Quyền được vui chơi của mọi trẻ em phải được tôn trọng và đáp ứng

Ngày Quốc tế Vui chơi lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 11/6/2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực duy trì, thúc đẩy và ưu tiên vui chơi để tất cả mọi người, đặc biệt là thúc đẩy trẻ em có thể gặt hái những thành quả và phát huy hết tiềm năng của mình.
Vui chơi là quyền cơ bản của trẻ em. (Ảnh minh họa: UNICEF)

Ngày 25/3/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết do 13 quốc gia đồng đề xuất, trong đó Việt Nam, chọn ngày 11/6 hằng năm là Ngày Quốc tế Vui chơi. Nghị quyết ghi nhận vai trò của vui chơi đối với phát triển thể chất, kỹ năng xã hội, nhận thức, giao tiếp, đời sống tình cảm ở mọi lứa tuổi, ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm tiếp cận vui chơi, các hoạt động giải trí đối với sức khỏe thể chất, tâm lý, sự phát triển của trẻ em và thanh niên. Nghị quyết thể hiện cam kết mạnh mẽ của các nước trên thế giới, đó là quyền được vui chơi của mọi trẻ em phải được tôn trọng và đáp ứng.

Vui chơi không chỉ là niềm vui mà còn là nền tảng của tuổi thơ, giúp hình thành nên một tương lai hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và sôi động hơn cho con em chúng ta. Ngoài mục đích giải trí đơn thuần, vui chơi còn là ngôn ngữ phổ quát được sử dụng bởi mọi người ở mọi lứa tuổi, vượt qua ranh giới quốc gia, văn hóa và kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, vui chơi cũng thúc đẩy khả năng phục hồi, sáng tạo và đổi mới ở mỗi cá nhân. Đối với trẻ em nói riêng, vui chơi giúp xây dựng mối quan hệ và cải thiện khả năng kiểm soát, vượt qua chấn thương và giải quyết vấn đề. Vui chơi giúp trẻ phát triển các kỹ năng nhận thức, thể chất, sáng tạo, xã hội và cảm xúc mà các em cần để phát triển trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Vui chơi là một phương pháp hiệu quả để thu hút học sinh tích cực học tập

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hạn chế cơ hội vui chơi trực tiếp cản trở sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Việc thiết lập một môi trường giáo dục, học tập thông qua vui chơi đã được công nhận là một phương pháp hiệu quả để thu hút học sinh tham gia tích cực vào quá trình học tập. Điều đó giúp việc học trở nên thú vị và phù hợp hơn, từ đó nâng cao động lực và khả năng ghi nhớ thông tin của trẻ.

Hơn nữa, vui chơi được coi là có tác động tích cực trong việc thúc đẩy lòng khoan dung, khả năng phục hồi và tạo điều kiện hòa nhập xã hội, ngăn ngừa xung đột và xây dựng hòa bình. Để chính thức công nhận những thực tế này, Điều 31 trong Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em đã quy định vui chơi là quyền cơ bản của mọi trẻ em.

Chính vì thế, Ngày Quốc tế Vui chơi 11/6 hàng năm chính là cơ hội để các quốc gia và mỗi cộng đồng nâng cao tầm quan trọng của vui chơi.  Đây cũng là dịp để chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra những chính sách, các hoạt động đào tạo và tài trợ để đưa hoạt động vui chơi được tích hợp vào môi trường giáo dục và cộng đồng trên toàn thế giới.

Vui chơi mang lại nền tảng để trẻ em thể hiện và phát triển trí tưởng tượng

Trẻ em học tập tốt nhất thông qua vui chơi. Vui chơi tạo ra những cơ hội học tập mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực phát triển - trí tuệ, xã hội, cảm xúc và thể chất. Thông qua vui chơi, trẻ học cách tạo dựng mối quan hệ với người khác, xây dựng nhiều kỹ năng lãnh đạo, phát triển khả năng phục hồi, điều hướng các mối quan hệ và thách thức xã hội cũng như vượt qua những nỗi sợ hãi của bản thân. Khi vui chơi, trẻ cảm thấy an toàn. Trẻ em vui chơi để tìm hiểu thế giới xung quanh. Nói một cách tổng quát hơn, vui chơi mang lại nền tảng để trẻ thể hiện và phát triển trí tưởng tượng cũng như khả năng sáng tạo, vốn là những kỹ năng then chốt quan trọng đối với thế giới đổi mới và định hướng công nghệ mà chúng ta đang sống.

Những tương tác trong khi vui chơi cũng góp phần mang lại hạnh phúc và sức khỏe tinh thần tích cực cho cha mẹ, người chăm sóc và chính trẻ em. Khi các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang khiến cuộc sống của nhiều trẻ em trên thế giới bị đảo lộn thì việc được vui chơi sẽ khiến các em vừa có thể tìm thấy sự an toàn vừa có được thời gian nghỉ ngơi sau những trải nghiệm bất lợi, đồng thời có thể khám phá và xử lý những trải nghiệm của mình với thế giới. Khi trẻ em buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, xung đột, việc tiếp cận các mối quan hệ nuôi dưỡng với cha mẹ/người chăm sóc và bạn bè đồng trang lứa là bước đệm quan trọng để giúp các em tránh được những tác động tiêu cực của bạo lực, đau khổ và những trải nghiệm bất lợi khác.

Cần chấm dứt bạo lực và bảo đảm quyền vui chơi cho trẻ em

Gần 400 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang phải hứng chịu các hình thức bạo hành tinh thần và thể xác ngay trong chính gia đình mình. (Ảnh minh họa: Inquirer.net)

Trong báo cáo được công bố nhân Ngày Quốc tế Vui chơi 11/6/2024, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, có đến gần 400 triệu trẻ em dưới 5 tuổi - tương đương khoảng 60% trẻ em trong độ tuổi này trên toàn cầu đang phải hứng chịu các hình thức bạo hành tinh thần và thể xác ngay trong chính gia đình mình. 

Các số liệu thống kê mới do UNICEF công bố phản ánh dữ liệu từ 100 quốc gia được thu thập từ năm 2010 đến năm 2023 và bao gồm cả các hành vi xâm phạn về thể chất và tâm lý đối với trẻ em.

Theo định nghĩa của UNICEF, việc lạm dụng tâm lý có thể bao gồm việc la mắng một đứa trẻ hoặc gọi chúng là “ngu ngốc” hoặc “lười biếng”, trong khi lạm dụng thể chất bao gồm rung lắc, đánh hoặc bất kỳ hành động nào nhằm gây đau đớn hoặc khó chịu về thể xác mà không gây thương tích cho trẻ em.

Cơ quan Liên hợp quốc cho biết, trong số gần 400 triệu em thuộc diện phân tích thì có đến 330 triệu trẻ phải chịu hình phạt về thể xác. Ngay cả khi ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp cấm trừng phạt thân thể trẻ em, thì có đến gần 500 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới vẫn không được bảo vệ về mặt pháp lý trước những hành vi như vậy.

Theo dữ liệu phân tích từ 85 quốc gia, cứ hai trẻ em ở độ tuổi 4 thì có một em không thể chơi với người chăm sóc chúng ở nhà, trong khi cứ 8 trẻ dưới 5 tuổi thì lại có 1 trẻ không có bất kỳ đồ chơi nào. Khoảng 40% trẻ em từ 2 đến 4 tuổi không nhận được đủ sự khích lệ hoặc tương tác có ý nghĩa ở nhà. Cũng theo UNICEF thì cứ 10 trẻ em thì lại có 1 trẻ không được tham gia các hoạt động “quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nhận thức, xã hội và cảm xúc, như đọc, kể chuyện, ca hát và vẽ”.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cảnh báo việc phải chịu đựng bạo hành thể chất hoặc tinh thần ở nhà, hoặc bị thiếu thốn sự chăm sóc về mặt xã hội và tình cảm từ những người thân yêu, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tự trọng và sự phát triển của trẻ. Việc nuôi dưỡng và dành thời gian vui đùa cùng trẻ không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp các em cảm thấy an toàn, học hỏi, phát triển các kỹ năng và khám phá thế giới xung quanh.

“Vào Ngày Quốc tế Vui chơi đầu tiên 11/6/2024, chúng ta phải đoàn kết và tái cam kết chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, đồng thời thúc đẩy việc chăm sóc tích cực, nuôi dưỡng và mang lại sự vui tươi cho các em” – bà Russell nói.

 
T.Lan/Theo Báo ĐCSVN (UNICEF, UN, Inquirer.net)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều