Thực hiện Thông báo số 77-TB/TW ngày 24/2/2012 về Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng lấy tháng 5 hằng năm là Tháng Công nhân, suốt hơn 12 năm qua, Tháng Công nhân đã trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của tổ chức công đoàn, nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
|
Tư vấn, khám sức khỏe miễn phí cho đoàn viên, người lao động. |
Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành đã phối hợp cùng tổ chức công đoàn ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tổ chức các hoạt động, góp phần tạo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động.
Với chủ đề của Tháng Công nhân năm nay “Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết”, các hoạt động do công đoàn các cấp tổ chức sẽ nhằm tuyên truyền, động viên, khích lệ, tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa nghị quyết đại hội công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.
Tháng Công nhân 2024 cũng là tháng cao điểm để phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Theo đó, các cấp công đoàn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lao động nâng cao nhận thức, tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn; tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, lao động khu vực phi chính thức; tổ chức kết nạp “Đợt đoàn viên tháng 5”. Rà soát giới thiệu đoàn viên ưu tú để cấp ủy đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; triển khai hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu. Các hoạt động được khuyến khích tổ chức ở cơ sở đó là: “Đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống”; “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”; “Cảm ơn người lao động”...
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thông qua các hoạt động Tháng Công nhân, nhằm phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ đoàn viên, người lao động trong hoạt động đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, góp phần bảo đảm việc làm và cải thiện thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động.
Tháng 5 vừa là Tháng Công nhân đồng thời là Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động. Thật đáng buồn khi cả nước vẫn xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến cùng một lúc một đơn vị sản xuất mất đi nhiều lao động, nhiều gia đình mất đi trụ cột gia đình!
|
Trao quà động viên đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động |
Theo thống kê năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động.
Do vậy, trong tháng 5, trên toàn quốc sẽ diễn ra các hoạt động như: Đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn vệ sinh lao động; thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, tổ chức các hoạt động dịch vụ an toàn vệ sinh lao động; tổ chức khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác an toàn vệ sinh lao động; chăm sóc, khám sức khỏe người lao động; rà soát xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp…
Tin tưởng rằng, Tháng 5 - Tháng Công nhân cũng là Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động năm nay tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, qua đó, khẳng định sứ mệnh lịch sử, vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ năm1886, tại thành phố Chicago (Hoa Kỳ). Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “... Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”.
Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago.
Khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”
Ngày 20/6/1889, Đại hội I của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản.
Sau đó, vào ngày 1/5/1890, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
Năm 1920, theo sự phê chuẩn của Lenin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Tại nước ta, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do -dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.
Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội của nhân dân lao động Việt Nam, ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới
(Theo Tạp chí Tuyên giáo)
|
Theo Cẩm Linh/Báo ĐCSVN