Phụ nữ với vai trò là người tiêu dùng có trách nhiệm định hướng tạo ra một thị trường xanh, sạch, an toàn, bởi phụ nữ quyết định trên 2/3 tổng cầu của nền kinh tế. Với hơn 19 triệu hội viên, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động chị em tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động. Hội xác định, để thực hiện cuộc vận động thành công cần thu hút sự tham gia của phụ nữ trên cả 3 phương diện: sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã nêu rõ: Vận động, hỗ trợ phụ nữ thay đổi nhận thức, hành vi để thực hiện “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, là hạt nhân tích cực vận động xã hội thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều năm qua, bằng các hoạt động thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện tốt cuộc vận động.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ, người tiêu dùng và người sản xuất về người Việt tiêu dùng hàng Việt, khơi gợi lòng yêu nước, xây dựng ý thức, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng và thói quen tiêu dùng hàng Việt. Khuyến khích, động viên các cấp Hội thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Phụ nữ thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, như: lồng ghép tại các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt câu lạc bộ, đăng tải bài trên trang web của Hội, internet, đài truyền hình, đài phát thanh, các tạp chí, tờ thông tin phụ nữ, tài liệu sinh hoạt hội viên… Nội dung tuyên truyền về lợi ích, chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam với từng sản phẩm cụ thể, hình thành thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt trong tiêu dùng, đồng thời hướng dẫn lựa chọn các sản phẩm hàng Việt chất lượng cao, phù hợp với thu nhập của người dân.
Trung ương Hội đã biên soạn, phát hành miễn phí hàng nghìn tờ Thông tin Phụ nữ, số chuyên đề về lợi ích của việc sử dụng hàng Việt Nam trong sinh hoạt và đời sống hàng ngày, phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong sản xuất, tiêu dùng, an toàn thực phẩm tới hơn 800 xã vùng biên, vùng giáp biên của 52 tỉnh, thành phố. Xây dựng và phát sóng 24 nội dung chương trình trên các đài truyền hình, truyền thanh quốc gia1. Báo Phụ nữ Việt Nam mở chuyên mục, diễn đàn, tọa đàm, mở đường dây nóng giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo trang fanpage, youtube hướng dẫn chọn lựa sản phẩm, thực phẩm Việt an toàn. Xây dựng mô hình điểm “Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn”2 và mô hình điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhằm góp phần xóa bỏ tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” trong trồng trọt và chăn nuôi sản phẩm nông nghiệp3. Xây dựng các mô hình truyền thông, như: nhóm “Người tiêu dùng thông thái”; thành lập câu lạc bộ, tổ tuyên truyền “Phụ nữ Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Bình Dương); mô hình đồng hành cùng tiểu thương chợ truyền thống (Hà Nội); mô hình sản xuất sạch, tiêu dùng sạch (Thanh Hóa); xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cửa hàng kinh doanh bán sản phẩm do phụ nữ sản xuất (Thừa Thiên - Huế)...
Tổ chức mạng lưới liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thiết lập kênh phân phối, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng
Bên cạnh các hoạt động truyền thông, “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” được Trung ương và các tỉnh, thành Hội Phụ nữ tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh doanh, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt của phụ nữ khởi nghiệp trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Nhiều sản phẩm chất lượng cao do phụ nữ sản xuất đã được tôn vinh, được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng, như: gạo hữu cơ của Hợp tác xã Đồng Phú (Hà Nội); nước mắm truyền thống của Hợp tác xã Phú Khương (Hà Tĩnh); rau an toàn sản xuất theo công nghệ cao của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Trung Thành (Yên Bái); quýt Lai Vung, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp)... Các hoạt động này góp phần thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), đang được các tỉnh, thành hưởng ứng mạnh mẽ.
Thông qua hệ thống mạng lưới doanh nhân nữ của Hội (538 hội, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ trên toàn quốc, trong đó có 24 hiệp hội, hội doanh nhân nữ) và trên 5.000 câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ kinh doanh “ưu tiên dùng hàng Việt” đã kết nối sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, giúp người dân được dùng hàng Việt, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tiêu biểu, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã làm tốt khâu kết nối, xây dựng mạng lưới 55 câu lạc bộ phụ nữ từ thành phố tới cơ sở, thu hút 2.175 phụ nữ tham gia sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng, giá trị hàng Việt. Hỗ trợ trên 300 nữ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, phát triển các hợp đồng tiêu thụ hàng Việt trị giá hàng tỷ đồng tại thị trường Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc. Mở rộng kết nối giữa doanh nhân nữ Hà Nội với các Trung tâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Cạn, nhằm hỗ trợ doanh nhân nữ tiêu thụ sản phẩm Việt.
Hội Liên hiệp Phụ nữ nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với ngành công thương, các hiệp hội, Hội doanh nhân nữ, Hội doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ tổ chức hơn 5.000 đợt bán hàng lưu động đưa “Hàng Việt về nông thôn”, đưa “Hàng Việt về vùng sâu, vùng xa”. Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị trong địa bàn, tích hợp ưu đãi trong Thẻ hội viên nhằm gia tăng quyền lợi cho hội viên; phối hợp thành lập các điểm bán hàng tại khu dân cư, mở các điểm bán hàng bình ổn giá. Nhiều tỉnh tổ chức điểm phân phối hàng Việt phù hợp, chất lượng tới chị em thôn bản, vùng sâu, vùng xa thông qua ký kết với các doanh nghiệp, qua đó giúp tổ chức Hội phát triển hội viên, đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em, cũng như tạo thêm được nguồn thu nhập cho cán bộ chi, tổ Hội.
Có được kết quả trên, ngoài nhận thức của người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiêu dùng hàng Việt, các sản phẩm của Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường. Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương, các ngành chức năng: Nâng cao chất lượng công tác quản lý thị trường, giám định hàng hóa, có chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng cấm, hàng kém chất lượng, dán mác hàng Việt Nam để lừa dối khách hàng, nếu làm không tốt sẽ dần đánh mất niềm tin, đánh mất thành quả 10 năm chúng ta đã tạo dựng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cam kết khuyến khích, thúc đẩy hội viên, doanh nhân nữ nâng cao nhận thức, áp dụng các quy trình sản xuất và công nghệ thân thiện với môi trường, tạo dựng một nền sản xuất, tiêu dùng sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mỗi người phụ nữ Việt Nam dù ở vai trò người sản xuất hay người tiêu dùng hãy cùng nhau lan tỏa tinh thần: Xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng và lối sống, xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững.
Đỗ Thị Thu Thảo
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Chú thích:
1. 7 chương trình, phóng sự tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi, ý thức tuân thủ pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm trên Đài truyền hình Việt Nam; 5 phóng sự trên truyền hình Thông tấn; 6 chương trình phát thanh trên VOV2, 6 chương trình chuyên đề trên VOV Sức khỏe.
2. Tại 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
3. Tại tỉnh Nam Định, Bắc Giang và thành phố Hà Nội.
()