|
Bãi xử lý rác thải huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) nhận khoảng 6 tấn rác/ngày nhưng được xử lý phương pháp thô sơ như gom, ủi và tiến hành chôn lấp, đốt gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN. |
Gia tăng chất thải y tế do đại dịch COVID-19
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng chất thải rắn (CTR), trong đó có chất thải y tế lây nhiễm, gây áp lực lên môi trường. Kể từ khi bùng phát trên toàn cầu đến nay, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng rác thải rắn (bao gồm chất thải y tế, chất thải nhựa và CTR sinh hoạt), gây ảnh hưởng đến môi trường, gia tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, lượng chất thải lây nhiễm cần xử lý gia tăng đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đợt dịch đầu năm 2021, lượng rác thải y tế của Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên, bình quân 69 tấn/ngày; chỉ tính riêng Hải Dương, khối lượng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đã thu gom từ khi xảy ra đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 ngày 27/1-20/2/2021 là 304,856 tấn; tại Hà Nội, chỉ riêng Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội), mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng 2-3 tấn rác thải, so với thời kỳ chưa có dịch bệnh thì tổng lượng rác phát sinh tăng khoảng 30%, tiếp nhận xử lý khoảng 7,5 tấn/ngày.
Mặc dù Bộ Y tế, Bộ TN&MT và các địa phương đều đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với người nhiễm COVID-19; tuy nhiên, thực tế việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, chất thải của người nhiễm COVID-19 còn gặp nhiều khó khăn.
Các cơ sở tuyến huyện vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong việc tìm đơn vị xử lý chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm và chất thải tái chế (chai lọ thuốc thủy tinh). Nhiều cơ sở y tế công lập chưa được bố trí đủ kinh phí để thực hiện công tác quản lý chất thải y tế và xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Việc xử lý rác thải tại một số địa phương gặp khó khăn do lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, thiếu trang thiết bị bảo hộ, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại địa phương còn hạn hẹp...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, tại một số tỉnh thành phố, trong một số thời điểm, số lượng người nhiễm bệnh thực hiện cách ly tại nhà gia tăng nhanh chóng. Có sự khác biệt về điều kiện cư trú (khu vực chung cư, khu đô thị tập trung và các nhà riêng lẻ) nên dẫn đến khó khăn trong việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh. Công tác phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm tại nhà có F0 điều trị vẫn chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Khối lượng rác phát thải từ các hộ gia đình những bệnh nhân có nguy cơ lẫn lộn vào rác sinh hoạt thông thường, tiềm ẩn rủi ro cho môi trường cộng đồng và trực tiếp là sức khỏe công nhân thu gom, vận chuyển.
Chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn tồn đọng
Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước.
Hiện nay vẫn còn lượng CTR sinh hoạt ở đô thị và nông thôn chưa được thu gom, xử lý theo quy định và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, tại các đô thị, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng CTR sinh hoạt kéo dài, gây mùi khó chịu, khiến người dân bức xúc do môi trường sống bị ô nhiễm. Nhiều địa phương tại khu vực nông thôn còn thiếu thiết bị thu gom và phương tiện vận chuyển CTR sinh hoạt chuyên dụng. Nhiều xã, đặc biệt các xã miền núi, thiếu các quy hoạch các bãi rác tập trung, không quy định chỗ tập trung rác, thiếu người và phương tiện chuyên chở rác.
Do đó, các bãi rác tự phát đã hình thành ở một số địa phương, làm cho tình trạng CTR sinh hoạt nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý. Chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn (quy định trước đây chưa mang tính bắt buộc). Một số địa phương đã triển khai thí điểm chương trình phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên việc phân loại đem lại hiệu quả chưa cao, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, chưa được nhân rộng.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay, chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến (khoảng 70% khối lượng CTR sinh hoạt được thu gom được xử lý bằng phương pháp chôn lấp) nhưng chỉ có khoảng 20% trong số các bãi chôn lấp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Việc đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng dự án sử dụng công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp chưa đáp ứng yêu cầu.
Phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận CTR sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm dụng diện tích đất lớn, gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, khí thải, nước rỉ rác, nhiều trường hợp gây ra sự cố phải xử lý phức tạp và tốn kém.
Hoạt động tái chế CTR sinh hoạt còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường. Còn thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về BVMT ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, thiết bị, máy móc cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, tình trạng ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện. Nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa đang gây sức ép rất lớn đến môi trường nước và sử dụng tài nguyên nước. Hầu hết các đô thị đều tập trung ven các sông lớn, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quá tải dẫn đến ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước các dòng sông chảy qua, đặc biệt là sông chảy qua Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và các vùng lân cận.
Theo thống kê, năm 2021, môi trường phải tiếp nhận hơn 3.365 triệu m3 nước thải sinh hoạt, hơn 245 triệu m3 nước thải chăn nuôi (từ 3 đối tượng vật nuôi chính là trâu, bò, lợn, tăng hơn 45 triệu m3 so với năm 2020), hơn 1.335,3 triệu m3 nước thải nuôi trồng thủy sản; chưa kể lượng lớn nước thải từ các làng nghề, các vùng phụ cận chưa được xử lý thải ra môi trường. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh là 47.525 triệu m3; trong đó lượng nước thải phát sinh tại các bệnh viện, viện có giường bệnh khoảng trên 135.000 m3/ngày đêm, chưa kể lượng nước thải từ các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược và sản xuất thuốc.
|
Ảnh minh họa. Nguồn WMO |
Đề cao công tác tuyên truyền nhằm bảo vệ môi trường
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cần tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT 2020. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng đối với sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện môi trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã nghiên cứu đổi mới phương thức tuyên truyền, tổ chức các sự kiện về môi trường đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả; sử dụng việc tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông, qua đó đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân. Tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật dưới nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp cho đối tượng là cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang triển khai Đề án tuyền truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, trong đó, tập trung phổ biến Luật BVMT, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Các Bộ ngành cũng đã thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục BVMT vào các môn học; tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến pháp luật và công tác BVMT trên phạm vi cả nước.
Các mô hình, phong trào BVMT trong cộng đồng dân cư đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình, phong trào BVMT hiệu quả như: Các mô hình thu gom rác thải, mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới; mô hình kết hợp xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; mô hình xử lý chất thải làng nghề; nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường. Nhiều mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được hình thành, phát triển trên cả nước.
Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đơn giản hoá về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường. Lồng ghép việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực BVMT.
Theo V.Tôn/Báo Tin tức