Phát huy vai trò của các đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - Từ năm 2006, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường, đến nay nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được nhân rộng trong cả nước, song để mô hình được duy trì bền vững cần có vai trò trách nhiệm của mọi thành phần dân cư, trong đó vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội được các tỉnh phát huy hiệu quả tại cộng đồng.
 Thói quen không sử dụng túi nilon dần hình thành trong ý thức của người dân, nhất là tại các đô thị lớn.
Nhiều năm qua, để bảo vệ môi trường ở khu dân cư, tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy vai trò của các đoàn viên, hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên… tại các địa phương. Trước hết phải kể đến vai trò của xung kích đi đầu của Đoàn Thanh niên, đã huy động đoàn viên tham gia đóng góp 2.530 ngày công tham gia phong trào toàn dân xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước thải khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Đoàn cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.  Hội Phụ nữ tỉnh tích cực tuyên truyền, triển khai tới các cấp hội cơ sở trong tỉnh nhiều mô hình thiết thực nhằm xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Các cấp Hội đã xây dựng được hàng trăm mô hình “Tổ phụ nữ phân loại rác thải tại gia đình”, “Đường hoa phụ nữ” tại 133 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có các mô hình: “Nhà sạch, vườn xanh”, “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải”, Tổ phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường”, Câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”… gắn với duy trì tiêu chí môi trường - an toàn thực phẩm.

Với mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên, những năm qua, Thành ủy Hưng Yên đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các đoàn thể, đến nay, 100% Đoàn phường, xã tổ chức gắn biển “Tuyến đường thanh niên tự quản”, thường xuyên duy trì dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh các cấp cũng trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp với nhiều cách làm, giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường được triển khai, nhân rộng như: Đoạn đường do phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp; Câu lạc bộ phụ nữ hạn chể sử dụng túi nilon; mô hình chi hội xanh - sạch - đẹp; chi hội 3 không; mô hình phế liệu sạch; mô hình đường, thôn, xóm 3 sạch, phong trào hàng cây Cựu chiến binh tự quản; mô hình hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường; mô hình làng xã xanh - sạch - đẹp; mô hình tổ hợp tác thanh niên bảo vệ môi trường…

Thành phố Hưng Yên có 4 làng nghề đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận. Các làng nghề đều duy trì hoạt động tốt và đều có điểm tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh, có tổ thu gom rác để vận chuyển ra khu tập kết; thực hiện đúng các quy định của địa phương về bảo vệ môi trường, có phương án bảo vệ môi trường làng nghề, có kết cấu hạ tầng đảm bảo thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý loại bỏ chất thải theo quy định…

Hoạt động thu gom rác thải bảo vệ thực vật. 
Hưởng ứng Tháng cao điểm hành động vì môi trường năm 2022, tỉnh Hà Nam đã triển khai nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về thiên nhiên, xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Các hoạt động chính trong tháng cao điểm hành động vì môi trường gồm: ra quân làm vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; trồng cây xanh, chăm sóc cây xanh tại các nơi công cộng, trên đường làng, ngõ xóm, đường phố; thu gom xử lý chất thải; sử dụng tiết kiệm nước; tăng cường công tác kiểm soát đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao…

Với quan điểm “Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, các chương trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của tỉnh đang được triển khai, hướng tới mục tiêu sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân. Hà Nam phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, có môi trường xanh - sạch - đẹp.

Có thể nói, các đoàn thể chính trị - xã hội với sự tham gia của đông đảo hội viên, đoàn viên thật sự đã trở thành nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường tại khu dân cư ở các địa phương. Các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường đã trở thành hoạt động của cộng đồng dân cư; phong trào vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa được đẩy mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.  

Tuy nhiên, xử lý rác thải tại địa phương vẫn còn là vấn đề nan giải hiện nay, do đó việc xây dựng điểm và nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, đạt kết quả thực chất và bền vững hơn nữa. Cùng với đó, phát huy trách nhiệm của mọi thành phần trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là vai trò của các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các vị già làng, trưởng bản, trưởng các họ tộc trong việc xây dựng mô hình./.

Đỗ Thụy

 

 

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều