Thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta hiện nay
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ che phủ rừng của nước ta tăng dần qua các năm từ năm 2008 là 38.7% qua quá trình thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2021 tỷ lệ che phủ rừng của nước ta đã đạt khoảng 42%. Cụ thể, sau năm 2021 tỷ lệ che phủ rừng của nước ta hiện tại đạt khoảng 42.02%, tương đương với diện tích 14.745.201 ha, tăng 0.01% so với năm 2020, trong đó có những kết quả ấn tượng khác như diện tích trồng rừng đạt hơn 277.830 ha, việc trồng cây phân tán đạt 98.96 triệu cây, vượt đạt 8% so với kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.
|
Công tác trồng cây để bảo vệ rừng đầu nguồn (nguồn: ảnh internet) |
Theo phân loại trên địa bàn cả nước, rừng tự nhiên có khoảng 10.171.757 ha, rừng trồng 4.573.444 ha. Tuy nhiên, mật độ che phủ của rừng không đồng đều, chủ yếu thuộc các khu vực Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc.
Trong đó, khu vực các tỉnh Tây Bắc có diện tích rừng tự nhiên là 1.584.974 ha, diện tích rừng trồng là 223.310 ha; khu vực Đông Bắc có diện tích rừng tự nhiên là 2.331.602 ha, diện tích rừng trồng là 1.639.112 ha; các tỉnh khu vực Sông Hồng có diện tích rừng tự nhiên là 46.326 ha, diện tích rừng trồng là 37.000 ha; khu vực Bắc Trung Bộ có diện tích rừng tự nhiên là 2.201.435 ha, diện tích rừng trồng là 929.625 ha; các tỉnh duyên hải miền Trung có diện tích rừng tự nhiên là 1.566.677 ha, diện tích rừng trồng là 884.820 ha; khu vực Tây Nguyên có diện tích rừng tự nhiên là 2.104.097 ha, diện tích rừng trồng là 257.304 ha; khu vực Đông Nam Bộ có diện tích rừng tự nhiên là 257.304 ha, diện tích rừng trồng là 222.566 ha; các tỉnh Tây Nam Bộ có diện tích rừng tự nhiên là 79.341 ha, diện tích rừng trồng là 168.407 ha.
Những năm qua, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, được cộng đồng xã hội quan tâm sâu sắc hơn; chủ trương xã hội hóa nghề rừng được hiện thực, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm kinh tế từ rừng.
Cùng đó, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, đưa nước ta trở thành một thành viên tham gia có trách nhiệm vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đã có tác động tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng; tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên.
Cơ chế, chính sách từng bước được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, thu hút các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng như: Luật Lâm nghiệp; Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ngày 1/11/2016 về Quy chế quản lý rừng sản xuất; Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp…
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cùng với các cơ quan trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động tham mưu với cấp ủy, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tập trung triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng và tác hại của việc xâm hại tài nguyên rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; những việc người dân được làm, được hưởng lợi từ công tác quản lý, bảo vệ rừng; những hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng... thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức thành viên và mọi tầng lớp nhân dân.
Nhiều hình thức tuyên truyền đã được phối hợp triển khai đồng bộ như: cung cấp tờ rơi, sử dụng công nghệ thông tin, tăng cường đăng tải nội dung trên các trang thông tin điện tử của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; thiết lập các trang mạng xã hội như zalo, facebook, fanpage... qua đó góp phần truyền tải kịp thời các thông tin đến với người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trong thực hiện công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng.
Hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy vai trò chủ trì, tổ chức phát động và vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng và phát triển rừng”, tham mưu, đề xuất duy trì hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác” hằng năm. Phối hợp huy động sức mạnh của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, nhà trường, tổ chức trong hệ thống chính trị chung tay, chung sức phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng; tạo động lực tập trung, cùng nhau ngăn chặn tình trạng phá rừng, chặt phá cây xanh như: "Trồng rừng giữ nước" ở Ninh Thuận; "Trồng rừng vững đất" ở Sóc Trăng; “Bảo vệ nguồn nước sạch và trồng rừng che phủ đầu nguồn" ở tỉnh Điện Biên; “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường” ở tỉnh Kiên Giang... góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng; chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng và xâm phạm tài nguyên thiên nhiên rừng.
Tại mỗi địa phương có rừng, Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực phối hợp thực hiện công tác kiểm kê tài nguyên rừng; tham mưu, phối hợp và kiến nghị tổ chức các hoạt động rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất; đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt đối với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Phối hợp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Chủ động phối hợp đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tham gia các dự án, đề án giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp, giao rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước...
Hoạt động kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã có những nội dung cụ thể như:
Giám sát về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; giám sát về chi trả dịch vụ môi trường rừng; thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng; giám sát công tác quản lý lâm sản; kết quả công tác trồng rừng và chăm sóc rừng; thực hiện chủ trương giao khoán công tác bảo vệ và phát triển rừng, giao đất, giao rừng; quy chế phối hợp trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng...
Mặt trận Tổ quốc nhiều địa phương đã chủ động phối hợp và đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng cơ chế hỗ trợ thực hiện các giải pháp chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; tham gia thẩm định, phê duyệt báo cáo công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư liên quan tới rừng; tổ chức các hoạt động bảo vệ rừng, phát triển rừng; hỗ trợ lực lượng bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; thực hiện xã hội hóa nghề rừng thông qua việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh nghề rừng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật như việc chặt phá, khai thác rừng, xây lò hầm than, săn bắt, mua bán, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã trái phép...
Qua hoạt động kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện và phản ánh với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan có liên quan về một số bất cập tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, trong đó đã quan tâm kiến nghị, đề xuất về việc giao khoán đất rừng cho các công ty lâm nghiệp với quỹ đất lớn nhưng hiệu quả sử dụng không cao; việc giao đất cho nông, lâm trường; hoạt động của Ban quản lý rừng theo mô hình trước đây còn chồng chéo chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng một số hộ dân lấn chiếm đất sản xuất; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án trên đất rừng; vấn đề di dân tự do; tình trạng sang nhượng đất rừng bất hợp pháp; công tác phân loại cắm mốc ranh giới, phân định các loại rừng, lâm phần của các chủ rừng trên thực địa...
Qua kết quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã tác động sâu sắc đến nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tại mỗi địa phương trong tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích và chất lượng rừng ngày càng được tăng lên; gắn kết hiệu quả công tác bảo vệ rừng với thực hiện các chương trình, dự án phát triển rừng, thu hút đầu tư về lâm nghiệp; thúc đẩy, khuyến khích Nhân dân địa phương tham gia công tác trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, ý thức “bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân”.
Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã khẳng định:
“Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Một là, tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên trong công tác tham mưu, triển khai và phối hợp thực hiện nội dung Chỉ thị 13 của Ban Bí thư gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các Dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái; trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi, tái sinh bảo vệ rừng; trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn... phù hợp với mỗi địa phương.
Hai là, hằng năm, hướng dẫn các địa phương phối hợp tổ chức hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng", “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng; phủ xanh đất trống đồi trọc; tạo dựng cảnh quan môi trường xanh gắn bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ba là, đổi mới hiệu quả công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng, lợi ích của việc trồng cây, trồng rừng nhất là trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong việc bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức vận động Nhân dân tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; tham mưu, đề xuất các điều kiện về kinh phí hỗ trợ triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất gắn với trồng, bảo vệ, phát triển cây xanh, phát triển rừng; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về phát triển rừng, chuyển đổi cây trồng khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và quy hoạch của mỗi địa phương gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, kịp thời biểu dương khen thưởng những mô hình mới, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tôn vinh những hộ dân làm giàu chính đáng từ rừng; phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín, chức sắc các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vận động Nhân dân giữ đất, giữ rừng, kịp thời phát hiện ngăn chặn, kiến nghị xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại rừng trái phép.
Năm là, tổ chức hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, chính sách của các địa phương liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kiến nghị đề xuất với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết triệt để các tranh chấp trong công tác quản lý tránh những vấn đề phức tạp nảy sinh đến bảo vệ rừng.
Nguyễn Quang Hòa - Thạc sĩ, Ban Phong trào,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.