Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy mạnh mẽ ý chí và khát vọng xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển

(Mặt trận) - Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình lần thứ XII diễn ra trong thời điểm Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2020 - 2025); lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Trong bối cảnh chung của đất nước và thế giới có những thuận lợi, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, cùng với sự nỗ lực của các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Ninh Bình đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Trong giai đoạn tới, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”, tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và những định hướng, mục tiêu phát triển đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng là đô thị di sản, thành phố sáng tạo, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ

Năm năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nỗ lực triển khai thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Bám sát Chương trình hành động Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban và Ban Thường trực khóa XI, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Chương trình công tác toàn khóa; Kế hoạch triển khai thực hiện 5 chương trình hành động, 2 khâu đột phá; hiệp thương, thống nhất, phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm; tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ; kịp thời điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, nhiệm vụ công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập hợp, đoàn kết các lực lượng, tăng cường đồng thuận xã hội. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của Nhân dân và sự chung sức của cộng đồng.

Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được quan tâm; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được củng cố, kiện toàn, đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo không ngừng được củng cố và phát huy, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội”. Đến cuối năm 2023, tổng số tiền Quỹ 3 cấp vận động được trên 135,2 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, cộng đồng, các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm, Mặt trận Tổ quốc các cấp trích từ Quỹ tổng số tiền trên 110,6 tỷ đồng để thăm, tặng quà các đối tượng nhân dịp tết Nguyên đán; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 2.122 nhà Đại đoàn kết; đồng thời, hỗ trợ đột xuất các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra...

Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hàng nghìn căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, mái ấm công đoàn, nhà đồng đội, nhà nhân ái cho đoàn viên, hội viên và hỗ trợ sinh kế, khám chữa bệnh cho người nghèo...

Với truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ xây dựng 60 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, với số tiền 3 tỷ đồng. Tháng 5/2024, Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì tổ chức chương trình gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tiêu biểu (trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ).

Hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức tiếp nhận tiền mặt, máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm,.. tổng trị giá trên 103,5 tỷ đồng1; trích trên 66 tỷ đồng từ Quỹ tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch; tham mưu tổ chức vận chuyển chuyến hàng nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình hỗ trợ Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gần 12 nghìn suất quà, trị giá trên 2,4 tỷ đồng; trích 500 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” của tỉnh để hỗ trợ tỉnh U-Đôm-Xay, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (tỉnh kết nghĩa với tỉnh Ninh Bình) phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã chú trọng đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường chuyển đổi số, bám sát đoàn viên, hội viên, để triển khai, phát động; lấy khu dân cư để chọn điểm chỉ đạo xây dựng các mô hình thực hiện các cuộc vận động, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao; phát huy dân chủ và khuyến khích các hoạt động tự quản của người dân tại cộng đồng dân cư, nhiều hoạt động chăm lo thiết thực đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, hội viên, Nhân dân, từ đó thu hút sự tham gia của các giới, các giai tầng trong xã hội vào các tổ chức.

Trong công tác dân tộc, công tác tôn giáo, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/MTTQ-ĐĐ, ngày 4/11/2019 về triển khai quy trình lựa chọn, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và phát huy vai trò của cốt cán phong trào trong các tôn giáo; ký Chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và 2 tổ chức tôn giáo về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, “sống tốt đời, đẹp đạo”; cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; không tham gia các “hiện tượng tôn giáo mới” hoạt động trái pháp luật, mê tín dị đoan; phát huy vai trò các tôn giáo, các chức sắc, chức việc tôn giáo, người tiêu biểu, uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động; thường xuyên thăm hỏi, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; phối hợp, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật; phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết 160 nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, các vấn đề tôn giáo phát sinh.

 Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng hoa chúc mừng Đại hội. (Ảnh minh họa)

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh được triển khai bài bản, sâu rộng bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên vận động Nhân dân đóng góp nguồn lực, hiến đất, hiến công, hiến kế xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế; xây dựng, nhân diện các mô hình tự quản, mô hình điểm về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Công tác giám sát và phản biện xã hội được thực hiện đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh chủ trì tổ chức 1.100 cuộc giám sát; phối hợp, tham gia trên 3.250 cuộc, trong đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì giám sát 16 cuộc tại 28 cơ quan, đơn vị, đồng thời, tổ chức giám sát thông qua văn bản tại 12 cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trong tỉnh; chủ trì tổ chức 2 hội nghị phản biện xã hội.

Các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Các Ban Thanh tra nhân dân chủ trì 914 cuộc giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 502 công trình, dự án trên địa bàn. Nội dung giám sát theo yêu cầu thực tế của địa phương và những vấn đề Nhân dân quan tâm, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền tiếp tục được tăng cường; việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiếp xúc cử tri cũng như việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, theo dõi việc trả lời của các ngành, các cấp qua từng kỳ họp chất lượng được nâng cao và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn; thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc hiệp thương phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố ngày càng hiệu quả, chất lượng; phát huy tốt vai trò của các Hội đồng tư vấn; Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư được củng cố kiện toàn, chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư được nâng lên.

Bài học kinh nghiệm trong công tác Mặt trận

Từ thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng vừa thể hiện tốt vai trò là thành viên, đồng thời vừa là người lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nơi nào cấp ủy Đảng thực sự quan tâm, thường xuyên chăm lo xây dựng và phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì nơi đó hoạt động của Mặt trận có nhiều thuận lợi, phát huy hiệu quả tích cực, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân được củng cố vững chắc.

Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải thực hiện tốt vai trò nòng cốt chính trị; là kênh thông tin chính trong việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước; nâng cao tính chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; xác định đúng và trúng các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để triển khai thực hiện; tích cực tuyên truyền và vận động Nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; chăm lo xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản hiệu quả ở cộng đồng dân cư. Cần thường xuyên lựa chọn những việc mới, việc khó, mô hình hay, cách làm sáng tạo phù hợp với chức năng của Mặt trận.

Thứ ba, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân là điều kiện quan trọng nhất để Mặt trận hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Mặt trận Tổ quốc các cấp phải thể hiện tốt vai trò chủ động trong công tác phối hợp và thống nhất hành động với chính quyền và các tổ chức thành viên trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký kết, có sự phân công cụ thể trách nhiệm của mỗi bên, đồng thời thường xuyên bổ sung, hoàn thiện phù hợp với từng thời điểm và nội dung công việc; cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động.

Thứ tư, nâng cao niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hiệu quả thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vào phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị, là cơ sở để Mặt trận Tổ quốc các cấp vận động, xây dựng sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.

Thứ năm, quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có trình độ, năng lực công tác, có uy tín, đạo đức, có tâm, có tầm, có tinh thần trách nhiệm cao và gắn bó với cơ sở; phải gần dân, lắng nghe và thấu hiểu dân; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đến với Đảng và Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, góp phần đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Mặt trận Tổ quốc tập trung tuyên truyền về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh qua gần 40 năm đổi mới và hơn 30 năm tái lập tỉnh. Thông qua các hoạt động kỷ niệm, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân; củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tuyên truyền, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ đề công tác hằng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2025"; tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch, cơ hội, nhất là trên không gian mạng.

Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của tỉnh để tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử, trang cộng đồng Fanpage...; tuyên truyền, thực hiện tốt trách nhiệm tham gia sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 - 2030.

Duy trì và thực hiện tốt việc dự sinh hoạt của cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp ở khu dân cư; tập hợp, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để kịp thời phản ánh đến cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; giám sát và đôn đốc việc xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; tham gia giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở.

Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư theo Nghị quyết số 26/NQ-MTTW-ĐCT, ngày 11/11/2023 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lấy Ngày hội làm tâm điểm để gắn bó và phát huy sức mạnh đoàn kết các tầng lớp nhân dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong công tác dân tộc, công tác tôn giáo theo Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015, Kết luận số 02/KL-ĐCT ngày 29/12/2015 của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đề án của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”; tiếp tục vận động đồng bào có đạo phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo, nguồn lực tôn giáo xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, đối thoại; phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước

Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề xã hội và Nhân dân quan tâm; chú trọng giám sát việc tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và người đứng đầu một số ban, ngành, cơ quan, đơn vị; tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, nhất là những dự thảo có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Đổi mới nội dung, phương thức Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội theo quy định; đề xuất ban hành quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.

Phối hợp thực hiện hiệu quả Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Đổi mới việc phân công cán bộ Mặt trận Tổ quốc dự sinh hoạt ở khu dân cư; có biện pháp phát huy hiệu quả hòm thư góp ý, tiếp nhận ý kiến phản ánh của Nhân dân tại 1679 khu dân cư toàn tỉnh; nghiên cứu thực tiễn, đề xuất, kiến nghị những giải pháp, hình thức để Nhân dân thường xuyên tham gia ý kiến.

Mặt trận Tổ quốc chủ trì, phối hợp tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với Nhân dân; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn ở cơ sở. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban công tác Mặt trận, là chủ thể tổ chức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ theo cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tham gia vào công tác quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến của Nhân dân tham gia vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Chủ động phối hợp tổ chức thành công và vận động cử tri, Nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 trên địa bàn tỉnh bảo đảm dân chủ, đúng luật.

Đổi mới, nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo cáo tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp; giám sát, đôn đốc việc xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng và thông báo kết quả đến cử tri, Nhân dân biết. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Nội chính Tỉnh ủy. Đề xuất Quy chế phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện giám sát theo Quy định số 124-QĐ/TW; giám sát người đứng đầu một số sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tiếp công dân, phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với hương ước, quy ước ở khu dân cư; đề xuất ban hành quy chế, quy trình thích hợp để phát huy vai trò giám sát thường xuyên của Nhân dân.

Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua

Mặt trận Tổ quốc tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đảm bảo thực chất, hiệu quả; vận động các nguồn lực và tăng cường vai trò giám sát quá trình xây dựng nông thôn mới; phối hợp đề xuất điều chỉnh các tiêu chí, danh hiệu và chất lượng bình xét, công nhận các danh hiệu thi đua gắn với xây dựng nông thôn mới; tổng kết, biểu dương, khen thưởng các nhân tố tích cực; nhân rộng các mô hình điểm, các mô hình Dân vận khéo.

Vận động Nhân dân đồng thuận hưởng ứng triển khai quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa ứng xử trong các hoạt động du lịch góp phần xây dựng: “Ninh Bình - Điểm đến thân thiện, đô thị Di sản thiên niên kỷ”; vận động Nhân dân tham gia giải phóng mặt bằng, phục vụ các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong chủ trì hiệp thương, phối hợp triển khai công tác an sinh xã hội và nhân đạo, từ thiện; quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tổ chức các hoạt động cứu trợ, nhân đạo, từ thiện theo quy định của pháp luật.

Tổ chức vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” các cấp; đa dạng hóa các hình thức vận động theo hướng toàn dân, toàn diện; vừa vận động xây dựng các quỹ chung của tỉnh vừa hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ trực tiếp; hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương phát động; phối hợp triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025 (theo Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh).

Tiếp tục quán triệt thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; phát huy vai trò của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các cấp để thúc đẩy Cuộc vận động; vận động, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt.

Tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo”; phối hợp, tham gia bình chọn, giới thiệu và biểu dương các điển hình sáng tạo; thúc đẩy tinh thần sáng tạo và ứng dụng các sản phẩm sáng tạo phục vụ công tác, sản xuất và đời sống.

Triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp đã ký kết với 2 tổ chức tôn giáo, các ban, ngành có liên quan trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài

Mặt trận Tổ quốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân trong hình hình mới”.

Chú trọng tuyên truyền tính chính nghĩa, tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền về lãnh thổ của quốc gia trên đất liền, vùng trời, vùng biển, đảo và hải đảo của quốc gia. Vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch và các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh, mỗi người dân Ninh Bình trở thành một “Đại sứ du lịch”, góp phần quảng bá truyền thống văn hóa tốt đẹp, tiềm năng du lịch Ninh Bình với du khách trong và ngoài nước.

Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thân nhân kiều bào; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt pháp luật nước sở tại; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí, tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Rà soát, bổ sung, nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các ban, ngành liên quan và Chương trình phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên; định kỳ đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chương trình phối hợp. Triển khai thực hiện tốt 4 Đề án của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

(1) Đề án xây dựng chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (2) Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp giai đoạn 2024 - 2029; (3) Đề án chuyển đổi số của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; (4) Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029.

Kiện toàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; mở rộng và phát triển tổ chức, kết nạp thêm thành viên đảm bảo tính tiêu biểu, đại diện, thiết thực. Đề xuất chính sách phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; kiện toàn Ủy ban và tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là ở các đơn vị sắp xếp lại đơn vị hành chính phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhận thức đầy đủ về cơ chế làm việc của Ủy ban, Ban Thường trực và lãnh đạo cơ quan.

Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp đáp ứng yêu cầu về lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng vận động quần chúng. Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhất là khả năng nghiên cứu tham gia giám sát, phản biện xã hội, tinh thần, trách nhiệm, năng lực dự báo tình hình; chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai các hoạt động công tác.

Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Tuyên truyền, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng dân cư, qua đó tập hợp, lắng nghe, đoàn kết Nhân dân và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, phát huy những mặt tốt của các hình thức cộng đồng truyền thống như đồng hương, dòng họ, gia đình. Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước ở khu dân cư.

Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng, nhất là các mô hình tự quản về đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, sản xuất, kinh doanh, giúp nhau giảm nghèo bền vững… Tăng cường tuyên truyền các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, sáng tạo, nêu gương người tốt, việc tốt để giáo dục, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng.

Đồng thời, phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn; xây dựng khu dân cư trật tự, kỷ cương, môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh, đẩy lùi tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội; phát huy hiệu quả công năng của nhà văn hóa làng, bản, thôn, xóm, phố để phục vụ các sinh hoạt cộng đồng, giao lưu, gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; các hội thi, hội diễn…

Vận động Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao thu nhập, kinh tế hộ gia đình; huy động các nguồn lực trong Nhân dân để chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đổi mới, nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18/11) làm tâm điểm cho việc thu hút, tập hợp Nhân dân, xây dựng khu dân cư an toàn, đoàn kết, văn minh, ấm no, hạnh phúc.

Chú thích:

1.  Trong đó: Bằng tiền trên 70,08 tỷ đồng; máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, trị giá trên 33,4 tỷ đồng được phân bổ, sử dụng theo quy định.

NGUYỄN HOÀNG HÀ -  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều