Dự án Cát Linh - Hà Đông là dự án nhiều tai tiếng vì đội vốn và chậm tiến độ. Ảnh: TRẦN VƯƠNG.
31% người dân ở Hà Nội tin rằng lệnh cấm sẽ xảy ra vào năm 2030, còn tại TPHCM chỉ khoảng 12%. Đây là kết quả nghiên cứu của TS Vũ Anh Tuấn, thuộc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức căn cứ vào những khảo sát thực tế của người dân. Và, con số này được công bố tại Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam (VAMM) và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về ATGT năm 2018.
Tính trung bình chỉ có 28% số người dân tin sẽ có lệnh cấm xe máy vào 2030.
Cần phải mở ngoặc nói về một con số khác: năm 2017, một kết quả khảo sát tương tự của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (TDSI) cho biết có đến 90% người dân ủng hộ cấm xe máy vào năm 2030.
Vnexpress dẫn lời TS Vũ Anh Tuấn giải thích sự chênh lệch quá cao trong các nghiên cứu là do: Cách tiếp cận của hai nghiên cứu là khác nhau nên cho ra kết quả khác nhau. TDSI khi hỏi ý kiến của người dân đưa ra giả thuyết năm 2030 giao thông công cộng phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu con người nên đa số người dân ủng hộ cấm xe máy. Trong khi khảo sát của Tiến sĩ Tuấn “dựa trên tình hình giao thông thực tế” nên kết quả trái ngược.
Chúng ta đang ở đâu? Ở cuối năm 2018, cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Chúng ta cách thời hạn cấm mục tiêu chỉ hơn 11 năm.
Chúng ta đang có gì nào? chúng ta chưa có bất cứ một tuyến metro ngầm nào, và ở nhiều TP, loại hình giao thông này gần như không thể làm được nữa do mật độ xây dựng đã... kín mít. Chúng ta cũng chưa hề có tàu điện trên cao. Còn buýt nhanh, nó tệ đến mức gần như khai tử khi chỉ vừa khai sinh.
Chúng ta, cách hạn cấm 11 năm và chẳng hạn Sun Group chỉ tốn 1 năm để làm một cái sân bay, chẳng hạn Vin Group chỉ cần 12 tháng để xây dựng cả một tổ hợp sản xuất ô tô thì chúng ta đang mất gần 11 năm cho tuyến đường sắt trên cao đầu tiên ở Thủ đô.
Giữa 90% ủng hộ chủ trương cấm xe máy và 12% tin lệnh cấm đó được thực hiện là một khoảng cách vời vợi về niềm tin, nhưng không có gì mâu thuẫn cả. Bởi nó chỉ khẳng định những gì người dân nhìn thấy trong cách làm của chúng ta. Có ở đâu mà một dự án đội vốn 500-600%, kéo dài hơn cả một thập kỷ?
Với cách làm ấy, với tầm nhìn quy hoạch như hiện nay, chúng ta liệu có cấm nổi không mà lại đi hỏi ý kiến dân?
Theo Anh Đào/Báo Lao động