Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó bắt nguồn từ khí thiêng sông núi, từ sức mạnh lưu truyền Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Cách mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ... từ những nguyên lý cách mạng sáng ngời của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị, quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí, quyết tâm của quân và dân ta. Đồng thời, thắng lợi đó cũng là biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
 Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng. Ảnh: TTXVN
CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM - CỘI NGUỒN SỨC MẠNH TRONG ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975

Đánh giá về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi sâu vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”(1). Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước; là chiến thắng của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Mỹ. Đại thắng mùa xuân 1975 là kết quả của quá trình phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sự giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội được hun đúc từ hàng ngàn năm, được hội tụ và lan tỏa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng - giá trị, sức mạnh văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh tỏa sáng rực rỡ trong suốt cuộc đấu tranh giành độc lập và được phát huy cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Do đó, chỉ có thể nhìn nhận đầy đủ giá trị, sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 khi gắn với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Đội hình hành quân của Trung đoàn 280 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1975. Ảnh tư liệu 
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được hội tụ từ chính những thử thách khắc nghiệt trong đấu tranh chống ngoại xâm và chinh phục tự nhiên của dân tộc ta. Nó đã hun đúc cho dân tộc Việt Nam bản lĩnh can trường sau hàng ngàn năm bị phong kiến nước ngoài đô hộ, đồng hóa và đến hàng trăm năm bị đế quốc, thực dân nô dịch. Đồng thời, đó là hệ quả tất yếu của quá trình giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả của sự giáo dục đó đã kết tinh thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh to lớn gúp cho dân tộc Việt Nam vượt qua được những khó khăn, thử thách, vươn lên giành chiến thắng. Vào những thời điểm khắc nghiệt và cam go nhất, nhờ có sự giáo dục đó, bản lĩnh Việt Nam được phát huy cao độ bằng những hành động anh hùng của những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh thăng hoa thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhờ có chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, dân tộc ta đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về vật chất trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Đây cũng là quá trình giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố vật chất và nhân tố chính trị - tinh thần tạo nên sức mạnh vô địch để quân và dân ta khắc phục những khó khăn, ác liệt, nghiệt ngã của chiến tranh để tạo nên những hành động phi thường. Chính chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã tạo nên một Ngô Thị Tuyển với vóc người nhỏ bé có thể vác nổi trên vai mình hai hòm đạn pháo có sức nặng gấp đôi trọng lượng thân thể; về một Mẹ Suốt can trường trên dòng Nhật Lệ giữa mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ để chèo đò đưa bộ đội qua sông và những chị Út Tịch với tinh thần chiến đấu anh dũng “còn cái lai quần cũng đánh”; những con người đã hi sinh cả xương máu, tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Và có rất nhiều chiến sĩ bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng, một dạ kiên trung với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân quyết không khai báo để giữ bí mật cho tổ chức, bảo vệ đồng chí, đồng đội. Và chỉ có chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam mới làm nên tiểu đoàn 9 sư đoàn 320 chỉ trong một đêm (16 tháng 3 năm 1975) đã chạy bộ, vận động băng rừng hàng trăm km từ bắc Buôn Mê Thuột đến đông thị xã Cheo Reo (Phú Bổn) kịp thời chặn đầu địch khi chúng rút chạy trên đường số 7. Chính Rôbớt-Mc-Namara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải thừa nhận rằng: Mỹ đánh Việt Nam nhưng không hiểu gì về lịch sử, văn hóa, con người, dân tộc Việt Nam… Vì vậy, Việt Nam đã thắng Mỹ(2). Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam chính là văn hóa Việt Nam - cội nguồn của chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975 lịch sử.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã hun đúc, hội tụ thông qua thành tài thao lược của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là bản lĩnh kiên cường của một Đảng được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và được tin tưởng, ủng hộ toàn dân; đã xây dựng và củng cố được thế trận lòng dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với một ý chí sắt đá, phải “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” đã xây dựng quyết tâm chiến lược chính xác trên cơ sở tư duy chính trị và tư duy quân sự hết sức khoa học và nhạy bén; đã chỉ đạo sát sao, linh hoạt, kịp thời trong toàn bộ quá trình của cuộc kháng chiến và trong từng chiến lược, chiến dịch để đi đến ngày toàn thắng.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã xây dựng nên một Quân đội nhân dân với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, với kỷ luật tự giác và nghiêm minh. Mặc dù trang bị vũ khí còn thiếu thốn nhưng nắm vững học thuyết chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao, quyết tâm, ý chí chiến đấu với tinh thần: “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “cuộc đời đẹp nhất là trên trận chiến chống quân thù”. Trong cuộc Tổng tiến công đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, kiên quyết chấp hành mệnh lệnh tiến công, dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu, thần tốc, táo bạo và sáng tạo trong cách đánh… Đặc biệt, với ý chí, quyết tâm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, Quân đội ta đã cùng với nhân dân miền Nam đã làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nước nhà được thống nhất, độc lập cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên cả nước ta hoàn thành trọn vẹn.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã đoàn kết, thống nhất nhân dân 2 miền Nam - Bắc luôn anh dũng, kiên cường, bất khuất nhất tề đứng lên đấu tranh chống bọn cướp nước và bè lũ bán nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân miền Bắc không tiếc máu xương, của cải, vật chất với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “xe chưa qua, nhà không tiếc” tất cả để giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã chi viện sức người sức của cho tiền tuyến suốt 21 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và trước trận quyết chiến cuối cùng, thực hiện lời kêu gọi của Đảng, của Tổ quốc của Miền Nam ruột thịt đã viên con em mình không quản hi sinh, lên đường ra mặt trận; nhiều học sinh, sinh viên đã “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu; công nhân, nông dân Miền Bắc luôn “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng” vừa tích cực sản xuất để chi viện cho chiến trường Miền Nam, vừa kiên cường bảo vệ thành quả cách mạng. Đặc biệt, thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng, từ đầu năm đến tháng 4 năm 1975, hơn một trăm ngàn con em nhân dân miền Bắc đã lên đường ra trận - giải phóng miền Nam. Nhân dân các địa phương toàn miền Nam kiên cường bất, khuất suốt cuộc khánh chiến, khi cuộc tổng tiến công nổ ra, đã dũng cảm nổi dậy phối hợp cùng các lực lượng vũ trang đập tan bộ máy ngụy quyền, thiết lập chính quyền cách mạng, giải phóng quê hương.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được kết tinh, hun đúc và liên tục tỏa sáng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ở bất cứ đâu, khi nào Tổ quốc bị lâm nguy thì chủ nghĩa anh hùng Việt Nam lai được phát huy và vươn lên tầm cao mới. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời và rất quan trọng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và được vươn lên tầm cao mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời đại Hồ Chí Minh. Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam tiếp tục được phát huy với những tính chất, nội dung, điều kiện mới, tạo nên bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh dân tộc trong thời kỳ mới.

PHÁT HUY CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

Quán triệt và thực hiện quan điểm Đại hội XIII của Đảng: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đối mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, sự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”(3), đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời kỳ mới nhằm “Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của ghời đại” và “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh và của nền văn hóa, con người Việt Nam”(4).

Để làm được điều đó cần tiến hành một số nội dung sau đây:

Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng truyên truyền, giáo dục để biến  chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong đấu tranh cách mạng thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; tiếp tục tạo thế và lực để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên mặt trận mới này, đất nước và dân tộc cần ở mỗi người và mỗi tập thể một tinh thần, một hành động xả thân, một lòng dũng cảm, một đức hy sinh mới, trước hết ở trí tuệ, ở ý chí vươn lên. Đồng thời, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hai là, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đây là nội dung cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đồng thời là một nội dung rất quan trọng để phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời kỳ mới.

Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt ngày 7-5-1975. (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN) 
Đặc biệt coi trọng việc kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Đa dạng hóa nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nhiều cấp độ, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực và mỗi tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có nhiệt huyết và tầm cao về lý luận; xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ. Tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm điều kiện làm việc để người tài chuyên tâm, nỗ lực đóng góp vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để phát hiện sớm, ngăn chặn tận “gốc” nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các trang mạng độc hại. Đồng thời, xây dựng mới các trang mạng, báo chí có nội dung đấu tranh của ta bám sát thực tiễn, tuyên truyền sâu rộng với lập luận sắc bén, “chắc tay”, thuyết phục về các thành tựu phát triển của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các định hướng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu để định hình, thiết lập hệ thống luận cứ, luận điểm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chú ý nhận diện những vấn đề mà các thế lực thù địch tập trung chống phá để xây dựng luận cứ khoa học thuyết phục, phục vụ và trực tiếp đấu tranh phản bác. Tăng cường tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận; trong đó, chú trọng bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề lý luận mới về: chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới... Nghiên cứu trên quan điểm khách quan, khoa học những tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiến bộ để chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Ba là, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về những gương lao động sáng tạo, những điển hình tiên tiến, những cá nhân và tập thể anh hùng trong thời kỳ đổi mới để nhân rộng. Cùng với đó, kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường nắm bắt, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuân cao trong xã hội. Kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời, tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tạo động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. 

Theo TS. Nguyễn Đình Tương-Hoàng Mạnh Anh/Tạp chí Tuyên giáo

-------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội lần thứ IV của Đảng, Nxb Sự thật, H. 1977, tr. 5 - 6.

(2) Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Nxb CTQG, H. 2000, tr.364 - 365.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 109.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 110.

 

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều