|
Ảnh minh họa.
|
“PHỤ NỮ TA CHẲNG TẦM THƯỜNG...”
Ở bất cứ thời kỳ nào, phụ nữ Việt Nam cũng luôn mang trong mình những nguồn năng lượng to lớn, tạo nên sức mạnh vĩ đại, góp phần xây dựng, bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(1); “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”(2). Người cũng nhấn mạnh, sự nghiệp giải phóng phụ nữ phải luôn gắn liền với giải phóng loài người, giải phóng xã hội và giải phóng dân tộc: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”, “nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”.
Cũng từ quan điểm đó mà những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh cho Đảng và nhân dân ta luôn có sự gắn kết giữa sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH): “Nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng CNXH mới chỉ một nửa”, “muốn xây dựng CNXH, nhất định phải sản xuất ra cho thật nhiều của cải, mà muốn sản xuất ra nhiều của cải phải có nhiều sức lao động, muốn có nhiều sức lao động phải giải phóng lao động của phụ nữ”, “để xây dựng CNXH thì phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”. Tư tưởng về giải phóng phụ nữ của Hồ Chí Minh có xuất phát sâu sắc từ nhận thức, hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lê nin cũng như vai trò của phụ nữ trong lịch sử loài người.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Đồng thời, Người chỉ rõ: “Dưới CNXH, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực”. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (19/10/1966), Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè thế giới. Không chỉ đẹp ở thiên chức làm vợ, làm mẹ mà còn luôn xứng đáng với tám chữ vàng mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
|
Không chỉ đánh giá cao vai trò phụ nữ, Hồ Chí Minh còn hiểu rất rõ năng lực, tiềm năng của phụ nữ Việt Nam. Người nói: “Từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhưng một tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều”. Người khẳng định toàn Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội “phải kính trọng phụ nữ”, “phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ”, “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”. Theo Người, muốn có sự bình đẳng thật sự đối với phụ nữ thì không chỉ trông chờ vào người khác mà “bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Ngay từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định quan điểm “Nam, nữ bình quyền”. Trong hơn 94 năm qua, quan điểm đó luôn được quán triệt trong các Văn kiện, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nghị quyết Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thày đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”.
Tại Đại hội XIII của Đảng, Báo cáo chính trị nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”(3). Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ trong các kỳ đại hội trước, thể hiện rõ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng này; đồng thời, khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.
Trong suốt tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước đã đoàn kết, phấn đấu, năng động, sáng tạo phát huy sức mạnh nội lực, giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, chủ động, tự tin, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong vai trò người vợ, người mẹ, với tấm lòng thủy chung, nhân hậu, phụ nữ đã cùng nam giới xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Nhờ sự nỗ lực bền bỉ, vượt lên trên mọi khó khăn, thách thức và định kiến giới, vị trí, vai trò của người phu nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định và đóng góp to lớn trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội.
PHÁT HUY NĂNG LỰC CỦA PHỤ NỮ TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA
Trong thời gian qua, phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng có đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển đất nước, tiêu biểu là tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2% so với nam giới là 86%, trong đó có một số lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới(4). Địa vị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới được Đảng và Nhà nước quan tâm và được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Việt Nam hiện dẫn đầu các nước châu Á và trên thế giới về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội (khóa IX: 18,5%, khóa X: 26,22%, khóa XI: 27,31%, khóa XII: 25,76%, khóa XIII: 24,4%, khóa XIV: 27.6 , khóa XV: 30.26% ). Đây là con số minh chứng hiệu quả của các chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, hướng tới sự bình đẳng thực chất. |
Thế giới đang trải qua những diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo. Tuy nhiên, điều đó không làm mờ đi các xu thế lớn của thời đại, đó là toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hợp tác và phát triển. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã và đang mở ra những cơ hội to lớn để phát triển nhanh nhưng cũng đi kèm với những thách thức, rủi ro chưa có tiền lệ đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Sớm nhận diện được thời cơ và thách thức do cuộc Cách mạng 4.0 đem lại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Nghị quyết số 52). Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch như Nghị quyết số 50/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; mới đây là Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đều xác định tận dụng có hiệu quả những cơ hội, giảm thiểu rủi ro mà cuộc Cách mạng 4.0 đem lại, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
|
Tọa đàm Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19, hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển xanh và bền vững do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra vào sáng 18/10/2021. |
Các hoạt động của phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh mới đang ngày càng được khẳng định. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ tham gia của lao động nữ quý I năm 2023 là 62,9%, như vậy đóng góp về lực lượng lao động trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội nói chung và chuyển đổi số nói riêng sẽ có tỷ lệ tương ứng. Điều này càng khẳng định và phù hợp với chủ đề toàn cầu của Ngày Quốc tế phụ nữ “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” và hướng ứng chủ đề của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Các hoạt động này đã ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong đổi mới, công nghệ và giáo dục số; đồng thời xác định những tác động của chuyển đổi số đối với vấn đề gia tăng bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về kinh tế, xã hội.
Đối với phụ nữ, chuyển đổi số có vị trí rất quan trọng trong cuộc sống. Khi ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thành tựu của chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao chất lượng của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, giúp họ có thể tiếp cận tới công nghệ mới, giảm bớt áp lực công việc và việc làm, có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, còn đó những khó khăn và thách thức như: các mối quan hệ mới chưa có tiền lệ sẽ phát sinh, những mối quan hệ truyền thống bị thay đổi hoặc chấm dứt, nguồn nhân lực không kịp đào tạo lại để đáp ứng các yêu cầu mới, an toàn, an ninh và quyền riêng tư bị xâm phạm và có thể làm gia tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ mới chỉ đảm nhận các vị trí như kiểm tra, thử nghiệm, bán hàng, marketing, nhân sự... Có nhiều lý do dẫn đến việc tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế, như còn thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ và vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ. Bên cạnh đó, rào cản về chuẩn mực xã hội và kỳ vọng về vai trò của phụ nữ trong gia đình đã và đang là các rào cản đối với phụ nữ tiếp cận tới công nghệ số trong khi công nghệ số đã và đang thay đổi mô hình, tác phong làm việc. Một số khu vực việc làm sẽ cần ít lao động hơn dẫn tới lao động nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn, phụ nữ cũng là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng và dễ bị lạm dụng trên không gian mạng. Làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện cũng là thách thức đối với nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay.
Trong thời gian tới, toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số. Điều này sẽ làm cho hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Theo đó, xin gợi mở một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập, “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, phù hợp với yêu của giai đoạn cách mạng mới.
Thứ nhất, cần tiếp tục, xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và phong trào phụ nữ. Tập trung hoàn thiện và thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập với những giá trị thời đại gắn với giá trị truyền thống: yêu nước, đoàn kết, trung hậu, đảm đang, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo và phát triển toàn diện.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong các chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp. Tăng cường giáo dục có chất lựng cho phụ nữ, dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong tương lai để cung cấp cho phụ nữ những thông tin đầy đủ, phù hợp nhất trong bối cảnh mới. Khuyến khích các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, thực hiện giảm khoảng cách giới, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và các vùng đặc biệt khó khăn. Vấn đề tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhận thức của cả nam và nữ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản còn nhiều bất cập. Để rút ngắn khoảng cách về bình đẳng giới, công nghệ có thể được coi như một cầu nối để phụ nữ trau dồi kiến thức, hòa nhập với lợi ích tập thể, cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ các nhóm phụ nữ yếu thế, đặc thù...
Thứ tư, chú trọng hơn nữa công tác cán bộ nữ theo hướng ngày càng hiện đại, phát triển và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ Trung ương đến địa phương cần có sự quan tâm thấu đáo, có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác quy hoạch cán bộ nữ. Cần xác định việc tạo điều kiện cho phụ nữ có thể tham gia các công tác lãnh đạo, quản lý là trách nhiệm và công việc quan trọng của Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương để phát huy tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.
Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, đề xuất chính sách an sinh xã hội, các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, cao tuổi, lao động nữ di cư. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương; thực hiện Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức cho hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của Hội nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý chí vươn lên cùng khát vọng bảo vệ và xây dựng đất nước thịnh vường, hùng cường, hội nhập quốc tế./.
Trước cơ hội đi liền thách thức của quá trình chuyển đổi số và toàn cầu hóa, phụ nữ Việt nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia tích cực vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, ngay cả những lĩnh vực lâu nay được coi là thế mạnh riêng của nam giới như khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc... |
PGS.TS. TRẦN QUANG DIỆU
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Tuyên giáo
___________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, t.6, tr.432.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.222.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, t.I, tr.169.
(4) https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=BTC332822