luật để gửi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bước đầu có hiệu quả và được đánh giá cao, như: giám sát các văn bản liên quan đến việc ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ; giám sát Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư liên quan đến Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều được Chính phủ trả lời và chỉ đạo các bộ, ngành, liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức giám sát Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; giám sát việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Sau mỗi cuộc giám sát, Ban Thường trực đều xây dựng báo cáo về kết quả giám sát và kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương, trong đó có các kiến nghị cụ thể gửi Quốc hội, Chính phủ nêu rõ những bất cập, tồn tại, hạn chế đề nghị khắc phục, đồng thời đưa ra những kiến nghị cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Hoạt động phản biện xã hội trong xây dựng chính sách, pháp luật
Từ năm 2013-2019, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức được 8 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án luật, pháp lệnh: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dự án Luật về Hội; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và tổ chức phản biện đối với một số dự thảo đề án như: đề án Đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài, đề án Bộ tiêu chí đô thị văn minh… Kế hoạch tổ chức các hội nghị phản biện xã hội đều được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng ít nhất 15 ngày trước khi tổ chức hội nghị. Thành phần tham gia hội nghị phản biện xã hội là các chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực có liên quan đến nội dung phản biện. Mỗi hội nghị đều có ít nhất từ 5 đến 10 ý kiến nghiên cứu sâu của các nhà khoa học do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “đặt hàng”; các dự thảo văn bản luôn gửi trước ít nhất 10 ngày để các chuyên gia, nhà phản biện có thời gian nghiên cứu, cho ý kiến. Các hội nghị phản biện xã hội đều có sự tham dự của đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập, lãnh đạo cơ quan ban hành văn bản đến tham dự, giải trình, tiếp thu các ý kiến phát biểu của các chuyên gia…
Sau các hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan, tổ chức có dự thảo được phản biện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản. Kiến nghị phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội và một số tổ chức thành viên cũng tổ chức phản biện xã hội nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam…
Trên cơ sở các thông tin, ý kiến ghi nhận được từ các hội nghị phản biện xã hội, đối chiếu với những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề góp ý, phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã lựa chọn, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung hợp lý vào dự thảo luật, dự thảo đề án, hoặc phát hiện những điểm chưa phù hợp thực tiễn để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh trong nội dung của dự thảo.
Hoạt động tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước góp phần xây dựng chính sách, pháp luật
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tham gia tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước; giám sát và tham gia phối hợp giám sát việc giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Thực hiện nhiệm vụ này ở Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định 4 nguồn cơ bản để tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, gồm: 1) Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; 2) Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận; 3) Các ý kiến phản ánh, kiến nghị của các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 4) Báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến cử tri của các đoàn Đại biểu Quốc hội tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước và sau kỳ họp Quốc hội. Số liệu tổng hợp trong thời gian qua cho thấy, ngoài việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp, tổng hợp được nhiều ý kiến từ các nguồn thông tin đáng tin cậy, số ý kiến, phản ánh ngày càng tăng, nhất là tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV gần đây. Qua đó có thể đánh giá, nhân dân ngày càng tin tưởng vào Mặt trận và muốn gửi gắm nhiều ý kiến, kiến nghị để Mặt trận thay mặt người dân kiến nghị với Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, việc tập hợp ý kiến nhân dân còn được tập hợp từ nguồn thông tin được phản ánh qua báo chí, truyền thông; các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi trực tiếp đến Mặt trận và các tổ chức thành viên; những phản ánh, kiến nghị qua công tác tiếp công dân, phản ánh tập hợp qua xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; các ý kiến tập hợp từ các khu dân cư, qua các phong trào do Mặt trận phát động và chủ trì thực hiện; các ý kiến phản ánh của đại diện các tôn giáo, dân tộc, kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài …
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tại các kỳ họp Quốc hội là một nguồn thông tin quan trọng, hữu ích gửi đến Đảng và Nhà nước. Các kiến nghị của Mặt trận đã giúp cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn và chỉ đạo kịp thời xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới
Một là, nâng cao nhận thức của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, của những chủ thể làm công tác xây dựng pháp luật về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng pháp luật. Nâng cao nhận thức của cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức trong cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp về ý nghĩa của công tác Mặt trận tham gia xây dựng pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật trong hệ thống Mặt trận và trong các tầng lớp nhân dân. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật đến người dân, nhất là những văn bản điều chỉnh những vấn đề thiết thực với đời sống xã hội, đến quyền và lợi ích thiết thân của người dân. Trong quá trình đó, cần chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân trong tham gia xây dựng pháp luật, để người dân thấy được trách nhiệm của mình, phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng chính sách, pháp luật khi phát hiện thấy những bất cập, hạn chế trong quá trình sử dụng và chấp hành pháp luật.
Về phía cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, cần phải sâu sát hơn với các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên để lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, của hội viên, đoàn viên đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước để góp ý theo các hình thức quy định được kịp thời. Thông qua hoạt động của mình và các tổ chức thành viên, Mặt trận thường xuyên tổng hợp ý kiến, đề nghị, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân, các kiến nghị qua giám sát, phản biện xã hội; có các hình thức phù hợp để lắng nghe, tập hợp ý kiến của người có uy tín, cá nhân tiêu biểu từ khu dân cư, ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân tham gia xây dựng pháp luật. Để phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong xây dựng chính sách, pháp luật cần quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tương tác với người dân, đăng tải các vấn đề mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng xã hội quan tâm trên trang thông tin điện tử của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đẩy mạnh truyền thông với nhiều hình thức đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ về các nội dung chính sách, pháp luật mới liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Hai là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật. Sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động xây dựng pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Sửa đổi Luật Trưng cầu ý dân năm 2015; Sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật khác, như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội..., đề nghị cũng xem xét, sửa đổi tương ứng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ba là, kiện toàn, củng cố tổ chức, phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn trong tham gia xây dựng pháp luật. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Mặt trận chuyên trách làm công tác pháp luật trong cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia xây dựng pháp luật.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan Nhà nước (cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật) trong xây dựng chính sách, pháp luật theo hướng kịp thời, chặt chẽ hơn. Tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng pháp luật. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong các nội dung hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận. Sự phối hợp được thể hiện thông qua việc các tổ chức thành viên cử cán bộ chuyên môn là những người có kinh nghiệm, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia các Hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; thông qua việc cử đại diện lãnh đạo của tổ chức mình tham dự các cuộc họp góp ý kiến, phản biện xã hội của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp, nhất là ở cấp Trung ương. Đối với những dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của các đoàn viên, hội viên, tùy vào nội dung, đối tượng, yêu cầu đặt ra mà Mặt trận có thể chủ trì hoặc đề nghị một tổ chức thành viên đứng ra chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên có liên quan để tổ chức góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Sự tham gia của các tổ chức thành viên Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật là thể hiện tiếng nói của các các giai cấp, tầng lớp xã hội, của các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài góp ý kiến xây dựng pháp luật, để các chính sách, pháp luật được thể hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân; là thực hiện đúng nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phạm Thị Kim Cúc
ThS, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tài liệu tham khảo
1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo cáo số 714/BC-MTTW-BTT ngày 5/3/2019, Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI).
2. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo cáo số 763/BC-MTTW-BTT ngày 18/6/2019, Báo cáo sơ kết 05 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo cáo số 77/BC-MTTW-BTT ngày 8/1/2020, Báo cáo Kết quả công tác giám sát và phản biện xã hội năm 2019 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.