Những giá trị gia đình truyền thống căn cốt luôn được gìn giữ và phát huy
Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo việc xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tại Đại hội VIII, Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”(1). Đến Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”(2). Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3). Ngày 20-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Đề án Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 nhằm phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình. Đến năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” nhằm tạo ra bước phát triển mới trong xây dựng quan hệ ứng xử trong gia đình, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình; xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm và chúc tết các gia đình có người thân hiện đang phải đi cách ly tại tổ dân phố số 10 và 11, Nhà máy Z153, Cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội)_Ảnh: TTXVN |
Thực hiện quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam tiếp tục được bồi đắp, gìn giữ, trao truyền và lan tỏa. Trước những biến đổi của đời sống xã hội, gia đình Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại. Trong gia đình hiện nay, “các giá trị truyền thống được coi trọng và ưu tiên lựa chọn nhiều hơn giá trị hiện đại. Tính riêng các giá trị truyền thống thì những giá trị có cội nguồn từ văn hóa bản địa có sức sống trường tồn hơn các giá trị vay mượn từ bên ngoài”(4). Những giá trị truyền thống, nhất là những giá trị đạo đức, chuẩn mực ứng xử trong gia đình, trong cộng đồng vẫn tiếp tục được mọi người cũng như từng gia đình kế thừa, tiếp thu và phát huy. Trong đó, sự yêu thương và chia sẻ vẫn là giá trị truyền thống nổi bật chi phối mối quan hệ giữa các thành viên trong cả gia đình truyền thống lẫn hiện đại. Với gia đình Việt Nam, chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc gia đình không phải là sự sang giàu về vật chất, mà là tình nghĩa, sự gắn bó, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Mỗi người Việt Nam, dù có đi bốn phương trời, già hay trẻ, ở bất cứ cương vị nào đều hướng về gia đình, khát khao được yêu thương, chia sẻ. Cuộc sống dù có những biến đổi, nhưng gia đình vẫn là một tổ ấm yêu thương, một phần thiêng liêng không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người, là động lực tinh thần to lớn để mỗi người nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Trong quan hệ vợ chồng, tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận vừa là chuẩn mực đạo đức, vừa là yêu cầu, nguyên tắc cơ bản. Các cặp vợ chồng cũng luôn chú trọng đến sự thủy chung, coi đây là chuẩn mực, tiêu chí hàng đầu trong quan hệ hôn nhân. Đồng thời, sự hòa thuận vợ chồng, “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn” cũng là một yếu tố đặc biệt quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình. Cái tình, cái nghĩa gắn kết vợ chồng trong mọi hoàn cảnh và nhiều khi trở thành sợi dây níu giữ những cặp vợ chồng đứng trước nguy cơ tan vỡ. Dù cuộc sống hiện đại có những khó khăn, trắc trở, nhưng mỗi cặp vợ chồng đều chú trọng gìn giữ sự thủy chung, tình nghĩa và hòa thuận, tạo nên sức mạnh to lớn để gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, cùng nhau xây đắp hạnh phúc và tương lai.
Trong mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, chuẩn mực ông bà, cha mẹ nhân từ, con cháu hiếu thảo là nét đặc trưng văn hóa của gia đình Việt Nam. Trong bất cứ thời kỳ nào, “từ” cũng là điểm xuất phát, là cơ sở để hình thành “hiếu”. Sự yêu thương, chăm sóc, dạy bảo con cháu luôn là tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bậc ông bà, cha mẹ; đồng thời, sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà trở thành thước đo quan trọng đạo đức, nhân cách sống của mỗi người. Ông bà, cha mẹ luôn yêu thương, giúp đỡ chăm lo tiền đồ và hạnh phúc cho con cháu. Để xứng đáng với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, đạo làm con không chỉ kính trọng, yêu thương, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà, mà còn phải phấn đấu tu dưỡng bản thân, không ngừng học tập vươn lên, mang lại vinh dự, tự hào cho gia đình.
Trong quan hệ anh, chị, em, sự hòa thuận, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau là giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Quan hệ anh chị em là mối quan hệ lâu dài, sâu nặng, gắn liền suốt đời mỗi con người. Đây là tình cảm hai chiều, anh, chị, em trong gia đình phải yêu thương, gắn bó, hòa thuận, đùm bọc, che chở cho nhau. Trong đó, “hòa thuận” được coi là yêu cầu, chuẩn mực hàng đầu, nghĩa là phải luôn yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không xích mích, tranh giành quyền lợi với nhau ngay cả khi đã có gia đình riêng, cuộc sống riêng. Hòa thuận không chỉ là nhu cầu nội tại của mối quan hệ giữa anh - chị - em mà còn là yêu cầu, mong muốn của cha, mẹ, họ hàng. Dù xã hội có nhiều biến đổi, nhưng sự hòa thuận, gắn bó keo sơn, bền chặt giữa những người ruột thịt vẫn giữ vị trí cao trong hệ giá trị xã hội. Dù giàu có hay nghèo khó về vật chất, nhưng anh chị em vẫn giữ trọn tình nghĩa với nhau, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với quan hệ gia đình, gia đình Việt Nam luôn đề cao ý thức cộng đồng, chú trọng đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng và xã hội. Mỗi gia đình luôn gắn bó chặt chẽ với làng xã, cộng đồng và đất nước. Nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi gia đình, không chỉ xoay quanh những nhu cầu và lợi ích của các thành viên trong gia đình mà còn là với làng xã và rộng hơn là dân tộc. Mỗi gia đình luôn coi trọng tình cảm họ hàng, dòng tộc, trọng tình nghĩa, sống chan hòa trong tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “lá lành đùm lá rách”... Gia đình gắn bó mật thiết với cộng đồng và Tổ quốc là nét văn hóa tốt đẹp mà đến nay vẫn luôn được các gia đình chú trọng gìn giữ, vun đắp.
|
Trao truyền những giá trị văn hóa cho đời sau_Ảnh: S.T |
Đặc biệt, để trao truyền giá trị truyền thống và xây dựng gia đình, mỗi gia đình Việt Nam luôn coi trọng giáo dục, coi đây là nền tảng đầu tiên, liên tục và lâu dài tác động đến sự hình thành, phát triển nhân cách con người. Dù hiện nay “nhịp sống số” đang làm thay đổi đáng kể nhu cầu, lối sống của con người nhưng phần lớn các gia đình ở nước ta vẫn dành sự quan tâm đến giáo dục gia phong, gia lễ, gia đạo. Các bậc ông bà, cha mẹ luôn răn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải, biết giữ gìn hòa khí, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, dòng họ; gắn bó với làng xã; đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Đồng thời, mỗi gia đình luôn đề cao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người; chú trọng giáo dục đức tính cần cù, chịu khó trong lao động và ý chí khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nhiều gia đình đã quan tâm thực hành văn hóa truyền thống gia đình vào dịp lễ tết, duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình, làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ từ truyền thống được trao truyền một cách tự nhiên cho thế hệ trẻ; góp phần hình thành lối sống lành mạnh, xây dựng và phát triển nhân cách con người; gìn giữ, phát huy cốt cách của con người Việt Nam, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
Những biến đổi trước tác động mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại
Đời sống xã hội ở nước ta đang có nhiều biến đổi sâu sắc, toàn diện trước tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Trước sự tác động đó, giá trị truyền thống của gia đình cũng không tránh khỏi những biến đổi. Trước đây, mọi người đều có chung một mơ ước xây dựng gia đình “tam tứ đại đồng đường”, nhưng hiện nay ước mơ này không còn mang tính phổ biến. Sự thủy chung trong quan hệ vợ chồng dù vẫn được đề cao, nhưng không chỉ xuất phát từ yêu cầu sinh tồn của gia đình, mà sự thỏa mãn nhu cầu tâm lý - tình cảm của cá nhân ngày càng được coi trọng. Đồng thời, thay cho sự gia trưởng trước đây, sự dân chủ và bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình được đề cao, phù hợp với xu hướng phát triển của gia đình hiện đại.
Điều đáng chú ý là, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự tiếp nhận thiếu chọn lọc lối sống bên ngoài, một số giá trị truyền thống trong gia đình đang bị mai một và biến dạng. Mối quan hệ giữa các thành viên trong một số gia đình đang trở nên lỏng lẻo và thiếu gắn kết. Trước tác động trái chiều của công nghệ thông tin, giao tiếp trực tiếp của những thành viên trong gia đình có chiều hướng suy giảm, dẫn đến có chiều hướng tăng hiện tượng cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Mối quan hệ vợ chồng có những lúc, những nơi bị biến đổi theo chiều hướng xấu; sự thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận vợ chồng có biểu hiện suy giảm; quan hệ hôn nhân của một số gia đình trẻ trở nên dễ vỡ, do bị chi phối bởi lối sống cởi mở, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất, làm cho tỷ lệ ly hôn có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu có biểu hiện thiếu gắn kết, do không gian sống và giao tiếp gia đình thu hẹp, nhu cầu, sở thích cá nhân được đề cao. Không ít người làm cha, làm mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm, không chăm lo cho thế hệ tương lai và cũng có không ít nghịch cảnh con cháu thiếu trách nhiệm với cha mẹ, ông bà, bất hiếu, bất nghĩa. Quan hệ anh em cũng nảy sinh những bất ổn, có khi chỉ vì đồng tiền, lợi ích nhỏ nhoi, tầm thường mà đánh mất tình nghĩa anh em ruột thịt. Do những tính toán thiệt hơn, vun vén lợi ích cá nhân đã làm cho tình làng, nghĩa xóm có phần giảm sút.
Một số gia đình không chú trọng đến giáo dục, hoặc có quan tâm nhưng lúng túng cả về nội dung và phương pháp, gây ra nhiều hệ lụy, nhất là sự xuống cấp của đạo đức gia đình và xã hội. Thực tế những năm gần đây cho thấy, số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm tới 18% - 20%, có vụ việc chỉ vì lợi ích kinh tế hoặc những mâu thuẫn, xích mích nhỏ. Điều đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa tội phạm giết người thời gian gần đây, khi có tới 60% đối tượng ở độ tuổi dưới 30(5)... Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi(6). Những hiện tượng đó đang rung lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với mỗi gia đình và cả xã hội, bởi hệ hụy mà nó gây ra là vô cùng đau xót, nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách con người Việt Nam hiện đại.
|
Gia đình là nơi gìn giữ văn hóa dân tộc_Ảnh: S.T |
Tiếp tục phát huy giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Trước thực tế nêu trên, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục chủ trương: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”(7) nhằm góp phần xây dựng “gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”(8). Nhằm góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường nghiên cứu và tuyên truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(9). Tuyên truyền, phổ biến những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong và văn hóa ứng xử trong gia đình và trong cộng đồng, giúp mỗi gia đình thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại. Thực hiện đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác gia đình; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội trong tuyên truyền phổ biến các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, các mô hình gia đình văn hóa. Đặc biệt, cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương tiện truyền thông, thông tin hiện đại để tuyên truyền, giáo dục giá trị truyền thống của gia đình phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi, từng đối tượng.
Hai là, tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Cụ thể hóa và tập trung “khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức, thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”(10), gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với xây dựng gia đình và công tác gia đình, nhất là hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”;... “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau””(11). Mặt khác, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của văn hóa xấu, độc. Thực hiện hôn nhân tiến bộ trên cơ sở tình yêu chân chính và tự nguyện, xây dựng gia đình dân chủ, bình đẳng, hòa thuận, yêu thương và chia sẻ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với công tác gia đình, trong đó tập trung hoàn thiện tổ chức, bộ máy, tăng cường sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chuyên trách, cán bộ ở cơ sở.
Ba là, chú trọng thực hành giáo dục gia đình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới. Cần “đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(12), đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình theo Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 29-3-2017, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc đẩy mạnh giá trị đạo đức, truyền thống trong gia đình”. Trong đó, “tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc,... ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội”(13). Đồng thời, “đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(14). Với tinh thần “gạn đục, khơi trong”, mỗi gia đình cần tăng cường giáo dục gia phong, nếp sống, lối sống tốt đẹp, văn minh cho các thành viên nhằm góp phần hình thành, phát triển con người Việt Nam thời kỳ hội nhập, trao truyền và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Mỗi bậc ông bà, cha mẹ cần chú trọng làm gương cho con cháu thông qua thái độ, cách thức ứng xử hằng ngày đối với người thân, họ hàng, hàng xóm láng giềng và xã hội. Thông qua việc tổ chức cuộc sống gia đình một cách có nền nếp, các thế hệ đi trước truyền thụ cho con cháu những nét đẹp văn hóa gia đình, bồi dưỡng nhân cách văn hóa cho mỗi người. Tăng cường nhân rộng mô hình “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm gắn kết các thành viên gia đình, nâng cao trách nhiệm của mỗi thành viên trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, chú trọng tổ chức thực hành văn hóa trong các sự kiện quan trọng, như ngày giỗ, tết,... để tạo sự gắn kết, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại.
|
Giây phút hạnh phúc_Ảnh: Vũ Dũng |
Bốn là, tăng cường xây dựng đời sống văn hóa theo hướng tôn vinh giá trị truyền thống của gia đình, cộng đồng và dân tộc. Gắn xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào cuộc sống theo chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tránh tình trạng hình thức; xây dựng nếp sống văn hóa từ các gia đình đến khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Chú trọng xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”,... tạo môi trường tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình. Tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Ngày Gia đình Việt Nam với những chủ đề thiết thực. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thông tin ở cơ sở; khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư. Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia vào xây dựng văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng. Thường xuyên nêu gương, khen thưởng cho những gia đình mẫu mực; đồng thời, lên án, đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn, tạo dư luận trong cộng đồng, góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi gia đình.
Giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là sự kết tinh của văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc, chi phối nhận thức và hành vi của mỗi thành viên trong gia đình, đặt nền móng cho sự phát triển của gia đình trong hiện tại và tương lai. Trong xã hội hiện đại, những giá trị truyền thống của gia đình vẫn tiếp tục được bồi đắp và lan tỏa, là yếu tố nội sinh tạo nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, một số giá trị truyền thống đã có những biến đổi nhất định, một số giá trị đã và đang bị mai một hoặc biến dạng. Vì vậy, mỗi gia đình và toàn xã hội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vấn đề này, chủ động phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh, để gia đình thật sự là tế bào lành mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới./.
----------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 112 - 113
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 128
(3) Quyết định số 629/QĐ-TTg, ngày 29-5-2012, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”
(4) Lê Ngọc Văn, Mai Văn Hai, Đặng Thị Hoa, Bùi Thị Hương Trầm: Hệ giá trị gia đình Việt Nam từ hướng tiếp cận xã hội học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 129
(5) https://nhandan.com.vn/dien-dan/phat-huy-gia-tri-truyen-thong-tot-dep-tu-trong-gia-dinh-617394/
(6) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khi-toi-pham-ngay-cang-tre-375448
(7), (8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.143, 144, 143
(10), (11), (12), (13), (14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: Sđd, t. I, tr. 144, 70, 144, 143.
Theo NGUYỄN VIỆT TIẾN/Tạp chí Cộng sản