Sức sống mới trên những buôn làng nam Tây Nguyên

Lâm Đồng ở phía nam Tây Nguyên, là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh trong quá trình phát triển. Thời gian qua, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước bằng những chủ trương, chính sách, nguồn lực để phát triển vùng dân tộc thiểu số; cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của người dân, cuộc sống và diện mạo các buôn làng tại tỉnh phía nam Tây Nguyên đang đổi thay từng ngày.

 

Sắc màu mới ở những thôn, buôn dưới chân dãy Bidoup, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Minh chứng sống động của sự đổi thay đang hiển hiện trên những vùng đất khó một thời ở Lâm Đồng, như Đưng K’Nơh, Đạ Chais, huyện Lạc Dương, nơi từng được ví là ốc đảo giữa đại ngàn; hay miền thâm sơn Lộc Lâm, xứ thâm u Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, đến “xứ cô đơn” một thuở Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên… Giờ không còn những ví von ấy nữa, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và nhiều xã đã, đang triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Hôm nay, đường lên vùng đất anh hùng Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng đã thật gần. Khoảng cách vẫn thế, nhưng núi đã “cõng” con đường nhựa như mơ lên xứ này. Miền đất năm xưa, nay mang dáng hình một Đồng Nai Thượng đổi thay đến ngỡ ngàng.

Cách đây chừng 15 năm, Đồng Nai Thượng, địa danh khi nhắc đến khiến nhiều người không khỏi giật mình về cái nghèo, cơ cực cả về kinh tế lẫn đường đi. Trong kháng chiến chống Mỹ, miền đất này là vùng căn cứ quan trọng thuộc Chiến khu D.

Trong ngôi nhà mới khang trang, già làng, cựu chiến binh Điểu K’Lộc kể, cuối những năm sáu mươi thế kỷ trước, vùng này chỉ vỏn vẹn mấy nóc nhà dài, nhưng đồng bào Mạ, S’Tiêng một lòng theo cách mạng, cầm súng chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo đảm an toàn cho cán bộ khu ủy. “Chuyện xưa không kể hết đâu. Giờ đồng bào đang tự hào về sự đổi thay trên vùng quê cách mạng. Đảng, Nhà nước đã đưa cái chữ, ánh điện, y tế lên Đồng Nai Thượng rồi, đời sống đã khá lên nhiều, mọi người đều vui lắm”, già K’Lộc chia sẻ.

Từ năm 2019, xã Đồng Nai Thượng đã cán đích nông thôn mới; hơn 430 hộ, phần lớn là đồng bào Mạ, S’Tiêng đã sống quần tụ tại năm thôn, chạy dọc theo tuyến đường nhựa đã “cõng” sự gần gũi đến với xứ này. Phó Chủ tịch UBND xã Điểu Thị Prợt ví von, giờ đây, những người con đồng bào Mạ, S’Tiêng đã nghĩ về những ngày hội. Và sẽ có những huyền thoại được tiếp nối trên miền đất anh hùng này. “Bây giờ đi một vòng quanh các buôn làng mới thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đất này; mới hiểu được sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới”, bà Prợt nói.

Quả thật, giờ đây, bên những triền núi, nơi có dòng nước mát từ suối Đạ Ròong, Đạ Tơi chảy về, mầu xanh cây trái, lúa nước đã thay cho mầu cỏ dại; thu nhập bình quân đầu người đã đạt hơn 51 triệu đồng/năm. Đồng Nai Thượng đang bắt tay xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2025, điều đó như một kỳ tích.

Ngược phía cao nguyên B’Lao, chúng tôi đến xã anh hùng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Trong nhà Dài truyền thống người Mạ, già làng K’Diệp kể: “Mình đi làm cách mạng từ năm 1963 cùng với nhiều anh em trong các buôn làng. Chuyện chiến đấu bảo vệ quê hương nhiều lắm, kể không hết đâu. Giờ nói chuyện đổi mới thôi...”. Già K’Diệp cho biết, cách nay chừng 10 năm, xã Lộc Bắc còn lắm khó khăn, cuộc sống người dân chủ yếu nhờ lộc rừng, giờ đã là xã nông thôn mới.

Rảo bước trên những cung đường trải bê-tông, có gắn tên theo số, mới thấy sự đổi thay trên những buôn làng dưới chân dãy Đăng PòtCàl. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lộc Bắc K’Tư cho biết, xã vùng sâu này phần lớn là đồng bào dân tộc bản địa Mạ, Cơ Ho sinh sống; toàn xã có bốn thôn, dân số hơn 4.850 người. Được diện mạo như hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự quyết tâm, đồng thuận của xã cùng người dân.

Nhờ vậy mà xã Lộc Bắc cán đích nông thôn mới như một kỳ tích, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 43 triệu đồng/năm. “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới nâng cao. Biết là khó, nhưng với truyền thống xã anh hùng, cùng với sự chung sức, đồng lòng, mình tin sẽ làm được”, ông K’Tư bày tỏ.

Chuyện xưa buôn làng đói cơm thiếu áo, nhưng người dân vẫn cùng thức trắng, lo cho bộ đội từng hạt muối, bát cơm và vẫn bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm. Đó là chuyện mà các già làng nam Tây Nguyên vẫn tự hào kể lại cho lũ trẻ nghe. Giờ đây, khi buôn làng bập bùng ánh lửa, họ còn kể thêm những chuyện về làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng văn minh, cho con em học hành đỗ đạt…

Cách đây 50 năm, ở tuổi đôi mươi, Cil Ha Nhưng (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã tham gia cách mạng, rồi vào bộ đội đến ngày giải phóng. Nghe tôi hỏi chuyện, ông nói: “Kể không hết chuyện của làng kháng chiến này đâu. Giờ đồng bào mình lo giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế, chăm lo cho con em ăn học, chung tay xây dựng buôn làng giàu đẹp. Xã mình đạt nông thôn mới lâu rồi mà”.

Thời kháng chiến, tất cả người dân ở các buôn làng Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si, KLong KLăn ở vùng căn cứ địa này đều nhất tề theo cách mạng, tham gia kháng chiến. Theo Chủ tịch UBND xã Thân Văn Nghiên, dân số Đạ Chais hơn 2.100 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số gần 82%. Hiện cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực của nhân dân, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân đã đổi thay rõ nét. Điều quan trọng, Đạ Chais giờ không còn là “ngõ cụt”, Quốc lộ 27C ngang qua, đã tạo cho vùng đất anh hùng này thế phát triển mới, từ kinh tế-xã hội đến du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Lâm Đồng có 47 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 25,7%; toàn tỉnh có 78 xã, 478 thôn, tổ dân phố theo tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lâm Đồng đầu tư 10 dự án thành phần, với tổng nguồn vốn hơn 1.734 tỷ đồng; huy động nguồn lực từ tổ chức tín dụng hơn 452 tỷ đồng và sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Đây là sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Nhà nước, giúp các vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng có thêm động lực để phát triển. Toàn tỉnh hiện có 107/111 xã và năm huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 73/78 xã vùng dân tộc thiểu số; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,6 triệu đồng, cao nhất khu vực Tây Nguyên; đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm còn 3,1%.

Trong câu chuyện với Phó Chủ tịch HÐND tỉnh Lâm Đồng K’Mák, ông cho biết: Với đặc thù công việc, tôi có điều kiện để về cơ sở, đến với người dân và rất vui khi được nghe già làng, người có uy tín ở các thôn, buôn nói rằng: “Lâm Ðồng hiện không còn nơi nào thật sự để gọi là vùng sâu, vùng xa nữa. Đồng bào mình cái bụng nghĩ sao thì nói vậy, ngắn gọn, nhưng đã diễn tả được sự đổi mới vượt bậc trên những vùng đất khó khăn một thời ở tỉnh nhà”.

Quả thật, bây giờ ở Lâm Đồng, hệ thống đường giao thông chất lượng đã phủ khắp, tất cả các xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô-tô đến trung tâm. Những đôi chân của bà con người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, M’Nông bản địa và đồng bào dân tộc thiểu số từ nhiều vùng, miền Tổ quốc chọn cao nguyên này làm quê hương, giờ thoải mái đi về trên những cung đường trải nhựa, trải bê-tông; tất cả các thôn đã có điện lưới quốc gia, y tế, bưu điện; các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và tất cả trẻ em trong độ tuổi được đến trường.

Hôm nay, sức sống mới đã về trên những buôn làng nam Tây Nguyên. Phía trước đang có nhiều niềm tin, khát vọng và không ít thử thách. Tin rằng, mạch nguồn phát triển sẽ được nối dài trên vùng đất đầy tiềm năng và thế mạnh Lâm Đồng. Ở đó, các dân tộc anh em đang hòa chung bài ca đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều