Những tư tưởng chỉ đạo toàn diện, có ý nghĩa chiến lược và tính thực tiễn sâu sắc

Trong những tháng ngày này, tình hình thế giới và trong nước đang có những chuyển động hết sức khẩn trương, phức tạp và khó đoán định.
 

Cuốn sách “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2019. Ảnh minh họa

Dồn dập không ít biến cố, sự kiện trên quy mô toàn cầu đang tác động đa chiều, trực tiếp đến tư tưởng, tâm trạng xã hội - cả tích cực và tiêu cực - trong nước. Niềm tin vào sự trụ vững và phát triển của đất nước đang ngày càng lan tỏa, được củng cố, dù rằng vẫn còn không ít tâm trạng trăn trở, lo lắng đang diễn ra, kể cả sự bi quan, lo ngại. Trong khi đó, âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, bằng các phương tiện cả thô sơ và hiện đại nhất đang diễn ra ngày càng tinh vi, thâm độc hơn.

Các nhiệm vụ kép không thể tách rời nhau trong những tháng ngày còn lại của năm 2020 phải thực hiện bằng được: đẩy lùi, ngăn chặn, vượt qua đại dịch Covid-19, tìm mọi phương sách để khôi phục nền kinh tế và chuẩn bị tâm thế, niềm tin cho toàn Ðảng, toàn dân phấn khởi tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII. Hơn bao giờ hết, vào lúc này, cần có một tiếng nói tỉnh táo, khoa học, sáng suốt tạo nên sự nhất trí, đồng thuận, đồng lòng, tin tưởng, đoàn kết để toàn Ðảng, toàn dân ra sức phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ nặng nề trên. Thật là vui mừng, đọc bài "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1- 9- 2020), tôi đã tìm thấy những lời giải đáp đầy sức thuyết phục đó. Với một giọng văn bình tĩnh, mực thước, sự trình bày rất cô đúc, mạch lạc, bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm cho chúng ta tĩnh tâm lại, giúp chúng ta nhìn nhận toàn diện hơn, sâu hơn những vấn đề lớn của đất nước, không chỉ ở thời hiện tại mà cả những chặng đường dài của dân tộc ta những năm sắp tới, đến giữa thế kỷ XXI. Từ tầm nhìn chiến lược đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định chắc chắn rằng, Ðại hội XIII sắp tới của Ðảng "sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Ðảng ta, dân tộc ta, đất nước ta", sẽ tạo nên một "bước ngoặt có tính lịch sử", "một giai đoạn phát triển mới" mà "không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước". Chỉ có một tình yêu sâu sắc đối với truyền thống yêu nước, ý chí vươn lên và sức mạnh nội sinh của dân tộc mới tạo nên niềm tin sắt đá đó trong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan của các thành tựu và những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm với những nhận định khách quan, khoa học, thẳng thắn là đặc điểm bao quát trong bài viết này. Tầm khái quát và tổng hợp cao là một đặc trưng nổi bật trong tư duy của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện trong các bài viết và nói của mình. Ở bài này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những "dấu ấn nổi bật" của những thành tựu rất quan trọng và sự phát triển nhanh, khá toàn diện trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Ðại hội XII của Ðảng. Bài viết chỉ ra bốn dấu ấn nổi bật về kinh tế, về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và đặc biệt về kết quả khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19... Ở mỗi dấu ấn trên, với tư duy khoa học và năng lực tổng hợp sâu sắc, tác giả đã cân nhắc rất thận trọng khi chỉ ra và khẳng định các kết quả đã đạt được. Thí dụ như, sau khi đánh giá "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm", "công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt, tích cực", từ đó, bài viết cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái... "từng bước được kiềm chế". Một nhận định như vậy là hết sức khách quan, biện chứng, trúng với thực tế, vừa chỉ ra kết quả đã đạt được, vừa xác định mức độ và nhắc nhở cần phải tiếp tục làm với "quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Những nhận định và quan điểm như vậy không chỉ hợp lòng dân mà còn là sự thấu hiểu lòng dân.

Sau khi chỉ ra những nguyên nhân tổng hợp, trực tiếp tạo ra các thành tựu trên, bài viết cho rằng, đó không chỉ là kết quả của 5 năm thuộc nhiệm kỳ Ðại hội XII (2016 - 2021), mà nhìn xa hơn, sâu hơn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định rằng "đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta". Cách nhìn đó là biện chứng, thấu tình đạt lý, vận dụng sâu sắc một nguyên tắc mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở: Kế thừa và phát triển. Quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ trên đã đưa đến một thành tựu mà đồng chí nhiều lần khẳng định và chứng minh rằng, "với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Một sự khẳng định như vậy giúp chúng ta củng cố niềm tin vào sự phát triển của đất nước hiện nay và những năm tới khi đứng trước những thời cơ và đặc biệt, những khó khăn, thách thức gay gắt và những vấn đề mới, có khi hoàn toàn mới, nảy sinh trong thực tiễn.

Việc đúc rút, tìm ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn sinh động, phong phú, phức tạp của những năm qua là hết sức cần thiết đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Có thể rút ra những bài học có tính nguyên tắc (như các văn kiện trước đây) và có thể tìm ra những bài học có giá trị thực tiễn để trực tiếp vận dụng, phát huy trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Năm bài học mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đúc rút trong bài viết này là sự tiếp tục khẳng định, đồng thời là sự bổ sung, làm sâu sắc hơn, mang giá trị thực tiễn cần phải vận dụng triệt để và sáng tạo trong hoàn cảnh mới với nhiều khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn do tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu khi bước vào nhiệm kỳ khóa XIII (2021 - 2025). Với tầm tư duy vừa chiến lược, vừa rất thực tiễn ấy, nội hàm của năm bài học đều chứa đựng những kinh nghiệm sâu sắc và rất cụ thể mà bất cứ người lãnh đạo nào, trong tương lai, đều phải nghiền ngẫm và tìm cách vận dụng hiệu quả nhất.  Ðọc nó, không phải để nói lại, để truyền đạt lý thuyết, mà để học cách thực hành, để làm, để sáng tạo.

Kết cấu bài viết này có một nét khác. Tác giả không đặt phần khó khăn, thách thức, hạn chế, khuyết điểm ngay sau phần thành tựu, kết quả, mà đặt nó trước khi trình bày phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Ðại hội XIII và giai đoạn sắp tới. Phải chăng, đó không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của tư duy thực tiễn. Thẳng thắn, khách quan chỉ ra 12 khó khăn, hạn chế, khuyết điểm trong những năm qua để cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ sẽ đảm nhận nhiệm vụ mới sau Ðại hội và toàn dân tỉnh táo, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn "để khắc phục cho bằng được" các khó khăn, hạn chế và khuyết điểm đó. Với năng lực tổng hợp, khái quát cao, thấu hiểu thực tiễn, bài viết đã chỉ ra rất cô đúc các khó khăn, hạn chế và khuyết điểm trên các lĩnh vực trọng yếu của đời sống đất nước, trong đó, tác giả rất chú trọng bốn lĩnh vực lớn: kinh tế, chủ quyền quốc gia, văn hóa và con người Việt Nam, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, quản lý nhà nước.

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một mục tiêu lớn của Ðại hội XIII sắp tới của Ðảng là "cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI", có nghĩa là khoảng 25 đến 30 năm, "Phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Ðể có thể đi tới - qua từng chặng đường cụ thể - đến được mục tiêu, khát vọng trên, vấn đề căn cốt, có ý nghĩa quyết định là phải xác định rõ các định hướng chiến lược chi phối toàn bộ quá trình ấy. Từ tầm nhìn đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dành phần quan trọng xác định các vấn đề lớn sau: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể, động lực và nguồn lực phát triển và nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công. Bốn nội dung trên vừa là kế thừa những tư tưởng chiến lược của Ðảng qua các kỳ Ðại hội trước, vừa là sự bổ sung, phát triển, hoàn thiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn và đáp ứng yêu cầu mới. Sau khi xác định tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt "là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng...", bài viết có hai khẳng định mới rất quan trọng, một là "không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động" và hai là "Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước". Ðó là kết quả của tổng kết thực tiễn và của sự vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng, hai khẳng định trên rất quan trọng và rất cấp thiết trong toàn bộ hoạt động của Ðảng và Nhà nước từ nay về sau. Không thực hiện được yêu cầu này tất yếu sẽ dẫn tới hoặc là cứng nhắc, giáo điều, bảo thủ hoặc là chệch hướng, lệch lạc, cơ hội và xét lại. Cả hai khuynh hướng đó đều rất nguy hại cho công cuộc đổi mới.

Không có động lực và nguồn lực sẽ không thể đổi mới tiếp tục và phát triển. Thời gian qua, chúng ta đã thảo luận nhiều về vấn đề hệ trọng này và đã có ý kiến cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, động lực của đổi mới đã có biểu hiện triệt tiêu. Hiểu thấu truyền thống, nắm vững thực tiễn, lắng nghe, chọn lọc các ý kiến trong bài viết của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, "Ðộng lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại". Nhìn vào lịch sử dân tộc, qua hàng nghìn năm lịch sử, ta nhận ra chân lý giản dị mà vô cùng sâu sắc: khi được phát huy, kích hoạt đến mức cao nhất các động lực và nguồn lực trên sẽ giúp cho dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn để trụ vững và phát triển. Giờ đây, để tiếp tục kinh nghiệm và truyền thống đó, "Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công" chính là Ðảng: xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Ðảng, là Nhà nước vững mạnh, tinh gọn và hiệu quả, hiệu lực trong chỉ đạo, quản lý... Quan điểm này được thể hiện bao quát và thấm sâu trong toàn bộ bài viết, đặt ra một yêu cầu, một đòi hỏi mang ý nghĩa lịch sử, Ðảng và toàn bộ hệ thống chính trị phải thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín mới có thể gánh vác được nhiệm vụ mới trước dân tộc và nhân dân. Trí tuệ và tâm huyết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng dành trọn vẹn cho nhiệm vụ này.

Sau khi làm rõ mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể hướng tới các dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước (2025, 2030, 2045), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phân tích vừa khái quát, vừa rất cụ thể nhiệm vụ, giải pháp để đạt tới các mục tiêu trên. Ðồng chí đã làm rõ năm nội dung lớn như tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện đúng, đầy đủ vấn đề quản lý phát triển xã hội bền vững, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Có thể nhận rõ ba đặc điểm lớn được thể hiện rõ ràng, minh bạch khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích các nội dung trên. Một là, đó là một hệ thống đồng bộ cần đồng thời chỉ đạo và triển khai. Hai là, tính thực tiễn, khả thi, khoa học và ba là, trong khi bảo đảm tính đồng bộ và tính thực tiễn đó, cần tìm ra và tập trung cho các khâu đột phá chiến lược. (Trong bài viết này, có tới chín lần, từ "đột phá" được nhắc đến khi bàn về các giải pháp). Sự thống nhất của ba đặc điểm đó thể hiện sáng rõ chất lý luận gắn chặt với tính thực tiễn trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Trong các kỳ Ðại hội IX, X và XI, tôi được là thành viên trong Tổ biên tập Văn kiện Ðại hội. Khi đó, với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trực tiếp phụ trách Tổ biên tập. Trong quá trình chuẩn bị Văn kiện Ðại hội X,XI, đồng chí là người đầu tiên đề xuất và kiên trì chỉ đạo việc nghiên cứu và đưa vào văn kiện "phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn" (Văn kiện Ðại hội XI). Sau khi chỉ ra tám mối quan hệ lớn, văn kiện còn khẳng định một yêu cầu quan trọng: "Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí". Trong những năm qua, với tư cách là Tổng Bí thư, đồng chí nhiều lần nhắc lại quan điểm này và soi sáng nhiều vấn đề mới thực tiễn đặt ra dưới tầm nhìn biện chứng trên. Từ đó, qua tổng kết tiến trình 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh... đồng chí tiếp tục nhấn mạnh, cần nhận thức sâu sắc hơn, cần bổ sung, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các mối quan hệ về mặt tư tưởng, lý luận. Trong bài viết này, cùng với việc tiếp tục làm rõ hơn nội hàm của tám mối quan hệ đã được khẳng định trong các nhiệm kỳ trước, từ việc lắng nghe, chọn lọc các ý kiến và phân tích thực tiễn mới, đồng chí đã đề xuất bổ sung hai mối quan hệ mới: giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. 10 mối quan hệ đó đã bao quát tất cả các lĩnh vực cơ bản của sự phát triển, và từ kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của mình, đồng chí khẳng định đó là "các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới ở nước ta". Ðây là một trong những thành tựu tư duy lý luận trên cơ sở vận dụng sáng tạo phép biện chứng mác-xít và tổng kết sâu sắc thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta. Và vì vậy, đó không chỉ là một tư tưởng lý luận mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc, do đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu "phải nhận thức đầy đủ, thật sự thấm nhuần, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả".

Bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất kịp thời, đáp ứng nhu cầu và mong ước của đảng viên và quần chúng vì đó là những tư tưởng chỉ đạo toàn diện, vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc.

Theo GS, TS Đinh Xuân Dũng/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều