|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm Hồng y, Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn nhân Lễ phục sinh 2018 tại Tổng Giáo phận Hà Nội, ngày 3-4-2018. Ảnh Tạp chí Xây dựng Đảng |
Thực tế, nhân quyền được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, không ít các học giả phương Tây đã rêu rao chiêu bài “quyền con người cao hơn chủ quyền” nhằm tìm mọi cách để bao biện cho các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của các nước nhỏ, nước kém phát triển. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch cũng đã và đang ra sức lợi dụng vấn đề tôn giáo và quyền tự do tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, đặc biệt là các quốc gia có thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong âm mưu và chiến lược Diễn biến hoà bình, vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền được chúng sử dụng như một vũ khí lợi hại, lợi dụng lòng yêu nước, sự sùng đạo của người dân để khoét sâu những bất cập, tồn tại trong đời sống xã hội, nhằm lôi kéo tập hợp quần chúng nhân dân, giáo dân gây rối, biểu tình, gây bạo loạn gây phức tạp về an ninh trật tự. Một số tổ chức phi Chính phủ thiếu thiện chí khi tiếp xúc với cơ quan chức năng Việt Nam luôn đặt vấn đề “cải thiện quyền con người” đòi “tự do tôn giáo”, xin “phục hồi các tổ chức tôn giáo cũ”, đưa ra quan điểm, nhận định thiếu khách quan, xuyên tạc chính sách, pháp luật tôn giáo của Việt Nam, như: chưa tiếp cận luật pháp quốc tế về quyền con người; chính quyền cơ sở gây khó khăn trong việc chấp thuận đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo. Tháng 4/2021, Ủy ban tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ công bố báo cáo thường niên về tình hình tôn giáo thế giới, vẫn sử dụng thông tin cũ, sai lệch, không có gì mới để xuyên tạc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, là “bước thụt lùi, không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người”, vu cáo Việt Nam không có tự do tôn giáo, kiến nghị đưa Việt Nam trở lại những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo…
Có thể khẳng định ngay từ ngày đầu lập nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến quyền con người và quyền tự do tôn giáo của Nhân dân. Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2/9/1945, cũng đã khẳng định quyền dân tộc và Việt Nam trong các bản Hiến pháp năm 1946 đến năm 2013, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta được đảm bảo trên thực tiễn và cụ thể bằng văn bản pháp luật như: Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”. Trong mỗi giai đoạn lãnh đạo cách mạng Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tạo hành lang pháp lý để các tôn giáo hoạt động ổn định, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và các Giáo hội tôn giáo, cụ thể như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH 11 “Quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”. Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Nhà đất liên quan đến tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; Quốc hội khoá XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được đảm bảo tốt hơn.
So sánh qua gần 20 năm (2003 - 2022) thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy số liệu minh chứng cụ thể đó là: Năm 2003 cả nước có 15 tổ chức, 6 tôn giáo, 17 triệu tín đồ với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự; 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc. Năm 2021 đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26 triệu tín đồ, 54.000 chức sắc, tăng; 135.000 chức việc; 29.000 cơ sở thờ tự… đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo thu hút hàng vạn tín đồ nhân dân tham dự, nổi bật như các hoạt động: Giáo hội Tin lành đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành (diễn ra trong tháng 12/2017); giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới tại Đồng Nai (diễn ra trong tháng 7/2019), với đại biểu của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; Hội đồng giám mục châu Á (diễn ra trong tháng 7/2019); Giáo hội Phật giáo tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp quốc năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (tháng 5/2019) với sự tham dự của trên 3.000 đại biểu chính thức (trong đó có 570 đoàn quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ). Với quy mô hoạt động tôn giáo hàng vạn người, chính quyền các cấp đã hỗ trợ các tôn giáo về công tác, các phương án đảm bảo phân luồng an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để Nhân dân được tự do hành lễ, thoả mãn nhu cầu đời sống tâm linh… Những hoạt động nêu trên khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu không có chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thì các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không thể tổ chức được đa dạng, phong phú như trên.
Thế nhưng, do tư tưởng định kiến với Việt Nam, các thế lực thù địch vẫn ngày đêm lợi dụng, xuyên tạc trắng trợn về chính sách pháp luật và tình hình tôn giáo tại Việt Nam; móc nối số cơ hội bất mãn chế độ và số chức sắc cực đoan trong các tôn giáo để kích động các hoạt động tôn giáo thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước; đặc biệt là, mỗi khi Nhà nước ban hành hoặc bổ sung những văn bản pháp luật mới để điều chỉnh các hoạt động tôn giáo cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, trình độ văn hóa, xã hội của đất nước, phù hợp với tâm tư, tình cảm, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thì chúng lại dấy lên chiến dịch tuyên truyền phủ nhận, bãi bỏ văn bản pháp luật này, hoặc xuyên tạc, phủ nhận. Chúng ca ngợi quyền tự do tôn giáo của các nước tư bản, tôn giáo được tự do hoạt động, không phải đăng ký xin phép chính quyền. Qua nghiên cứu chính sách, pháp luật trên thế giới và khu vực cho thấy như sau: (1). Các hoạt động tôn giáo ở một số quốc gia như Anh, Mỹ, Đan Mạch… khi tôn giáo tổ chức các hoạt động đông người tại cơ sở thờ tự, phải tự thuê bảo vệ làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Nếu để xảy ra vi phạm, chính quyền sẽ căn cứ vào pháp luật và xử phạt tổ chức, cá nhân tôn giáo… (2) Ở Việt Nam, các tổ chức tôn giáo tổ chức các hoạt động tôn giáo có đông đảo Nhân dân tham gia, được chính quyền hỗ trợ với mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn để Nhân dân yên tâm thực hiện nghi lễ tôn giáo. Tổ chức tôn giáo là một tổ chức mang tính xã hội, là một tổ chức thì ở bất cứ quốc gia nào khi thành lập, hoạt động đều phải chịu sự quản lý của nhà nước.
Hiện nay, thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong ở nước ngoài vẫn cấu kết, móc nối với số cực đoan trong tôn giáo và số đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo những người khiếu kiện về các vấn đề xã hội như: đất đai, môi trường, phòng, chống dịch Covid-19... để kích động gây rối, biểu tình và gắn vào vấn đề tôn giáo để vu cáo Việt Nam không có tự do tôn giáo, làm cho chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo hoài nghi về chính sách của Nhà nước ta.
Âm mưu và thủ đoạn của chúng là khi những người khiếu kiện tụ tập đông người sẽ trương các băng rôn, khẩu hiệu và diễn thuyết nhằm kích động những người khiếu kiện tập trung tuần hành, phản đối nhằm gây chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với đồng bào tôn giáo, kích động quần chúng tín đồ chống đối chính quyền, gây bất ổn chính trị - xã hội. Đồng thời, chúng chuẩn bị lực lượng, phương tiện tổ chức ghi âm, ghi hình các hoạt động để truyền ra bên ngoài tạo thế “nội công, ngoại kích” để bọn phản động lưu vong phối hợp tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm giảm vị thế, hình ảnh Việt Nam trong hợp tác kinh tế, quốc tế. Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm dễ thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Với âm mưu chống phá của các thế lực xấu, trong những năm qua các đối tượng phản động, chống đối chính trị ở ngoài nước, móc nối với một số phần tử cực đoan trong tôn giáo cấu kết với các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Đảng và Nhà nước Việt Nam, tổ chức các cuộc “hội luận”, “họp báo”, soạn thảo và phát tán các tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực tôn giáo và nhân quyền. Chúng đẩy mạnh xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, Việt Nam “không có tự do tôn giáo”; lợi dụng những vấn đề phức tạp trong xã hội như: thu hồi đất đai, đền bù, giải tỏa; vấn đề ô nhiễm môi trường; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thu phí BOT… để dụ dỗ, lôi kéo những người đi khiếu kiện kích động tham gia tuần hành, trương các băng rôn, khẩu hiệu phê phán chính quyền. Với những chiêu thức thể hiện rất đơn sơ, rất bình thường, tạo nhóm, lập trang web, chia sẻ trên internet và các trang mạng để trao đổi thông tin, bình luận kích động, cổ suý lan toả nhiều người sử dụng mạng xã hội… với mục tiêu làm cho người dân, đặc biệt là một bộ phận tín đồ ngoan đạo “cuồng đạo” hoang mang, dao động, không rõ thực hư, bình luận, chia sẻ không rõ bản chất vụ việc, do thiếu thông tin nên đã tạo ra lượng lớn tín đồ quần chúng tham gia, khuếch tán, lan tỏa các hoạt động kích động chống phá của thế lực xấu và tin tưởng vào số chức sắc cực đoan, điều này thực sự nguy hiểm và gây phức tạp trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta.
Những thủ đoạn hoạt động của chúng không chỉ âm mưu tác động vào tâm lý, tư tưởng của một bộ phận quần chúng, tín đồ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống yên bình của Nhân dân, tác động xấu đến xã hội, gây chia rẽ nội bộ trong tổ chức tôn giáo và gây mất đoàn kết tôn giáo. Xét ở nội dung tổng thể các hoạt động phi nghĩa đó không tạo được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo chức sắc và tín đồ các tôn giáo, mà gây sự lạc lõng trong khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam. Trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch ra sức chống phá cách mạng nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tập trung đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào có đạo… Các chính sách đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc đến nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ, chức sắc các tôn giáo làm cho quần chúng, tín đồ và chức sắc tôn giáo yên tâm, phấn khởi tích cực thực hiện tốt cả “việc đạo, việc đời”. Bên cạnh công tác đấu tranh chống lại việc lợi dụng dân chủ, quyền con người; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã đạt được những kết quả quan trọng, vận dụng nhiều biện pháp đấu tranh trong lĩnh vực này, như: tăng cường công tác vận động quần chúng; tổ chức cảm hoá, thuyết phục số người chưa có chính kiến; tấn công chính trị, vô hiệu hoá số chống đối; kiên quyết xử lý số vi phạm pháp luật; tập trung giải quyết những bức xúc ngay tại cơ sở đã góp phần quan trọng trong đấu tranh ngăn chặn các thế lực bên ngoài lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Kể từ khi đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn ứng xử thích hợp với các tôn giáo, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong các giáo sĩ và quần chúng tín đồ tôn giáo ở Việt Nam, động viên họ sống “tốt đời, đẹp đạo” đồng hành cùng dân tộc. Có thể khẳng định, các tổ chức tôn giáo là một bộ phận cấu thành xã hội Việt Nam. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đồng bào các tôn tôn giào là một trong những lực lượng hưởng ứng rất sớm các phong trào thi đua yêu nước; phòng, chống dịch Covid -19. Ở nhiều khu dân cư ở vùng đồng bào có đạo đã trở thành điểm sáng về phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn tốt an ninh trật tự. Chức sắc và đồng bào theo đạo đã tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, thông qua các lời răn dạy, các giáo lý và nếp sống đạo đức tôn giáo… Điều này khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tôn giáo, củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Các cơ quan chức năng, nòng cốt là cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở các cấp đã phát huy tốt trách nhiệm, chủ động thông tin, hướng dẫn, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong và ngoài nước hiểu và thực hiện đúng pháp luật; chủ động tuyên truyền đối ngoại “về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo” để các nước và các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam hiểu rõ chính sách tôn giáo và quyền con người ở Việt Nam.
Những năm qua, Việt Nam luôn tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các tôn giáo hoạt động theo pháp luật, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện phát triển như hiện nay, số lượng tín đồ ngày càng đông, được tự do hành lễ dù ở nhà riêng hay nơi thờ tự. Ở Việt Nam không có hiện tượng đàn áp tôn giáo, Nhà nước Việt Nam không phân biệt đối xử với bất cứ tôn giáo nào, mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Thời gian tới, số phần tử cực đoan trong các tôn giáo vẫn tiếp tục dựa vào các thế lực thù địch bên ngoài đẩy mạnh hoạt động chống đối dưới chiêu bài “đòi tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền” chống Đảng, Nhà nước ta, đòi khôi phục lại các tổ chức tôn giáo không còn tồn tại, gia tăng các hoạt động phát triển đạo trái pháp luật, gây rối trật tự an toàn xã hội. Các chức sắc và tín đồ các tôn giáo cần tỉnh táo cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch. Việc chủ động ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đóng vai trò nòng cốt. Cần phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và làm tốt một số nội dung công tác sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo Hiến pháp năm 2013. Thực hiện tốt chức năng Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Chính quyền các cấp nắm chắc các hoạt động lợi dụng tôn giáo để kích động giáo dân đòi lại, xin lại các cơ sở thờ của tôn giáo đã giao cho Nhà nước sử dụng, chủ động có biện pháp giải quyết phù hợp, đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến sinh hoạt tôn giáo của Nhân dân. Đối với những đối tượng có tư tưởng cực đoan (ly khai) chống đối nhà nước, đi ngược lại lợi ích của Giáo hội và xã hội và lợi dụng “tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” để kích động gây rối an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa các tôn giáo thì phải kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật.
Hai là, nắm chắc tình hình thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ, quyền con người, lợi dụng tôn giáo chống Việt Nam để có đối sách giải quyết phù hợp, hiệu quả, đúng pháp luật. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật, kích động chia rẽ Nhân dân, chia rẽ các tôn giáo, gây rối, gây bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống Nhân dân xâm phạm an ninh quốc gia. Chủ động tuyên truyền công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để vạch trần “chân tướng” của các đối tượng cơ hội, các việc làm vi phạm pháp luật, giáo luật của số đối tượng cực đoan lợi dụng tôn giáo, phản bác lại các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ, nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo” của các thế lực thù địch.
Ba là, các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để có thể hỗ trợ cho nhau, hạn chế sơ hở để thế lực xấu lợi dụng chống phá. Vì cuộc đấu tranh về quyền con người và dân chủ, tôn giáo là cuộc đấu tranh chính trị lâu dài, phức tạp.
Bốn là, định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm về những việc đã làm được, có biện pháp khắc phục những thiếu sót tồn tại để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, làm cho Nhân dân thực sự tin Đảng, Nhà nước là chất keo kết dính giữa dân với Đảng, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá Việt Nam về “dân chủ, nhân quyền”. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật.
Năm là, thường xuyên tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng quốc tế có đầy đủ thông tin về kết quả, thành tựu nhân quyền trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam, có phương pháp tiếp xúc, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo, có kinh nghiệm đối thoại tôn giáo, hướng dẫn các chức sắc, tín đồ hoạt động tôn giáo và thực hiện nghĩa vụ công dân.
Nguyễn Văn Long
ThS, Chánh Văn phòng, Ban Tôn giáo Chính phủ