Khái quát kết quả chỉ số PAPI trong những năm gần đây của Nghệ An
Bảng 1: Xếp hạng chỉ số PAPI của Nghệ An từ năm 2018 - 2022
Năm
|
Điểm
|
Vị thứ
|
Xếp loại nhóm
|
2018
|
46,57
|
4
|
Cao nhất
|
2019
|
44,72
|
17
|
Trung bình cao
|
2020
|
43,86
|
15
|
Cao nhất
|
2021
|
43,82
|
14
|
Cao nhất
|
2022
|
43,24
|
17
|
Trung bình cao
|
Sau 7 năm liên tục (2011 - 2017) chỉ được xếp hạng vào nhóm đạt điểm trung bình thấp và trung bình cao, lần đầu tiên, năm 2018 Nghệ An trong nhóm dẫn đầu đạt điểm cao nhất, nhưng sang năm 2019 trong nhóm đạt điểm trung bình cao. Hai năm sau đó lại vươn lên nhóm đạt điểm cao nhất và năm 2022 lại trong nhóm đạt điểm trung bình cao (Bảng 1). Kết quả PAPI trong những năm gần đây của Nghệ An được cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng để đạt được mục tiêu năm 2025 có tên trong nhóm 15 tỉnh dẫn đầu thì tỉnh Nghệ An còn nhiều việc phải làm.
Bảng 2: Xếp loại nhóm các chỉ số thành phần của Nghệ An năm 2021 và 2022
TT
|
Chỉ số thành phần
|
Năm 2021
|
Năm 2022
|
1
|
Tham gia của người dân ở cấp cơ sở
|
Trung bình cao
|
Cao nhất
|
2
|
Công khai minh bạch
|
Trung bình cao
|
Trung bình cao
|
3
|
Trách nhiệm giải trình với người dân
|
Cao nhất
|
Trung bình cao
|
4
|
Kiểm soát tham nhũng
|
Trung bình cao
|
Trung bình thấp
|
5
|
Thủ tục hành chính công
|
Trung bình cao
|
Thấp nhất
|
6
|
Cung ứng dịch vụ công
|
Trung bình thấp
|
Trung bình cao
|
7
|
Quản trị môi trường
|
Cao nhất
|
Trung bình cao
|
8
|
Quản trị điện tử
|
Cao nhất
|
Trung bình cao
|
Năm 2021, Nghệ An có 3 chỉ số thuộc nhóm tỉnh đạt điểm cao nhất, 4 chỉ số đạt điểm trung bình cao và chỉ còn 1 chỉ số đạt điểm trung bình thấp. Đó là Cung ứng dịch vụ công. Năm 2022, Nghệ An chỉ còn một chỉ số được xếp vào nhóm tỉnh đạt điểm cao nhất (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở), 5 chỉ số đạt điểm trung bình cao, 1 chỉ số đạt điểm trung bình thấp và có 1 chỉ số từ nhóm trung bình cao rơi xuống nhóm tỉnh đạt điểm thấp nhất (Thủ tục hành chính công ).
Một số giải pháp cải thiện chỉ số PAPI của Nghệ An
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính các cấp, các ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, trong đó có cải thiện chỉ số PAPI.
Tỉnh Nghệ An phấn đấu nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI vào vị trí nhóm đầu cả nước. Để thực hiện chủ trương này, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính từ tỉnh đến cơ sở, trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu gắn với kết quả thực hiện cải cách hành chính. Chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện cải thiện chỉ số PAPI của các sở, ngành, chính quyền các cấp.
Tỉnh Nghệ An quan tâm trong việc cải thiện các chỉ số cấp tỉnh có liên quan và ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, đến sự phục nhân dân của chính quyền, nhưng việc triển khai thực hiện ở các đơn vị sở, ngành và chính quyền các cấp chưa thật sự quyết liệt, đồng đều nên kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Để việc triển khai thực hiện diễn ra nghiêm túc, quyết liệt, cần chú trọng công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các sở, ngành và chính quyền các cấp.
Thứ ba, quán triệt quan điểm việc cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn. Trên thực tế, thường sau khi công bố kết quả chỉ số, nếu bị sụt giảm nhiều bậc thì lúc đó chính quyền mới chú trọng tổ chức hội nghị, hội thảo để tìm giải pháp khắc phục. Còn khi kết quả chỉ số này tăng hoặc không sụt giảm nhiều thì vấn đề cải thiện kết quả không được quan tâm nhiều. Vì vậy, cần cải thiện chỉ số thường xuyên, liên tục để có kết quả các chỉ số tăng.
Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công. Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp phối hợp với chính quyền để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến đến hội viên, đoàn viên về các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, về Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, về Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng... Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với các cơ quan, đơn vị lên kế hoạch giám sát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở và những nội dung khác liên quan đến quản trị và hành chính công.
Thứ năm, tập trung cải thiện một số chỉ số có kết quả thấp trên bảng xếp hạng năm 2022.
Trước hết là chỉ số “Thủ tục hành chính công”, từ xếp loại năm 2021 thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao nhưng năm 2022 xếp vào nhóm có điểm số thấp. Đây cũng là chỉ số duy nhất của Nghệ An bị xếp ở nhóm cuối cùng. Năm 2022 chỉ số này đạt 7,06 điểm, gồm các nội dung: dịch vụ chứng thực/xác nhận đạt 2,38 điểm; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 2,24 điểm; Dịch vụ thủ tục hành chính cấp xã/phường đạt 2,44 điểm. Cả nước có 15 tỉnh, thành phố xếp vào nhóm này với khoảng điểm từ 6,57 - 7,08. Để cải thiện chỉ số này cần rà soát lại các khâu của dịch vụ để tìm ra điểm yếu cần khắc phục, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu giải quyết thủ tục hành chính. Ở bộ phận một cửa cần bố trí công chức, viên chức có trình độ chuyên môn phù hợp để trực tiếp tiếp nhận, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Sử dụng hiệu quả các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về công tác thực hiện thủ tục hành chính.
Chỉ số nội dung tiếp theo cần cải thiện là “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chính quyền các cấp cần quan tâm và quyết liệt trong việc khắc phục những hạn chế để cải thiện chỉ số này. Việc cải thiện kết quả chỉ số này cũng góp phần quan trọng trong thu hút các nhà đầu tư. Trước mắt, cần xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiêm vụ thường xuyên, liên tục của các cơ quan, đơn vị. Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện công khai minh bạch các chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Thực hiện phòng, chống tham nhũng ngay trong các lực lượng chức năng. Không để các cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân trong giải quyết công việc. Xử lý nghiêm, kịp thời những khiếu nại, tố cáo của Nhân dân về tham nhũng. Chú trọng bảo vệ và tạo điều kiện cho người phát hiện, tố giác, tố cáo, phản ánh hành vi tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác giáo dục đạo đức, văn hoá công vụ cho cán bộ, nhân viên, kịp thời chấn chỉnh những người có thái độ thiếu chuẩn mực, phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp.
Nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công nhằm góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục với sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, các sở, ban, ngành, của Mặt trận và các đoàn thể thì mới có thể đạt được kết quả tốt. Trong thời gian tới, hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh Nghệ An tiếp tục được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TS. Nguyễn Thị Lan
Ths. Lê Thị Xuân
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An