Người bán vé số ở TP Hồ Chí Minh nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM phân phối.
Ngày 9/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng. Bao gồm: Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương. Mức hỗ trợ: 1,8 triệu/tháng; Hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu/năm bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/hộ/tháng; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/tháng; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do). Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/tháng; Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/người; Đối tượng bảo trợ xã hội. Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/người/tháng; Hộ nghèo, cận nghèo. Mức hỗ trợ: 250.000 đồng/người/tháng;
Gói hỗ trợ này được cho là “phao cứu sinh” cho người lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, là chính sách hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước. Không chỉ đối tượng được thụ hưởng vui mừng chờ đợi, mà cả xã hội vui mừng.
Tới nay, gói hỗ trợ đã được triển khai gấp rút ở nhiều địa phương. Các nhóm đối tượng được thụ hưởng từ gói hỗ trợ này đều đang chờ đợi.
Thời gian qua, thực tế tình hình dịch bệnh đã khiến việc sản xuất, kinh doanh giảm sút. Các doanh nghiệp dù đã rất cố gắng duy trì sản xuất nhưng trong nhiều trường hợp là rất khó vượt qua nếu không được hỗ trợ, vì thế đã phải buộc lòng phải đưa ra những biện pháp tình thế. Từ đó nhiều người lao động thiếu việc làm, mất việc làm, thu nhập giảm sút hoặc là không có thu nhập. Những đối tượng khác cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những người lao động tự do, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm thất nghiệp, không có thu nhập ổn định hàng tháng. Họ sống bằng những công việc “phập phù” mỗi ngày, trong đó có những người bán vé số, người chạy xe ôm, xích lô, người bán hàng rong, buôn bán lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định, những người thu gom rác, phế liệu, bốc vác…
Thấu hiểu nỗi khổ của người dân, người lao động nghèo trong hoàn cảnh dịch giã, cùng với việc quyết định gói hỗ trợ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong thời gian sớm nhất sự hỗ trợ đó phải đến tay người cần hỗ trợ, đúng đối tượng. Vì rằng, họ là bộ phận yếu thế trong xã hội, không có tích lũy, một ngày không có tiền là một ngày khổ. Họ là những người dễ bị “đánh gục” nhất.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã tích cực, khẩn trương kiểm tra, rà soát, lên danh sách những người được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, đó cũng là công việc không hề đơn giản, bởi cũng rất khó biết được chính xác ai, hộ nào đúng là đối tượng thụ hưởng của gói hỗ trợ này. Nhất là với những người lao động tự do, nay đây mai đó… thì việc thống kê chính xác lại càng khó hơn.
Trong lúc này, sự hỗ trợ rất cần nhưng cũng rất cần đảm bảo đúng đối tượng sự công bằng. Không thể để người “ngoài đối tượng thụ hưởng” có tên trong danh sách, trong khi những người cuộc sống vật lộn vất vả, thấp cổ bé họng thì lại bị ra rìa. Theo quy định, người lao động tự do (thuộc đối tượng hỗ trợ) có nhu cầu gửi Giấy đề nghị hỗ trợ (theo mẫu) đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp. Nhưng không phải ai cũng biết để làm đơn (chưa nói là làm đơn không đúng quy cách), làm đơn chậm.
Đó là từ phía người lao động tự do, yếu thế. Còn phía người “thụ lý” đơn xin được hỗ trợ thì sao?
Ở đây không vội quy chụp họ cố tình làm sai, lập “danh sách giả” để đưa những người hoặc những hộ không đúng đối tượng hộ trợ vào danh sách - mà muốn nói rằng rất cần có sự giám sát để thật đúng đối tượng, không thiệt cho người nghèo và cũng không để một chủ trương, chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước bị trục lợi, bị phá hủy.
Trong những thành phần tham gia thống kê, lập danh sách, rà soát để hỗ trợ, hơn lúc nào hết lúc này rất cần đến những người làm công tác Mặt trận ở cơ sở. Họ chính là những người gần dân, hiểu dân, là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên rất khách quan, vô tư và giàu tình nhân ái do họ thấu hiểu hoàn cảnh từng người, từng nhà trong khu dân cư nơi mình sinh sống. Khi những cán bộ Mặt trận ở cơ sở được tham gia, được lắng nghe, được tôn trọng thì công việc chỉ tốt hơn lên mà thôi.
Cẩn thận không bao giờ thừa. Một chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước cần phải được thực hiện một cách chu toàn nhất. Vì thế rất cần phải được giám sát cẩn trọng trên tinh thần khách quan, vô tư, công bằng nhất để sự hỗ trợ quý báu đến được tay những người đang rất cần. Trong đó có vai trò quan trọng của người làm công tác Mặt trận.
Theo Nam Việt/Đại đoàn kết