|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho cán bộ, công nhân Công ty than Vàng Danh tại khu tập thể 314 trước khi vào ca sản xuất. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ; chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no hoà bình, hạnh phúc. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường tất yếu ấy. Tiếp tục khẳng định và kiên định con đường xã hội chủ nghĩa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển) đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”1.
Thực tiễn lịch sử Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua đã cho thấy con đường kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu khách quan của dân tộc, là chân lý, là động lực xuyên suốt toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, Nhân dân ta lựa chọn và khẳng định trong các Văn kiện của Đảng từ mùa xuân năm 1930, được bổ sung, phát triển qua 13 kỳ Đại hội và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán, trong hành trình đi tới mục tiêu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc. Để kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng ta không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải có trí tuệ; dám đổi mới và biết đổi mới. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn gian khổ với một xuất phát điểm thấp, lại phải trải qua 2 cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá. Sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp chưa có tiền lệ trong lịch sử, lại diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào khủng hoảng và thoái trào nên càng khó khăn. Đây là quá trình vừa học, vừa làm, vừa tổng kết, vừa rút kinh nghiệm, khái quát thành lý luận trên cơ sở lấy thực tiễn làm chân lý. Chính trong quá trình đó, Đảng ta từng bước hình thành những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội, từng bước khắc phục những quan điểm giáo điều, đơn giản, ấu trĩ về chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động và cơ hội chính trị, phê phán bệnh bảo thủ, giáo điều và những sai lầm tả hoặc hữu khuynh. Chủ thể của những tư tưởng phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, gồm có hai loại chính: Trước tiên là các lực lượng của chủ nghĩa đế quốc, những thế lực đang ráo riết triển khai chiến lược diễn biến hòa bình, những phần tử lưu vong phản động. Đây là những kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, cần kiên quyết đấu tranh. Thứ hai là, những người nhẹ dạ, non yếu về bản lĩnh chính trị, cả tin, cơ hội và hùa theo những luận điệu sai trái. Họ đã sai lầm khi nghi ngờ, công kích con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, vô hình chung tạo ra những điểm nóng trong dư luận chính trị xã hội, ảnh hưởng không tốt đến lòng tin và đồng thuận xã hội. Việc phân định rõ các đối tượng trên đã góp phần tăng hiệu quả của cuộc đấu tranh chống những quan điểm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trên thế giới hiện có khoảng 300 tổ chức phản động người Việt lưu vong và hàng chục cơ quan đặc biệt, các tổ chức nước ngoài có hoạt động chống phá Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước thù địch với chế độ ta, các đài, báo, tạp chí như: BBC, AFP, Châu Á tự do,… các tổ chức khủng bố, phản động như Việt Tân, Việt Nam phục quốc, Quốc hận… Các thế lực thù địch đã tận dụng công cụ thông tin hiện đại - mạng internet để truyền bá các quan điểm sai trái, hành động chống phá chế độ ta với mức độ ngày càng quyết liệt. Có thể khái quát một số quan điểm thù địch trực tiếp và gián tiếp chống lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thể hiện ở số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội.
Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô, Đông Âu sụp đổ, một số cán bộ, đảng viên bi quan, hoang mang, dao động, niềm tin suy giảm, có những cán bộ cấp cao của Đảng mắc sai lầm về quan điểm thậm chí quay ngược lại, cá biệt có người từ bỏ lý tưởng, ý thức hệ, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó nhiều người trong số họ tham gia vào các hoạt động trái với quy định của Đảng, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để hoạt động dưới danh nghĩa các “tổ chức” thể hiện là người “cách tân”, là “xu hướng mới” để phê phán đường lối đổi mới của Đảng, Một số cán bộ, đảng viên đã từng giữ những cương vị, trọng trách trong lãnh đạo, quản lý, hoặc là những trí thức có uy tín khoa học nhưng lại tham gia vào các nhóm ký tên, gửi “ kiến nghị” trong đó có nhiều vấn đề trái với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Gần đây, khi góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị trình các kỳ Đại hội, nhất là chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, trong Đảng và xã hội vẫn có những người băn khoăn, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Họ cho rằng làm thế nào vượt qua được những thách thức nghiệt ngã và bảo vệ được thành quả cách mạng, liệu Đảng có thể tự bảo vệ mình để lãnh đạo Nhân dân ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
Các thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội đã vu cáo rằng: “Chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”2. Các lực lượng chống cộng, cơ hội chính trị thì thừa cơ ra mặt xuyên tạc, chống phá, họ tuyên truyền và kích động đổi mới phải là đổi hướng, phải từ bỏ chủ nghĩa xã hội, từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, đòi đa nguyên, đa đảng. Họ cố tình quy kết một cách sai trái những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình cải tạo xây dựng chủ nghĩa xã hội là do chủ nghĩa Mác-Lênin, do Đảng Cộng sản, do định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ý kiến khác cho rằng không cần phải định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ cần dân giàu, nước mạnh là được.
Thứ hai, xuyên tạc mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Do không nhận thức được tính khó khăn, phức tạp, lâu dài của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà nhiều người đã dao động, mất lòng tin, cho rằng chủ nghĩa xã hội đã bị sụp đổ cả trên bình diện lý luận và thực tiễn. Nhiều lý luận gia phương Tây cũng đã rêu rao rằng chủ nghĩa xã hội đã cáo chung, chủ nghĩa tư bản đã toàn thắng. Hoặc chủ nghĩa xã hội do nảy sinh trên một mảnh đất hoang nên đã sụp đổ, thế kỷ XX là thế kỷ chứng kiến sự ra đời và cả hồi kết của chủ nghĩa cộng sản.
Lại có những ý kiến cho rằng, tán thành định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng trong thực tế lại coi nhẹ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, họ muốn tất cả nền kinh tế cho bàn tay vô hình của kinh tế thị trường. Thực chất, đó là sự hướng tới chủ nghĩa tự do mới vốn đang thịnh hành ở phương Tây. Đã có rất nhiều các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, các thế lực thù địch là tìm mọi cách xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.
Mỗi khi Đảng ta tiến hành Đại hội toàn quốc bàn việc nước, việc dân, việc Đảng thì những phần tử cơ hội, chống đối, được sự tiếp tay, giật dây của các thế lực thù địch ở bên ngoài, trắng trợn đòi Đảng ta, Nhân dân ta nên từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Một số phe, nhóm cố tình khai thác, khoét sâu vào những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam, lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, giải quyết khiếu nại tố cáo… ở vùng dân tộc thiểu số để mua chuộc, lôi kéo những phần tử xấu gây mất ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội trên những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của Tổ quốc. Chúng núp dưới chiêu bài “dân chủ hóa”, hình thành “kênh phản biện” để cho ra đời các tổ chức đối trọng với các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đòi giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Các thế lực phản động ở trong và ngoài nước ra sức chống phá và chờ thời cơ thực hiện hành động lật đổ. Lực lượng thù địch lưu vong ra sách báo, lập đài phát thanh chống cộng, thực hiện chiến dịch “chuyển lửa về quê hương”, hy vọng “diễn biến hòa bình”, can thiệp, bạo loạn diễn ra ở Việt Nam.
Chúng đưa ra các kiến nghị nhiều hình thức, như “gửi thư”, “trao đổi”, “góp ý” kiến nghị vào những dịp Đại hội Đảng, sửa đổi Hiến pháp, với các thủ đoạn chia rẽ Đảng với Nhân dân; lôi kéo kích động, tách Nhân dân ra khỏi ảnh hưởng của Đảng bằng việc vu cáo vi phạm dân chủ, nhân quyền...; kích động luận điệu xuyên tạc về “phe phái trong Đảng”, rằng nhà nước, xã hội cần nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Thực chất, đó là ý đồ muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta vào quỹ đạo chủ nghĩa tư bản và dần dần lệ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc.
Thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước hơn 35 năm qua là bằng chứng sống động bác bỏ những toan tính của các phần tử chống đối, thù địch muốn Đảng và dân tộc ta từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chia rẽ sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đổi mới chính là đem lại nhiều giá trị của chủ nghĩa xã hội trong các lĩnh vực cho sự phát triển bền vững, cho từng con người. Vượt qua thách thức, Việt Nam đã đạt được những thành tựu bước đầu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”3.
Trong tiến trình đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta từng bước được hình thành, bổ sung, phát triển, hoàn thiện. Điều đó, được thể hiện tập trung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, được bổ sung, phát triển năm 2011. Cương lĩnh đã khái quát những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Nhân dân ta xây dựng, chỉ ra những phương hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội và những vấn đề lớn (những mối quan hệ biện chứng) cần phải nắm vững và giải quyết tốt. Văn kiện các kỳ Ðại hội Ðảng toàn quốc trong thời kỳ đổi mới đều bổ sung những nhận thức mới làm cho lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn. Vì vậy, Văn kiện Ðại hội XIII nhận định: "Tư duy lý luận của Ðảng có bước phát triển. Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển"4. Chúng ta tin tưởng rằng, Ðại hội XIII của Ðảng với những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng tạo được thể hiện trong 12 định hướng, các mục tiêu phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược sẽ đưa đất nước phát triển lên một giai đoạn mới trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn lại trong cuộc đấu tranh này vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập. Điều này được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chỉ rõ: Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Do vậy, trong thời gian tới để nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm phản diện sai trái, thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Kiên định mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành vũ khí lý luận sắc bén, luôn là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng ta.
Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã nêu rõ: "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"5.
Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Ðảng. Nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận trên cơ sở đúc kết thực tiễn, vận dụng có phê phán, có sáng tạo, tuyệt đối không được giáo điều, máy móc dẫn đến tình trạng xơ cứng trí tuệ, lạc hậu và sai lầm trong nhận thức và hành động.
Phải tôn trọng quy luật khách quan, coi sự phát triển của thực tiễn là yêu cầu, là cơ sở để đổi mới tư duy lý luận, đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước đều phải xuất phát từ thực tiễn. Ðể dân tin, dân ủng hộ, dân tích cực thực hiện đường lối đổi mới, Ðảng, Nhà nước phải giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các thể chế, thiết chế, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở phát triển.
Chú trọng công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý cấp chiến lược.
Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trang bị, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động kiến thức lý luận, góp phần khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chống nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao trách nhiệm và bản lĩnh trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; có giải pháp tích cực, cụ thể trong xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, quan tâm đến việc tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
Cần phải có sự kết hợp giữa sự giáo dục nghiêm túc của Đảng với tự tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dễ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực thù địch phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái và thù địch.
Cần chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình, xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, cương lĩnh đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội. Cần nhận diện từ sớm, chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, góp phần vô hiệu hóa sự tác động, ảnh hưởng của các quan điểm thù địch, độc hại. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền và giáo dục để tất cả cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng nhân dân kịp thời phát hiện, nhận rõ bản chất của những âm mưu, thủ đoạn, cùng những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động trong tình hình hiện nay.
Đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tình trạng tham nhũng, lãng phí, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là một trong bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra và đang quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, phải “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước... có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài... Đồng thời có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với Nhân dân”6.
Thường xuyên chăm lo công tác cán bộ và huấn luyện cán bộ. Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và của toàn bộ hệ thống chính trị. Chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, hoặc bao che, dung túng, tiếp tay can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiện nay.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 70.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, tr. 48.
3,4,5,6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 25-26, 74, 109, 178-179.
Nguyễn Thị Ngân
PGS.TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh