Phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam

Phát huy vai trò của cộng đồng được xem là giải pháp hữu hiệu trong phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Tại Việt Nam đã có nhiều hoạt động được triển khai nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực gia đình. Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được và những hạn chế của hoạt động phòng ngừa bạo lực gia đình dựa vào cộng đồng, bài viết đề xuất giải pháp can thiệp cũng như các nguyên tắc thực hiện nhằm phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam.


Người dân xã An Quý, Quỳnh Phụ, Thái Bình chia sẻ thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình _ Ảnh: sovhttdl.thaibinh.gov.vn

1. Mở đầu

Bạo lực đối với phụ nữ được định nghĩa là bất kỳ một hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến những tổn hại về thể chất, tình dục, tâm lý hoặc đau khổ cho phụ nữ, bao gồm cả các mối đe dọa về những hành vi như vậy, cưỡng ép hoặc tước đoạt quyền tự do, cho dù xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư(1). Bạo lực ảnh hưởng đến phụ nữ trong suốt cuộc đời họ. Tác động của bạo lực trở nên trầm trọng hơn bởi các yếu tố văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo, xã hội và môi trường. Phòng ngừa bạo lực được xác định là ưu tiên cấp bách hàng đầu của mỗi quốc gia.

Phát huy vai trò của cộng đồng được xem là giải pháp hữu hiệu trong phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Tại Việt Nam thời gian qua đã có nhiều hoạt động triển khai nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ với đa dạng quy mô và cấp độ khác nhau.

2. Sự quan tâm đối với vấn đề bạo lực gia đình đối với phụ nữ hiện nay

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu có 31% phụ nữ (khoảng 852 triệu người) trong độ tuổi 15-49 đã phải chịu bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng hoặc bạn tình gây ra. Trong đó, bạo lực do bạn tình gây ra có tỷ lệ lớn nhất: ước tính 27% phụ nữ đã từng kết hôn/có bạn tình trong độ tuổi 15-49 bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do bạn tình gây ra trong cả cuộc đời của họ(2).

Tại Việt Nam, năm 2019, có 32% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời; 54% phụ nữ cho biết đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời và 25% cho biết đã bị bạo lực tinh thần trong thời gian gần đây. Năm 2020, tỷ lệ bị bạo lực về kinh tế trong đời đối với phụ nữ đã kết hôn là 9%(3). Các điều tra khác về bạo lực ở Việt Nam gần đây cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

Phụ nữ ở các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) thường phải đối mặt với các loại hình bạo lực khác nhau. Phụ nữ dân tộc Nùng bị bạo lực thể xác và tình dục cao hơn các DTTS khác (chiếm tới 42,36%). Có tới gần 55% phụ nữ Mông bị kiểm soát, không được nói lên suy nghĩ của mình, không được đi tới nơi mình muốn. Có tới hơn 70% phụ nữ Dao bị bạo hành về mặt kinh tế, không được nắm giữ tài chính. Qua đó cho thấy, phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế và chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội(4).

Qua rà soát báo cáo kết quả thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương; tổng quan thực trạng bạo lực từ các cuộc khảo sát quốc gia và các nghiên cứu đã thực hiện; và bộ số liệu khảo sát tại 5 tỉnh về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tiến hành năm 2016-2017 cho thấy, số liệu trong các tài liệu này đang phản ánh thực trạng bạo lực gia đình không giảm ngay cả đối với phụ nữ có đóng góp kinh tế gia đình nhiều hơn chồng. Các số liệu thống kê cho thấy một phần bức tranh về bạo lực gia đình nhưng những dữ liệu này chỉ phản ánh một phần rất nhỏ về thực trạng được báo cáo. Các vụ việc về bạo hành gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ thường rất khó thống kê. Bởi nếu chỉ dựa trên việc sử dụng dịch vụ trợ giúp hay các vụ việc do cơ quan chức năng thụ lý thì số liệu đó cũng chỉ phản ánh phần nào quy mô và mức độ nghiêm trọng của bạo lực.

3. Các hoạt động cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay

Trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ

Đến nay, các nghiên cứu về vai trò của cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đã chỉ ra một số cách thức, cơ chế mà cộng đồng có thể tác động, phòng ngừa hành vi bạo lực với phụ nữ. Để phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực tại Việt Nam đã có nhiều cơ quan, đơn vị đã và đang triển khai các biện pháp can thiệp hướng đến thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân và cán bộ của cơ quan công quyền. Nhiều chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình, đã chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ, như Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn tới 2030”; Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”; Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, công tác tuyên truyền luôn được coi là một trong những giải pháp căn bản nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ không ngừng nỗ lực thúc đẩy các sáng kiến nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, như: tổ chức trên phạm vi cả nước “Tháng hành động về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 hằng năm; triển khai “Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào tháng 6 hằng năm… Các sáng kiến này gồm: nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, người dân tại cộng đồng; xây dựng và cung cấp tài liệu giáo dục và truyền thông; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bình đẳng giới ở địa phương. Qua đó, tăng cường sự quan tâm của cộng đồng đối với phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Người dân hiểu biết hơn các hành vi bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới(5). Đến tháng 6-2024, đã có 8.624 tổ truyền thông cộng đồng trên phạm vi 51 tỉnh, thành phố tuyên truyền cho 368.302 người dân tại cộng đồng(6).

Bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện công tác tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng còn nhiều hạn chế, bất cập, như: nguồn lực cho công tác này còn hạn chế, đặc biệt là các tổ truyền thông cộng đồng luôn thiếu nguồn lực cần thiết để hoạt động hiệu quả; công tác tuyên truyền mới chỉ được triển khai theo phong trào trong các chiến dịch quan trọng, do đó chưa đủ tạo ra các tác động lâu dài.

Việc thành lập và duy trì tổ truyền thông cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn đã thu hút sự tham gia, vào cuộc của cấp uỷ đảng, Mặt trận Tổ quốc, trưởng thôn, đại diện các tổ chức phụ nữ, nông dân trong phổ biến, tuyên truyền, thông tin pháp luật cũng như phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hình thức hoạt động phong phú như: tuyên truyền cơ bản về xóa bỏ bạo lực giới, thi sân khấu hóa về phòng, chống bạo lực gia đình, lồng ghép phổ biến thông tin tại các cuộc họp ở thôn, xã... Tuy nhiên việc thực hiện công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều khó khăn, nội dung, hình thức tuyên truyền còn chưa phù hợp với đặc thù địa phương, cơ sở.

“Qua thời gian, tôi đã hiểu biết hơn vì được tập huấn tại chương trình Dự án 8 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Tuy nhiên, tôi vẫn gặp khó khăn khi truyền đạt nội dung phòng chống bạo lực gia đình tới người dân, hộ dân ở các thôn/xã. Tôi thấy cần tuyên truyền với thông điệp dễ hiểu hơn, giảm tập huấn ở cấp huyện nếu như nội dung, kiến thức không khác với tập huấn năm trước, tăng việc tuyên truyền tại thôn/bản…”.

(Phỏng vấn sâu trưởng thôn, Hà Giang)(7)

Hoạt động tuyên truyền chủ yếu được thực hiện theo hướng đi từ trên xuống, theo đó người dân tại cộng đồng thường tham gia một cách thụ động. Họ nhận thấy các thông tin tuyên truyền đôi khi bị lặp lại do nhiều cơ quan cùng thực hiện ở các thời điểm khác nhau; thường được thực hiện theo phương thức truyền tin một chiều, dễ gây cảm giác áp đặt. Vì vậy, chưa thực sự mang lại hiệu quả trong nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của người dân.

Trong tiếp nhận xử lý các hành vi bạo lực

Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13-1-2022; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đôn đốc, hướng dẫn các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện(8). Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Theo đó, công tác tiếp nhận báo cáo và xử lý hành vi bạo lực được quan tâm thực hiện. Đến nay, các báo cáo về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình của các địa phương được gửi thường kỳ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; hằng năm đã thống kê số hộ có bạo lực gia đình, số vụ bạo lực gia đình, người gây ra bạo lực và các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và kẻ gây ra bạo lực; liệt kê các biện pháp phòng, chống bạo lực (như mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; câu lạc bộ về gia đình; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy; đường dây nóng…)(9). Công tác lưu trữ báo cáo thông tin về bạo lực cũng được quan tâm.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy các vụ việc về bạo lực gia đình, đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ DTTS thường khó thống kê và ít khi được lưu trữ thông tin một cách chi tiết. Các vụ việc này đôi khi không được các cơ quan cung cấp dịch vụ trợ giúp hay cơ quan công an ghi nhận kịp thời. Do đó số liệu về các vụ việc do cơ quan chức năng thụ lý thường là con số rất nhỏ, không phản ánh rõ quy mô và mức độ nghiêm trọng của bạo lực. Đồng thời, số liệu này chủ đủ đại diện cho tình hình chung. Mặt khác, việc thống kê thông tin, báo cáo còn rất nhiều khó khăn do chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu phân tách giới tính và có lồng ghép giới trên các lĩnh vực của ngành. Đến nay vẫn còn thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thi hành pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới; thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có thông tin báo cáo về bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, cùng với đó là còn thiếu các dịch vụ hỗ trợ và phục hồi cho nạn nhân bị bạo lực(10).

Các dữ liệu báo cáo về bạo lực gia đình được các cơ quan chức năng lưu trữ còn thiếu tính cụ thể, chẳng hạn như: giới tính và độ tuổi của nạn nhân, mối quan hệ giữa nạn nhân và thủ phạm, và cơ chế diễn ra bạo lực. Trong khi tất cả những thông tin này đều cần thiết để thiết kế và giám sát các nỗ lực phòng ngừa. Cơ chế báo cáo ở các địa phương, các cấp còn kịp thời, phần lớn là thống kê các vụ bạo lực sau khi đã có can thiệp của các cấp chính quyền, còn các vụ bạo lực trong cộng đồng thì chưa được theo dõi chặt chẽ và báo cáo kịp thời(11).

Việc tiếp nhận và xử lý bạo lực thường giao cho tổ hòa giải và nếu vụ việc mang tính chất hình sự mới chuyển cho cơ quan công an xem xét. Tuy nhiên, các nạn nhân của bạo lực gia đình lại rất ít khi lựa chọn trình báo vụ việc vì nhiều lý do, theo đó mà các biện pháp can thiệp của chính quyền địa phương thường ít có tác động. Đặc biệt đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nơi mà các tập quán, tâm lý không ủng hộ nạn nhân bạo lực trình báo.

Công tác thực thi pháp luật, chính sách còn gặp nhiều khó khăn do một số luật và văn bản dưới luật chưa được lồng ghép giới một cách triệt để, hoặc trung tính về giới; kiến thức và hiểu biết về bình đẳng giới của đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch định chính sách còn hạn chế; chưa đủ nhân lực, kỹ thuật và ngân sách cho công tác bình đẳng giới(12).

Trong triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân

Cùng với thúc đẩy công tác tuyên truyền, nhiều mô hình cung cấp các dịch vụ trợ giúp nạn nhân bạo lực cũng đã được triển khai. Hiện có đa dạng mô hình phòng chống bạo lực giới được các cơ quan, bộ ngành triển khai từ trung ương đến cơ sở để kịp thời hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Từ nhiều năm nay, mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng; thí điểm “Gói dịch vụ hỗ trợ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực (ESP)” của Liên hợp quốc đã và đang được thực hiện tại Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến năm 2018, toàn quốc đã có 9.024 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, đạt 74,85% tổng số xã/ phường/ thị trấn trong cả nước; có 33.192 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 26.558 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 19.812 câu lạc bộ xây dựng gia đình bền vững(13).

Mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện và nhân rộng ở một số địa phương với các hoạt động can thiệp như: Câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, Tổ phòng, chống bạo lực giới, Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng,… Tính đến hết năm 2023, trên toàn quốc đã có hơn 6.451 mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, được hoạt động với các hình thức, nội dung hỗ trợ phong phú(14). Ngoài ra, còn có Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; mô hình phòng chống bạo lực gia đình và mô hình truyền thông về bạo lực giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của Hội Nông dân. Hiện nay, toàn quốc có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập(15). Hệ thống dịch vụ này hỗ trợ bảo đảm cho phụ nữ và trẻ em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách toàn diện. Các mô hình và hệ thống dịch vụ bước đầu đã đáp ứng cơ bản các nhu cầu hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.

Việc xây dựng, duy trì các mô hình cung cấp dịch vụ, hỗ trợ bình đẳng giới cũng giúp cho người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận tới các dịch vụ trợ giúp. Nhiều mô hình được thực hiện thí điểm như: Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ về bình đẳng giới; cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới; câu lạc bộ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái. Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Hội Liên hiệp phụ nữ đã thành lập, củng cố 1.809 địa chỉ tin cậy, qua đó đã hỗ trợ, tư vấn cho khoảng 49.339 phụ nữ, trẻ em(16). Ngoài ra, nhiều hoạt động, dự án can thiệp của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế đã mang lại những hiệu quả rõ rệt trong can thiệp, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình nói riêng và bạo lực trên cơ sở giới nói chung.

Việc triển khai các dự án can thiệp nêu trên được đánh giá là có tác động tích cực vì đã phát huy được vai trò, sự tham gia của các ngành tại địa phương cùng phối hợp chỉ đạo, triển khai gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt, việc xây dựng và vận hành các dịch vụ hỗ trợ về hành pháp, tư pháp, chăm sóc y tế và dịch vụ bảo trợ xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực được cải thiện, mang lại hiệu quả rõ rệt. Do đó, nhiều địa phương đã thể hiện rõ trách nhiệm trong xây dựng, triển khai luật pháp, chính sách và cam kết bố trí kinh phí để thực hiện.

Tuy nhiên, các mô hình can thiệp, cũng như các mô hình truyền thông do được triển khai chủ yếu theo phương thức đi từ trên xuống, chưa phát huy sáng kiến kinh nghiệm và đặc trưng văn hóa - xã hội của người dân trong mỗi cộng đồng nên chưa thu hút được sự tham gia của người dân. Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020 cho thấy: “Một nửa (49,6%) phụ nữ từng bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra chưa bao giờ kể cho bất cứ ai về việc này (trước khi được phỏng vấn) và hầu hết họ (90,4%) không tìm đến sự hỗ trợ của các cơ sở cung cấp dịch vụ của Nhà nước hoặc các cơ quan chính quyền. Lý do chính phụ nữ đưa ra khi không tìm kiếm sự hỗ trợ là vì họ cho là “bạo lực bình thường hoặc không nghiêm trọng” (trong số 48,4% phụ nữ không tìm sự trợ giúp). Phụ nữ nói chung chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ khi mà họ không thể chịu đựng bạo lực hơn nữa (69,7% phụ nữ tìm sự hỗ trợ đưa ra lý do này)(17). Dữ liệu này là bằng chứng về tính kém hiệu quả của nhà tạm lánh, tạm trú hay việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp do các tổ chức thực hiện.

4. Kiến nghị chính sách góp phần phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Trong những năm qua, có nhiều giải pháp để phát huy tối đa vai trò của cộng đồng trong phòng, ngừa bạo lực gia đình. Nhiều mô hình đã đạt được thành công, có tác động làm giảm bạo lực nhưng cũng có nhiều mô hình chưa đạt kết quả do các biện pháp đưa ra không phù hợp với nguồn lực hay bối cảnh văn hóa - xã hội của địa phương. Để thay đổi các chuẩn mực, thái độ và niềm tin với phòng ngừa bạo lực là một quá trình, do đó các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, hệ thống và dựa trên một số nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, các giải pháp đưa ra phải phù hợp với đặc điểm văn hóa của cộng đồng, phù hợp với sự tham gia của cộng đồng, cũng như bảo đảm rằng quan điểm và ý kiến của cộng đồng luôn được xem xét đến.

Thứ hai, bảo đảm sự tham gia thực chất của cộng đồng vào tiến trình triển khai các giải pháp. Các biện pháp can thiệp phòng, ngừa bạo lực cần tuân thủ nguyên tắc của sự tham gia. Để bảo đảm rằng sự tham gia của cộng đồng là thực chất, hiệu quả, các cơ quan triển khai cần thu hút sự tham gia, tạo sự ảnh hưởng và lan tỏa sâu rộng từ các giải pháp, phải bảo đảm tất cả các bên liên quan đều tham gia một cách tích cực vào thực hiện các biện pháp của chương trình.

Thứ ba, các biện pháp cần được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch và rõ ràng: bảo đảm thông tin có liên quan về bạo lực gia đình, về bình đẳng giới được chia sẻ một cách rõ ràng, dễ tiếp cận và phù hợp với đối tượng.

Thứ tư, luôn có cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả các biện pháp được triển khai, đồng thời có cơ chế để cập nhật hoặc làm rõ thông tin cho cộng đồng cũng như giải quyết khiếu nại. Theo đó, cần rà soát và tích hợp việc hướng dẫn triển khai các chiến lược, chính sách, chương trình có trùng về mục tiêu và đối tượng để bảo đảm tập trung nguồn lực và giúp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chính sách, chương trình nhằm giảm thiểu bạo lực giới, bạo lực gia đình đối với phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ năm, luôn thúc đẩy hỗ trợ để cộng đồng tự thiết kế và quản lý triển khai các biện pháp. Việc huy động hiệu quả ở cấp cộng đồng nhằm thay đổi tâm lý, tập quán tiêu cực trong cộng đồng phải có sự tham gia và do các thành viên của cộng đồng tham gia thiết kế và thực hiện. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội có thể tạo điều kiện và hỗ trợ thay đổi, nhưng sự thay đổi phải diễn ra trong suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm của chính các thành viên cộng đồng.

Thứ sáu, các biện pháp can thiệp phòng, ngừa bạo lực gia đình đối với phụ nữ phải được thực hiện một cách liên tục trong một thời gian dài để có tác động thực chất, bảo đảm việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ được thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và mong đợi về phòng, ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại địa phương.

Thứ bảy, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong tham gia thực hiện các giải pháp cụ thể cũng như thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình nói chung; nâng cao nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng của phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị địa phương; bảo đảm phân bổ kinh phí cho công tác phòng, chống bạo lực giới và bạo lực gia đình để thực hiện tốt nhiệm vụ, đạt mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu bạo lực gia đình.

_________________

(1) Liên hợp quốc: Tuyên bố của Liên hợp quốc về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, 1993.

(2) Stern, E: Learning from Practice: Community Mobilization to Prevent Violence against Women and Girls (New York, United Nations Trust Fund to End Violence against Women), 2021.

(3), (4), (12), (17) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 - Hành trình để thay đổi, 2020.

(5), (13) UN Women: Báo cáo quốc gia rà soát và kiểm điểm 25 năm Việt Nam thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, 2019.

(6), (16) Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030: Giai đoạn 1: từ 2021-2025. Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em gái”, 2024.

(7) Hoàng Thị Thu Huyền: Khảo sát về bạo lực gia đình đối với phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang, 2023-2024.

(8) https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/01/45-qd.signed.pdf

(9) UBND tỉnh Hà Giang: Thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023 của tỉnh Hà Giang.

(10), (14) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Báo cáo thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

(11) Nguyễn Hữu Minh và Đặng Thị Hoa: Thực hiện bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2020.

(15) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Báo cáo số 28/BC-BLĐTBXH của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, tr.15.

NCS HOÀNG THỊ THU HUYỀN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Lý luận chính trị

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều