Bài 1: Nhận diện trách nhiệm và biểu hiện vô trách nhiệm
Vấn đề sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc đã diễn ra từ lâu, nhưng thời gian gần đây càng trở nên nổi cộm, gây bức xúc dư luận. Ðể ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sợ trách nhiệm gây những hậu quả nghiêm trọng, cần quyết tâm, quyết liệt, kiên trì công phá “tảng đá” mang tên trách nhiệm bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau.
Trách nhiệm là gì mà tại sao lại khiến một số người lo sợ, né tránh, đùn đẩy? Hiểu một cách đơn giản nhất, trách nhiệm là công việc, nghĩa vụ mà mỗi người phải thực hiện, hoặc hoàn thành.
Trong bài viết với tiêu đề “Tinh thần trách nhiệm”, đăng trên Báo Nhân Dân số 36, phát hành ngày 13/12/1951, Bác Hồ có chỉ rõ rằng: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Ðảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v, là không có tinh thần trách nhiệm”.
Bài viết được đăng tải vào thời điểm đội ngũ cán bộ, đảng viên có một số biểu hiện thiếu cố gắng, làm chưa hết chức trách, nhiệm vụ, nói nhiều, làm ít; làm chưa đến nơi, đến chốn… gây những khó khăn trong năm đầu thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và nhất định thắng lợi” mà Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ II đề ra. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về tinh thần trách nhiệm theo nội dung bài báo của Bác Hồ đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhận diện rõ những biểu hiện cụ thể, sinh động của tinh thần trách nhiệm cũng như sự vô trách nhiệm; đồng thời, khẳng định quyết tâm vượt khó, hoàn thành mọi công việc được giao.
Ngày 27/7/1963, trong bài nói tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” (Báo Nhân Dân đăng số ra ngày 4/8/1963), sau khi hòa bình lập lại, miền bắc hoàn toàn giải phóng, trong điều kiện “chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa”; nhưng Bác chỉ ra rằng “chúng ta phải thật thà nhận rõ những khuyết điểm và nhược điểm, để kiên quyết sửa chữa như: ý thức làm chủ nước nhà và tinh thần trách nhiệm còn kém”; đồng thời Người nhấn mạnh: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm nghĩa là làm cho mọi người hiểu rõ mình có trách nhiệm cần kiệm xây dựng nước nhà.
Mọi người có trách nhiệm tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, để Nhà nước có thể vừa tích lũy thêm tiền vốn xây dựng, vừa cải thiện dần đời sống của nhân dân. Mọi người còn có trách nhiệm lao động sản xuất sao cho xứng đáng với đồng bào miền nam đang hy sinh xương máu, anh dũng chiến đấu chống chế độ phát xít Mỹ-Diệm”.
Có những thời điểm, công việc cụ thể, vấn đề trách nhiệm lại nặng nề như tảng đá, nhiều người chỉ nhăm nhăm né tránh, đùn đẩy, chối bỏ, khiến công việc bê trễ, tắc trách, ì ạch rất cần sự nhận diện, công phá kịp thời, có chất lượng, hiệu quả để những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thậm chí sẵn sàng đánh cược số phận, sinh mạng chính trị để “phá rào” vì tập thể, vì sự nghiệp chung của đất nước xuất hiện, thể hiện mình, là tấm gương thật sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, làm thay đổi cục diện, đời sống kinh tế-xã hội.
Trong mỗi giai đoạn, điều kiện lịch sử của cách mạng, tinh thần trách nhiệm lại cần thiết phải được nhắc lại, đề cao, bằng những việc làm, hành động cụ thể, phù hợp với mỗi người, với mục tiêu chung của đất nước. Và dù ở bất kỳ giai đoạn, hoàn cảnh nào, tấm gương sáng ngời về việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của Bác Hồ trước Ðảng, trước nhân dân và với chính bản thân mình luôn cần thiết được khơi gợi, phát huy, bởi cả cuộc đời của mình, Người chỉ biết hy sinh, phấn đấu quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Xuyên suốt tư tưởng của Người, việc nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn nhiệm vụ của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Việc nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Người yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”.
Ðồng thời, Người cũng vạch rõ rằng: “Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm”… Việc hiểu biết về tinh thần trách nhiệm nói riêng; học tập, làm theo Người nói chung thường cụ thể, mạch lạc, dễ hiểu như vậy.
Năm 2014, chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu biệt cụ thể ở việc “nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Một lần nữa, vấn đề trách nhiệm được đề cập một cách sâu rộng, kịp thời, giúp mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức rõ ràng, đúng đắn về trách nhiệm của bản thân đối với công việc, tập thể, đất nước, trên tất cả các lĩnh vực.
Ðáng chú ý, Ðảng ta đã ban hành nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; tiêu biểu như: Quy định số 08-QÐi/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 11-QÐi/TW, ngày 18/2/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”…
Từ khi “tinh thần trách nhiệm” của Bác được lan tỏa và Ðảng ta kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cách mạng; toàn Ðảng ta, toàn quân, toàn dân ta luôn thực hành nghiêm túc, quyết liệt, sâu rộng, nhất là trước những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, vướng mắc cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để vượt mọi khó khăn, làm cho thành công mọi công việc trên tất cả các lĩnh vực, mặt trận ở từng giai đoạn lịch sử cách mạng. Khi tinh thần trách nhiệm được thể hiện cụ thể, sinh động, với quyết tâm cao nhất có thể, thành quả mà đất nước ta đạt được là hết sức rõ ràng, thuyết phục, với những bước tiến dài, được bạn bè quốc tế vị nể, thừa nhận, trân trọng.
Tuy nhiên, có những thời điểm, công việc cụ thể, vấn đề trách nhiệm lại nặng nề như tảng đá, nhiều người chỉ nhăm nhăm né tránh, đùn đẩy, chối bỏ, khiến công việc bê trễ, tắc trách, ì ạch rất cần sự nhận diện, công phá kịp thời, có chất lượng, hiệu quả để những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thậm chí sẵn sàng đánh cược số phận, sinh mạng chính trị để “phá rào” vì tập thể, vì sự nghiệp chung của đất nước xuất hiện, thể hiện mình, là tấm gương thật sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, làm thay đổi cục diện, đời sống kinh tế-xã hội.
Không thể có thứ trách nhiệm nửa vời, sự thờ ơ, vô cảm, đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác, cho tập thể. Ðó cũng là một trong những điều kiện quan trọng, cần thiết để có những sự đánh giá, cân nhắc trong công tác cán bộ, để xem xét kỷ luật hay bổ nhiệm cán bộ.
Cần nhận thức rõ ràng trách nhiệm đi liền với quyền lợi, gắn bó mật thiết, khăng khít với nhau. Quyền lợi tăng lên là điều ai cũng mong muốn, đó cũng là điều chính đáng. Nhưng nhất thiết phải cân bằng, công bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm, không thể chỉ chăm chăm lo nghĩ đến việc thu vén, làm việc vì quyền lợi cá nhân mà xem nhẹ trách nhiệm của bản thân. Bất kỳ ai cũng phải tự ý thức, tự giác hiểu trách nhiệm cũng cần thiết phải được nâng lên, dám chịu trách nhiệm với những công việc mình phải làm, công việc được giao gắn liền với nghĩa vụ.
Ðó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện, phải hoàn thành, mà còn là động lực, sự tự hào khi đã hoàn thành nhiệm vụ, thể hiện trách nhiệm một cách xứng đáng với bản thân, với tập thể trong công việc và cuộc sống. Người có trách nhiệm, thể hiện rõ trách nhiệm, dám nhận trách nhiệm trong quá trình thực hiện công việc cũng như sinh hoạt, cuộc sống hằng ngày sẽ được mọi người ghi nhận, tôn trọng.
Ngược lại, không thể có thứ trách nhiệm nửa vời, sự thờ ơ, vô cảm, đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác, cho tập thể. Ðó cũng là một trong những điều kiện quan trọng, cần thiết để có những sự đánh giá, cân nhắc trong công tác cán bộ, để xem xét kỷ luật hay bổ nhiệm cán bộ.
Tất nhiên, khi ai đó cố tình lơ là, đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, sẽ buộc phải thực hành kỷ luật, dựa trên quy định, quy chế, pháp luật có liên quan. Trong điều kiện xuất hiện những vướng mắc, “nút thắt” trong quá trình thực thi công việc, khi mà trách nhiệm bị xem nhẹ, bỏ qua, cần thiết có những sự tác động bằng luật pháp, cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng, khả thi, để mọi người đều phải thực thi trách nhiệm của mình, đặc biệt là đối với những người đứng đầu.
Trong môi trường, bối cảnh ấy, những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thể hiện trách nhiệm một cách thuyết phục sẽ được tập thể ghi nhận, đánh giá cao. Ðó cũng chính là chất xúc tác để gây dựng, lan tỏa năng lượng tích cực trong quá trình thực hiện công việc được giao, từ mỗi cá nhân tới cả tập thể. Mặt khác, việc nhận diện những biểu hiện sợ trách nhiệm cũng cần thiết phải tiến hành kịp thời, phê phán, lên án một cách thích đáng, tránh làm gián đoạn, cản trở quá trình phát triển, dù ở bất kỳ môi trường nào, giai đoạn nào, bối cảnh nào đi nữa.
Kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, một thời kỳ mới được mở ra, với các nhiệm vụ cụ thể, sát hợp trên tất cả các lĩnh vực. Trước những diễn biến mới của tình hình đất nước, bên cạnh những sự chủ động, tích cực, sáng tạo, tâm huyết, hết mình trong công việc, sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, vẫn xuất hiện không ít những “vật cản” ngáng trở, thậm chí đi ngược lại đường lối, chủ trương của Ðảng và Nhà nước, gây những sự gián đoạn, đứt gãy trong quá trình phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, ngày 9/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, trong đó nêu rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu…”.
Riêng về vấn đề trách nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động chưa từng được dự báo; bệnh sợ trách nhiệm lại tiếp tục xuất hiện, tấn công vào hoạt động của các bộ, ngành, địa phương ở các cấp độ khác nhau, tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường, đòi hỏi những giải pháp quyết liệt để triệt tiêu căn bệnh nan y, nguy hiểm này.
(Còn nữa)