|
Ủy ban Trung ương MTQT Việt Nam tổ chức hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. |
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng mạng xã hội facebook, zalo, tin nhắn điện thoại) để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một hình thức mang lại hiệu quả thiết thực, có tính lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Nhiều mô hình mới, cách làm hay đã xuất hiện, trong đó có mô hình Zalo “Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp (Phổ biến, giáo dục pháp luật)”. Mô hình này được xây dựng và đi vào hoạt động với mong muốn kịp thời cung cấp những kiến thức pháp luật, văn bản pháp luật mới liên quan đến người dân, góp phần đưa pháp luật đến mọi người, mọi nhà.
Zalo “Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp (Phổ biến, giáo dục pháp luật)” được mở rộng thành viên đến công chức Tư pháp - hộ tịch các xã, phường, thị trấn và hòa giải viên ở cơ sở. Sau khi nội dung thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật được cập nhật, công chức Tư pháp - hộ tịch chia sẻ đến tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại đơn vị mình, các hòa giải viên, từ đó lan tỏa đến các Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản và người thân, gia đình, nhân dân tại địa bàn mình đang sinh sống, giúp nội dung pháp luật được truyền tải tới nhiều người.
Qua thời gian thí điểm từ tháng 9/2021 đến nay, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật qua Zalo “Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp (Phổ biến, giáo dục pháp luật)” đã phổ biến được trên 70 nội dung hỏi đáp pháp luật, 4 chuyên mục Phổ biến, giáo dục pháp luật, 1 Chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống” và trên 10 video clip có liên quan đến các lĩnh vực như: Phòng, chống dịch COVID-19; pháp luật về bình đẳng giới, hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau thời gian thực hiện thí điểm, nhóm Zalo “Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp (Phổ biến, giáo dục pháp luật)” tại huyện Hồng Ngự đã được tất cả công chức Tư pháp - hộ tịch và hòa giải viên đồng tình; cho rằng đây là cách làm mới, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương hiện nay. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật này dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian, có thể thực hiện trong hoặc ngoài giờ làm việc hành chính; ít tốn kém nguồn nhân lực và cả kinh phí thực hiện so với việc phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức trực tiếp.
Ông Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp đánh giá, đây là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới, mang lại hiệu quả thiết thực, khắc phục tình trạng tuyên truyền quá nhiều nội dung cùng một lúc, trích dẫn quá nhiều văn bản khiến người dân khó hiểu, khó nhớ. Trong năm 2022, Sở Tư pháp sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh và có giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn qua thời gian thí điểm.
Tại Hà Nội, năm 2021, thành phố trải qua nhiều đợt giãn cách do dịch COVID-19. Trước khó khăn đó, thành phố đã linh hoạt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là giới thiệu các quy định liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, chú trọng tuyên truyền chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật hay xảy ra, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đối với người dân, như qua nhắn tin Zalo, qua loa truyền thanh, loa kéo, trang thông tin điện tử, truyền hình chạy chữ, trên phương tiện thông tin đại chúng, qua mô hình cầu thang pháp luật, qua mạng xã hội, phát hành tài liệu... Từ đó, đã tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn, giúp người dân hiểu, nắm rõ quy định pháp luật về phòng, chống dịch.
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) cho hay, công tác phổ biến pháp luật thời gian qua đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả như: Duy trì mô hình mỗi tuần một câu hỏi, một điều luật; Chương trình tiếng loa biên phòng tới từng thôn, bản trong đợt dịch COVID-19 (gắn loa vào xe máy đi tuyên truyền); Chương trình biên giới học đường - đối với các đơn vị gần cửa khẩu có các trường học thì bộ đội biên phòng phối hợp với trường học tổ chức các chương trình ngoại khóa để giới thiệu cột mốc quốc gia cho các em học sinh…
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc cho biết, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan tham mưu ban hành một số đề án như: Đề án tổ chức truyền thông chính sách để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai từ sớm, từ xa ngay trong quy trình đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản để định hướng, tạo dư luận xã hội để khi văn bản được ban hành sẽ mang hơi thở cuộc sống, tạo sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
|
Chiến sỹ biên phòng chở theo thùng loa tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 đã quen thuộc với người dân vùng biên giới Gia Lai. Ảnh tư liệu: Hồng Điệp/TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, bên cạnh triển khai bằng hình thức truyền thống, cần quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin để tạo kênh tuyên truyền tiết kiệm, hiệu quả. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần đầy đủ, toàn diện, vừa bảo đảm cập nhật các văn bản mới ban hành, vừa giúp giải đáp được các vấn đề pháp luật cụ thể cần áp dụng trong đời sống và sản xuất, kinh doanh, với phương châm lấy người dân làm trung tâm. Bộ Tư pháp cũng sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền trong thời gian tới.
Nguyên Ủy viên chuyên trách Ban Cải cách tư pháp Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Tất Viễn cho rằng, ở giai đoạn tới, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần có cái nhìn khác ở tầm cao hơn, yêu cầu cao hơn. Bên cạnh việc chú ý đến nhu cầu, đối tượng phổ biến để có phương thức phổ biến pháp luật phù hợp, đặc thù, cần quan tâm tới chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, huy động lực lượng có kiến thức, am hiểu pháp luật tham gia vào công tác này, sử dụng hiệu quả nguồn lực của hệ thống tuyên truyền, phải dân vận khéo hơn nữa, nhất là đối tượng yếu thế, dân tộc thiểu số…
Theo Phan Phương (TTXVN)