Rà soát lại chức danh giáo sư, phó giáo sư: Ai dám nhận mình sai?

Bộ trưởng Bộ GDĐT - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư (GS) nhà nước Phùng Xuân Nhạ vừa yêu cầu Thường trực Hội đồng Chức danh GS ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên chức danh PGS, GS năm 2017. Nếu phát hiện trường hợp ứng viên không đáp ứng đủ tiêu chuẩn sẽ cương quyết không công nhận. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và thành viên hội đồng chức danh ngành cho rằng ai dám tự nhận mình sai và sẽ lại... đúng quy trình.

 Buổi Lễ trao giấy chứng nhận công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư tháng 2016. Ảnh: TL

Kiên quyết không công nhận nếu không đủ tiêu chuẩn

Trước những “ồn ào” của dư luận về việc tăng đột biến số lượng chức danh GS, PGS, ngày 9.2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS.

Công văn nêu rõ, sau khi Hội đồng Chức danh GS nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, có nhiều thông tin (kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS tăng đột biến so với các năm trước, cùng nhiều lo ngại về chất lượng (như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...); một số thành viên Hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.

Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một “đợt vét” trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn GS, PGS và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Hội đồng Chức danh GS Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước Phùng Xuân Nhạ nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20.2.2018.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ đạo “nóng” về vấn đề này. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Thường trực Hội đồng Chức danh GS ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo quy định hiện hành trước ngày 18.2.

Văn bản nêu rõ: “Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định, phải báo cáo Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cương quyết không công nhận”.

Sẽ lại đúng quy trình?

Bàn về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học FPT - cho rằng: Dường như chúng ta đang thiếu đi sự giám sát từ phía xã hội nên đến mức nào đó khi số lượng tăng đột biến như hiện nay đã bộc lộ ra nhiều điều không ổn cần thay đổi.

Thực ra, chúng ta cũng đã nhận ra cần thay đổi. Từ năm 2016 đã tính việc soạn thảo dự thảo mới về công nhận chức danh GS, PGS với bộ tiêu chí đặt lên cao hơn nhiều trong đó đặc biệt yêu cầu tiêu chí về công bố quốc tế. Tuy nhiên, dự thảo quy chế mới chưa được thông qua và dự kiến áp dụng cho đợt xét vào năm sau.

Chính vì bối cảnh đó, đợt xét duyệt này mới có số lượng hồ sơ rất lớn. Nếu xét trong tiêu chí dự kiến mới thì có khá nhiều người không đạt, còn nhiều người đạt theo tiêu chí mới nhưng vẫn trượt theo tiêu chí cũ. Đây mới là vấn đề gây “bùng nổ” mạnh mẽ.

Về vấn đề phong GS, PGS có những bất ổn khi nhiều người được phong GS, PGS nhưng làm công tác quản lý. Việc phong như 1 cái danh khiến mọi người chạy theo cái danh đó.

Tại sao số lượng GS, PGS tăng cao còn chất lượng giáo dục đại học thấp, chưa có trường đại học nào được xếp hạng thế giới, công trình sáng chế so với các nước xung quanh cũng rất thấp. Điều này đặt vấn đề tóm lại trong mấy chục năm qua, chúng ta đã làm như vậy đúng hay không đúng? - TS Lê Trường Tùng đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT: Việc đánh giá chất lượng cần dựa theo tiêu chí nhưng còn đụng đến một vấn đề quan trọng hơn là liệu GS có phải là một chức danh chỉ nên gắn với đào tạo hay không, vấn đề liên quan tới quản lý có thể có chức danh khác chứ không phải là GS.

Bên cạnh đó, đơn vị nào là nơi đánh giá, công nhận và bổ nhiệm GS, PGS? Sẽ là Hội đồng Chức danh GS Nhà nước như hiện nay hay là do các trường đại học như thông lệ trên thế giới? Mặt khác, ông Tùng chỉ rõ để được phong GS, PGS thì phải có bằng Tiến sĩ (TS). Nhưng ngay đào tạo TS ở nước ta đã và đang có vấn đề.

Ngoài ra, chính những vị GS, PGS được công nhận này có thể chính là người hướng dẫn hay ngồi hội đồng đánh giá về luận án TS đang có vấn đề đó. Vì thế, chất lượng đào tạo TS cũng có liên quan tới chất lượng PGS, GS.

Bàn về yêu cầu rà soát của Thủ tướng Chính phủ, ông Tùng đánh giá rất khó để “ra vấn đề” vì mọi thứ đang làm đều “rất đúng quy trình”. Như vậy, đúng quy trình mà có vấn đề tức là quy trình đang có vấn đề. Trong quy trình hiện nay có nhiều quy định rất mập mờ liên quan tới bỏ phiếu tín nhiệm. Để được công nhận đủ tiêu chuẩn GS, PGS hay không thì cần phải qua 3 vòng bỏ phiếu kín tín nhiệm của ba hội đồng (hội đồng cơ sở, hội đồng chuyên ngành, hội đồng quốc gia) với số phiếu đồng ý của mỗi hội đồng phải từ 2/3 đến 3/4, không đủ phiếu là trượt.

“Có những người đủ các điều kiện cứng nhưng lại trượt ở vòng bỏ phiếu kín. Bỏ phiếu trượt thì không cần có lý do và cũng không ai chịu trách nhiệm về việc này. Chính vì 3 vòng bỏ phiếu “tù mù” như vậy khiến nhiều người xứng đáng lại trượt oan”. Trong một chừng mực nhất định gọi là bỏ phiếu tín nhiệm nhưng hội đồng nằm tít ở cấp nhà nước mà bỏ phiếu cho cả nghìn người làm việc ở khắp các lĩnh vực khác nhau thì có chính xác? Thậm chí những người bỏ phiếu chưa bao giờ làm việc trực tiếp với ứng viên. Cũng có những người do “quan hệ tốt” mà được châm chước.

Theo TS Lê Trường Tùng, với tình hình hiện nay, đợt rà soát lại cần xem xét trên tiêu chí mới, cố xét theo tiêu chí cũ dường như không ổn. Đặc biệt, cần bổ sung ngay tiêu chí liên quan tới công trình khoa học được công bố quốc tế.

Một thành viên hội đồng về ngành toán tiết lộ với PV Báo Lao Động: Chính vì dự thảo văn bản mới không được áp dụng ngay nên mới dẫn đến nhiều người chạy đua cho “chuyến tàu cuối”. Hiện muốn biết chất lượng kém hay không cần xem tỉ lệ công bố quốc tế của từng ứng viên như thế nào so với các năm trước. Không thể đánh đồng vì đông người nên chất lượng đi xuống.

“Chuyện rà soát thực tế sẽ rất khó vì ai sẽ đứng ra làm trọng tài? Hội đồng không thể tự công nhận mình sai được, ai dám nói vậy? Bộ GDĐT cần có những hướng dẫn cụ thể chứ không thể chỉ nói chung chung là cần rà soát” - vị giáo sư này chia sẻ.

Tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hiện nay không quy định phải có công bố khoa học quốc tế. Việc bổ nhiệm chức danh hiện nay được thực hiện theo quy định trong Quyết định số 174 năm 2008 của Thủ tướng. Tháng 1.2017, Bộ GDĐT công bố dự thảo Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS. So với quy định hiện hành, tiêu chuẩn mới nhiều và cao hơn, đặc biệt ứng viên phải có công bố khoa học quốc tế.

Cụ thể, đến năm 2019, ứng viên chức danh GS thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc có ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một bằng độc quyền sáng chế.

Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Dự thảo này sau đó nhận được nhiều ý kiến trái chiều nên năm 2017 vẫn áp dụng tiêu chuẩn của Quyết định 174 (năm 2008) để xét công nhận chức danh GS, PGS. Vì thế, nhiều người đã “chạy đua” để kịp “chuyến tàu vét”. Đợt xét này, hơn 1.200 người đạt tiêu chuẩn GS, PGS, gấp 1,7 lần năm 2016 và gấp 2,3 lần năm 2015.


Theo Huyên Nguyễn/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều