Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với báo chí.
Bộ trưởng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT).
Phóng viên (PV): Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về tình hình thiên tai khu vực miền núi phía Bắc?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Miền núi phía Bắc có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đặc biệt về vấn đề môi trường. Đây là nơi địa hình chủ đạo là vùng núi, với độ dốc rất cao; đồng thời cũng là vùng lưu vực những sông lớn, có các hệ thống thủy điện lớn.
Từ đầu năm đến nay, trong vùng này diễn ra các hình thái về thiên tai với các đợt mưa, mưa đá, các dạng hình thiên tai khác gấp đôi bình quân hàng năm, cho thấy một dự báo tình hình diễn ra rất khốc liệt.
Vùng này, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm tiếp tục có những hình thái thiên tai cực đoan, đó là mưa lũ vào tháng 9 tới đây, trong đó, dự báo mưa trung bình sẽ rất lớn.
Thứ hai, Viện Vật lý địa cầu dự báo vùng này có khả năng xảy ra động đất với cấp độ lớn.
PV: Vậy những thách thức đặt ra trong công tác phòng chống thiên tai ở khu vực này là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta có thể nhận thấy rõ những thách thức ở vùng này rất lớn. Thứ nhất, thiên tai về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Đây là dạng hình thiên tai mà những năm gần đây diễn ra thường xuyên và chính dạng hình thiên tai này gây tỷ lệ thương vong đối với nhân dân chúng ta cao nhất. Trong khi đó, đây lại là vùng đặc trưng về kiểu địa hình và những hình thái hình thành nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Điểm thứ hai, đây là vùng có các hồ thủy điện lớn, hồ thủy lợi lớn. Nếu như công tác phòng chống và ứng phó của chúng ta không chủ động từ đầu thông qua hình thức liên hồ chứa, vận hành một quy trình hợp lý, hài hòa, biện pháp tổng hợp thì dễ sinh ra những nguy cơ rủi ro rất cao.
Thứ ba là, hiện nay mặc dù đang hạn, đang nắng nóng, nhưng tới đây theo dự báo những tháng cuối năm sẽ xảy ra mưa lũ lớn, mùa đông lạnh, những hình thái cực đoan khác,…
Do đó, đây là vùng điển hình mà lúc nào chúng ta cũng phải chuẩn bị trước kịch bản ứng phó. Muốn làm được điều đó, chúng ta không có biện pháp nào khác, ngoài việc chủ động, tăng cường năng lực kể cả trong dự báo, trong ứng phó, kể cả trong phục hồi, tái sản xuất theo phương châm “4 tại chỗ”. Và chính quyền, nhân dân ở cơ sở cần được nâng cao năng lực là một trong những biện pháp ban đầu quan trọng nhất và quyết định.
PV: Trong vấn đề về chính sách phòng chống thiên tai, ở khu vực này, cần có những kiến nghị gì thêm, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thời gian vừa qua, chúng ta tổng hợp được rất nhiều các vấn đề mà tới đây trước tác động của biến đổi khí hậu, với những hình thái cực đoan xảy ra vô cùng khốc liệt đòi hỏi phải rà soát lại khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, những vấn đề trước mắt và những nhóm giải pháp lâu dài.
Một là, toàn bộ những cơ chế, chính sách để làm sao các thảm rừng phải phục hồi một cách chất lượng, nhanh nhất. Ở vấn đề này liên quan đến rất nhiều chính sách.
Thứ hai là rà soát tổng dân cư của chúng ta hiện nay đang bố trí gắn với tình hình cụ thể. Vì vậy, tới đây, chính quyền địa phương của 13 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc phải rà soát lại để chúng ta đưa ra một lộ trình, một chương trình tổng thể bố trí, sắp xếp lại dân cư làm sao đảm bảo tính an toàn cao nhất.
Thứ ba, phương thức sản xuất cũng phải đảm bảo thích ứng nhất theo điều kiện tình hình. Bất kỳ tình huống nào xảy ra do những điều kiện bất thuận của thời tiết, thì những hình thái sản xuất đó cũng góp phần giảm thiểu rủi ro đến mức cao nhất. Chúng tôi cho rằng đi đôi với các giải pháp trước mắt, chúng ta cần tính toán đến câu chuyện dài hơi hơn, từ các chương trình, các dự án, các cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thiện biện pháp chỉ đạo của từng cấp, từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến Ban Chỉ huy của tỉnh, huyện, xã.
Tổng huy động nguồn lực và trong đó, toàn thể nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, lúc nào cũng thường trực với phương châm “phát triển đi đôi với bền vững”, để chúng ta có biện pháp thích ứng rộng rãi.
PV: Trong khu vực này có nhiều hồ chứa thủy điện lớn. Hiện nay, đang chuẩn bị vào mùa mưa lũ, vậy Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có những chỉ đạo như thế nào để vận hành an toàn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế đối với các nhà máy thủy điện?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta biết an ninh năng lượng đối với đất nước là rất cần thiết. Ở đây có hai nhóm vấn đề cần chú ý, một mặt là làm sao các công trình thủy điện phát huy công năng cao nhất. Thứ hai là trước tình hình biến đổi khí hậu, chúng ta phải tính đến kịch bản để các hồ chứa, các nguồn năng lượng thủy điện đảm bảo an toàn nhất.
Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp giữa Ban Chỉ đạo với từng thành viên, cụ thể là Bộ Công Thương để chúng ta đảm bảo quy trình liên hồ chứa một cách khoa học và sát với thực tiễn; tuân thủ nguyên tắc một cách nghiêm chỉnh. Tất cả sự chỉ đạo điều hành liên hồ chứa dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy các tỉnh, Ban Chỉ đạo của Trung ương để đảm bảo các hồ chứa vận hành một cách khoa học và an toàn.
Bên cạnh đó, chúng ta tăng cường các biện pháp tổng thể, từ điều hành, quy trình xả nước, tích nước,…một cách linh hoạt để không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng mà còn phải đảm bảo an ninh chung cho nguồn nước sử dụng và sản xuất ở hạ du.
Đây là những vấn đề rất lớn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo chung của quốc gia, Ban Chỉ huy của từng bộ, ngành và từng địa phương, từng thành viên, cụ thể ở đây là các chủ công trình, tham gia chặt chẽ dưới sự điều hành của các tỉnh làm sao sự kết hợp này được nhuần nhuyễn và khoa học.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo BT (ghi)/Dangcongsan.vn