|
Bí thư Huyện ủy Bạch Thông (Bắc Kạn) Đỗ Thị Hiền (cán bộ luân chuyển) kiểm tra, chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới tại xã Cao Sơn.
|
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số kết hợp bồi dưỡng nâng cao kiến thức lý luận, thực tiễn là một trong những nội dung trọng tâm được nhiều cấp ủy, địa phương khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc triển khai từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tăng cường đào tạo, rèn luyện thực tiễn
Bắc Kạn là tỉnh khó khăn, thuộc vùng trung du và miền núi phía bắc, có bảy dân tộc chủ yếu sinh sống (Tày, Nùng, Kinh, Dao, H’Mông, Hoa và Sán Chay), số lượng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%. Hầu hết cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tỉnh luôn quan tâm công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, lấy chất lượng của cán bộ là đòn bẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tỉnh chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp, các lĩnh vực.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bắc Kạn đã xét cử 167 cán bộ, công chức đi học cao cấp lý luận chính trị, trong đó hệ tập trung 74 đồng chí, hệ không tập trung 80 đồng chí và 13 đồng chí học hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị. Trường Chính trị tỉnh đã mở chín lớp trung cấp lý luận chính trị cho 493 học viên. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã mở 1.276 lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý với tổng số 70.350 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia.
Năm 2022, Tỉnh ủy ban hành Đề án số 04 về “tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030”.
Thực hiện đề án này, nhiều giải pháp mới được triển khai, trong đó chú trọng đào tạo lý luận chính trị, điều động, luân chuyển để rèn luyện thực tiễn... Đến nay, Đề án số 04 cùng các giải pháp khác về công tác cán bộ đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là tỷ lệ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số tham gia công tác lãnh đạo quản lý các cấp được nâng cao: cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 ở cấp xã chiếm 23,93%; tham gia cấp ủy cấp huyện chiếm 22,06%; tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 21,27%.
Trong số này, hầu hết là cán bộ người dân tộc thiểu số. Nhiều đồng chí phát huy tốt năng lực, đóng góp vào thành tựu chung của địa phương nơi công tác. Từ vị trí Phó Bí thư Tỉnh đoàn, tháng 5/2023, đồng chí Ma Thị Mận được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm, huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn. Xa gia đình trong khi con còn nhỏ nhưng đồng chí đã nỗ lực sắp xếp để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Dù thời gian ngắn nhưng với ưu thế hiểu biết tâm lý, phong tục tập quán của nhiều dân tộc ít người, đồng chí đã nhanh chóng “bắt nhịp” công việc, được bà con tin yêu, công tác chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương có nhiều khởi sắc.
Tại Thái Nguyên, địa phương có hơn 50 dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu tại các huyện vùng cao, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Thái Nguyên quan tâm ngay từ khâu tạo nguồn cán bộ. Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn đội ngũ cán bộ cho vùng dân tộc thiểu số.
Trong đó, Quyết định số 39/QĐ-UBND được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành tháng 8/2021 quy định vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thuộc diện tuyển sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh là cơ sở quan trọng cho công tác tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho các trường dân tộc nội trú bằng 20% mức lương cơ sở để bảo đảm chi phí sinh hoạt cho các học sinh sinh hoạt tại nhà trường. Quyết định đi vào cuộc sống đã tăng cả số lượng và chất lượng nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc rất ít người.
Cũng tại Thái Nguyên, căn cứ điểm mạnh, yếu của đội ngũ cán bộ mà từng địa phương có giải pháp riêng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số. Năm 2021, huyện Đại Từ triển khai Đề án số 02 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo lãnh đạo huyện Đại Từ, điểm mới của đề án là Huyện ủy xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích công chức xã phấn đấu tham gia giữ các chức danh phó các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, từ đó tạo cơ sở phát triển. Cách làm này đã giúp chất lượng cán bộ lãnh đạo xã ngày càng cao, do công chức xã được đào tạo cơ bản, khi tham gia vào các tổ chức đoàn thể nhanh chóng nắm bắt công việc, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ. Hiện nay nhiều đồng chí công chức xã người dân tộc thiểu số đã phát huy tốt năng lực trở thành bí thư, chủ tịch UBND xã.
Cơ chế, chính sách tạo động lực
Do đặc thù hầu hết các địa phương có đông cán bộ người dân tộc thiểu số đều khó khăn về địa hình giao thông và đời sống kinh tế nên vẫn còn nhiều bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như tuyển dụng, quản lý...
Từ thực tiễn địa phương, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn đánh giá, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: thiếu kinh phí, cơ sở vật chất nên chưa tổ chức được nhiều lớp; hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho tỉnh còn hạn chế; công tác này còn thụ động theo nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức hoặc để đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; chưa có định hướng về đào tạo, bồi dưỡng ngành, lĩnh vực mũi nhọn hoặc ngành địa phương đang cần...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: thiếu kinh phí, cơ sở vật chất nên chưa tổ chức được nhiều lớp; hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho tỉnh còn hạn chế; công tác này còn thụ động theo nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức hoặc để đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; chưa có định hướng về đào tạo, bồi dưỡng ngành, lĩnh vực mũi nhọn hoặc ngành địa phương đang cần...
Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn
|
Tổng kết công tác năm 2023, Ủy ban Dân tộc đánh giá, tại khu vực dân tộc thiểu số, miền núi, hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, đặc biệt chất lượng cán bộ còn hạn chế, nhất là thiếu cán bộ người dân tộc thiểu số hoặc có nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn nhiều bất cập. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng đề án đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số chất lượng cao cho các địa phương.
Một thực tế nữa là tại nhiều địa phương dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ cán bộ trẻ giữ cương vị lãnh đạo quản lý còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng. Bắc Kạn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ trẻ là lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành và tương đương đạt từ 5% trở lên; đến năm 2030 đạt từ 15% trở lên, nhưng nhiệm vụ này đang vấp phải nhiều khó khăn.
Tại huyện Pác Nặm, từ năm 2022 tới nay, có bảy cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã xin nghỉ việc, mục đích chủ yếu là đi xuất khẩu lao động. Hiện tượng này khá phổ biến ở các huyện vùng cao không chỉ ở Bắc Kạn, Thái Nguyên nên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuyên môn và cả lộ trình quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số.
Khó khăn trong bố trí cán bộ trẻ cũng đang là điểm chung của nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), tỷ lệ cán bộ trẻ được quy hoạch cấp ủy, quy hoạch và đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan, đơn vị, nhất là các xã, thị trấn còn thấp.
Trong số 90 cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý diện không thuộc Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý thì chỉ có 12 cán bộ trẻ. Nguyên nhân là các quy định về độ tuổi nghỉ hưu tăng thêm, quy định về vị trí, thời gian công tác khi quy hoạch đối với lãnh đạo quản lý... Không những vậy, trong số cán bộ người dân tộc thiểu số, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số rất ít người thấp, thí dụ ở Thái Nguyên, Bắc Kạn số lượng cán bộ người H’Mông, Sán Chay... chỉ đạt dưới 5%. Đây thường là những địa bàn khó khăn, rất cần cán bộ cùng dân tộc để thuận lợi trong việc tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng đến với đồng bào.
Theo nhiều địa phương, cần có sự phân cấp, phân quyền cho các địa phương vùng đồng bào dân tộc, miền núi trong công tác đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số rất ít người nhằm tạo cơ chế linh hoạt để có thể chủ động thu hút nguồn cán bộ này.
Với các tỉnh miền núi và đồng bào dân tộc, cơ chế nguồn lực cũng là một động lực quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Đề án số 04 của tỉnh Bắc Kạn cũng đang vướng về nguồn lực do ngân sách địa phương hạn hẹp. Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn Hà Đức Tiến chia sẻ, trên cương vị Bí thư Huyện ủy nhưng là cán bộ luân chuyển, đồng chí vẫn nhiều khi phải loay hoay tìm nhà ở do không có nhà công vụ, chưa có chế độ thuê nhà... Đối với cán bộ luân chuyển từ huyện xuống xã, hay từ xã này sang xã kia càng khó hơn, bởi có nhiều xã cách nhau đến hàng trăm cây số đường rừng núi. Việc xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ phù hợp với đội ngũ cán bộ khu vực dân tộc miền núi nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng sẽ là nguồn động viên quan trọng giúp các cán bộ an tâm, gắn bó với địa bàn và nhân dân nơi công tác ■
Bài, ảnh: Văn Toán, Thế Bình và Tuấn Sơn/Theo Báo Nhân dân