Tác động xã hội và ứng phó của Việt Nam trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 được xem là thảm họa toàn cầu mà nhân loại phải đối diện kể từ sau thế chiến lần thứ II. Đại dịch này đã tác động toàn diện đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, tôn giáo... Song điều đáng quan tâm là cuộc sống của nhóm yếu thế ở cộng đồng đang bị ảnh hưởng nặng nề dưới những tác động này. Điều đó đòi hỏi phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp đánh giá, ứng phó kịp thời, nhằm giảm thiểu hệ lụy tiêu cực tới xã hội và nhóm yếu thế do dịch Covid-19 gây ra.
 

Đoàn kết quân và dân giữa đại dịch Covid-19_Ảnh: TTXVN

Tác động xã hội của đại dịch Covid-19 đối với đời sống con người

Đại dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam cuối tháng 1-2020 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội và làm đảo lộn mọi thói quen sinh hoạt đời thường của người dân.

Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, lao động mất việc làm, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức là điều dễ nhận thấy nhất. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), nhóm doanh nghiệp FDI sản xuất chậm lại do thiếu vật tư, nguyên liệu, linh kiện sản xuất nhập từ Trung Quốc. Một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp liên quan đến các mặt hàng xuất nhập khẩu không chỉ thiếu vật tư mà còn do ách tắc, khó khăn thủ tục ở cửa khẩu. Nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng đã ngừng hoạt động do không có khách vì nhiều nước trên thế giới đồng loạt đóng cửa biên giới và việc triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020, của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Không ít làng nghề sản xuất mặt hàng mỹ nghệ, thủ công xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu cũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhiều cửa hàng, hộ gia đình kinh doanh cá thể các mặt hàng không thiết yếu cũng phải dừng hoạt động để phòng, tránh dịch lây lan. Những chuyển biến theo hướng tiêu cực này nhanh chóng tác động đến thị trường lao động, việc làm, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt là rất đông người lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, làng nghề, hộ kinh doanh cá thể, lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, như xe ôm, bán hàng rong, bán vé số, bán báo, đánh giầy, lao động giúp việc… ở thành phố nhanh chóng bị mất việc làm. Một số lượng lớn lao động, trong đó có sinh viên phải di cư ngược trở lại vùng nông thôn. Không ít lao động mạo hiểm ở lại khu nhà trọ với mong muốn đợi dịch qua nhanh để làm việc. Nếu dịch bệnh kéo dài, cuộc sống của các nhóm này sẽ gặp nhiều khó khăn. Họ không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Và nếu các chính sách xã hội cũng như các gói hỗ trợ, tương trợ cộng đồng triển khai muộn rất có thể nảy sinh một số hệ lụy xã hội liên quan đến gia tăng mâu thuẫn, bạo lực, xung đột xã hội, vấn nạn trộm cắp, mại dâm, ma túy, rượu bia ở cả nông thôn và thành thị, hiện tượng khai phá tài nguyên...

Thị trường hàng hóa không khan hiếm nhưng hiện tượng đầu cơ, tích trữ, hàng giả, hàng nhái và khác biệt xã hội gia tăng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các thành phố lớn, có nguy cơ lan rộng ra cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều thông điệp và chỉ đạo ngành y tế cung cấp đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay, găng tay, thuốc men nhằm phòng, chống dịch; ngành công thương bảo đảm lượng hàng hóa đầy đủ trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện dụng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá, tích trữ hàng hóa. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tồn tại hiện tượng một số cửa hàng gom hàng, nâng giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của hàng hóa; làm hàng giả, tái chế khẩu trang y tế nhằm trục lợi. Nhìn bức tranh tiêu dùng hàng hóa thời điểm dịch Covid-19 có thể thấy dấu hiệu khác biệt trong xã hội khi một bộ phận dân cư kinh tế khá giả có hành vi tích trữ đồ, trong khi nhóm thu nhập thấp, yếu thế vẫn đang loay hoay mưu sinh từng ngày. Hình ảnh tại một số khu cách ly tập trung người dân từ vùng dịch về người thân có điều kiện kéo đến tiếp tế tủ lạnh, rượu, bia, một số người lại có hành vi phát ngôn chê bai điều kiện ăn ở nơi cách ly “không giống như ở nhà”... đã làm tổn thương các nhóm xã hội, trong đó có cả nhóm yếu thế và các cán bộ đang ngày đêm nỗ lực chống dịch.

Tâm lý xã hội lo lắng thái quá, hình thành thái độ phân biệt, kỳ thị xã hội. Người dân lo lắng và có thái độ phân biệt, kỳ thị cũng xảy ra khi ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Vĩnh Phúc cuối tháng 1-2020 đã gây tâm lý sợ hãi ở nhiều người dân và cộng đồng ở thành thị cũng như nông thôn. Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức hiểu biết đúng về dịch Covid-19 được triển khai rộng khắp toàn xã hội nhưng bầu tâm lý lo lắng thái quá đã dẫn đến hành vi thiếu hợp tác khai báo y tế, trốn tránh cách ly, phân biệt, kỳ thị xã hội, xúc phạm, xa lánh, lập rào chắn đường đi vẫn tồn tại ở nhiều cấp độ trong đời sống xã hội. Đáng quan tâm hơn là, một số cá nhân do thiếu hiểu biết, lợi dụng hiện tượng dịch bệnh đã xuyên tạc, bịa đặt, đưa thông tin sai, dẫn đến xã hội hình thành luồng tin đồn không đúng về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, về người mắc Covid-19 và nhân thân của họ, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người bệnh và gia đình, gây hoang mang trong cộng đồng, xã hội.

Tổ chức xã hội, hành vi văn hóa và các nghi lễ, tập tục trong đời sống xã hội cũng vì thế mà đảo lộn. Cách đây 3 tháng, cuộc sống thường ngày của người dân trên mọi miền đất nước từ hành vi ăn uống, vui chơi giải trí và thực hành các nghi lễ tôn giáo, tập tục đều diễn ra theo bản sắc văn hóa riêng mang tính vùng miền. Nhưng từ khi có đại dịch Covid-19, mỗi người dân Việt Nam đã và đang điều chỉnh thói quen, hành vi xã hội, nghi lễ và tập tục phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh chống dịch, nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như gia đình. Có thể nói, những bản sắc văn hóa có tính thương hiệu của người Việt như “món ăn vỉa hè”, “cà phê phố cổ”, “phố đi bộ”, “chợ đêm” đã phải tạm gác lại bởi những thông điệp về quy định mới trong thời dịch “giãn cách xã hội”, “cách ly xã hội”, “văn hóa khẩu trang”, “văn hóa online”.

Các quy định mới cùng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 là những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch, đòi hỏi mỗi công dân phải có ý thức trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hành vi không tuân thủ quy định của chính quyền về phòng, tránh dịch bệnh, gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho người dân và làm giảm thành quả của công tác phòng, chống dịch.

Củng cố niềm tin và tăng sự đồng thuận trong xã hội. Tính đến ngày 20-4-2020, sau 3 tháng chống dịch, Việt Nam đã có 268 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó hai phần ba ca nhiễm đã được chữa khỏi. Điều đáng chú ý là tại thời điểm này, ngoài số ca nhiễm đã giảm xuống, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong do nhiễm Covid-19. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang có kết quả hết sức khả quan mang đến niềm tin tuyệt đối trong nhân dân về định hướng của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự thống nhất và tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch (bác sĩ, nhân viên y tế, bộ đội) đã ngày đêm chăm sóc bệnh nhân và những người dân đang thực hiện trách nhiệm cách ly… Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tự nguyện ủng hộ hiện vật, tài chính cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam, cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong những lúc khó khăn bởi dịch bệnh, mỗi người dân Việt Nam đều cảm nhận được thông điệp của Chính phủ “sẵn sàng chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế ngắn hạn để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân lâu dài” và “không để ai bị bỏ lại đằng sau”.

Từ những định hướng đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, đến sự tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, các tổ chức xã hội và đặc biệt là ý thức chống dịch của người dân dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế, đã mang đến những thành quả quan trọng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh ở trong nước. Điều đáng quan tâm là kết quả này đã mang đến sự tin tưởng sâu sắc trong nhân dân và bạn bè quốc tế về tính ưu việt của chế độ và Nhà nước Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là từ bằng chứng về định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cho thấy tính thống nhất cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn thể xã hội trong phòng, chống dịch bệnh. Thực tiễn này không chỉ phản ánh truyền thống, sức mạnh của dân tộc ta mỗi khi đất nước đối diện với những khó khăn mà còn phản ánh bản lĩnh vững vàng của dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử.

Ứng phó của Việt Nam trước viễn cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

 

Người dân thuộc nhóm đối tượng khó khăn của huyện Cần Giuộc (Long An) đến nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội_Ảnh: TTXVN

Những biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 ở các quốc gia trên thế giới diễn ra rất đa dạng, phụ thuộc quan điểm chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo cũng như mức độ lây lan của dịch bệnh. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên khắp các khu vực và toàn cầu, tại nhiều quốc gia ở Tây Âu và Bắc Mỹ ban đầu có quan niệm chủng vi-rút SARS-CoV-2 cũng tương tự như vi-rút cúm mùa và cơ thể con người sẽ tự có sức đề kháng để vượt qua nó. Họ thực hiện chưa đầy đủ các biện pháp phòng, tránh như tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Đến khi một số nước bị dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng với số người bị lây nhiễm và tử vong tăng cao, hệ thống y tế quá tải thì các biện pháp ứng phó mới được triển khai mạnh mẽ. Trong khi đó, một số quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… lại khá chủ động và có biện pháp ứng phó quyết liệt, kịp thời nhằm kiểm soát dịch bệnh cũng như để lại nhiều bài học trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho các quốc gia trên thế giới. Trước viễn cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm giảm thiểu các tác động xấu đến nền kinh tế và an toàn cuộc sống nhân dân, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch với mục đích bảo đảm an toàn tính mạng người dân, ổn định an ninh, trật tự xã hội, đồng thời, duy trì tối đa các hoạt động của nền kinh tế, theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đưa ra là bảo đảm mục tiêu “kép” vừa quyết liệt chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Chính phủ sớm chủ động các kịch bản phục hồi nền kinh tế, quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội, nhất là nhóm lao động khu vực kinh tế phi chính thức và nhóm yếu thế. Dịch Covid-19 đã tác động xấu đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hoạt động sản xuất của nhiều tập đoàn, loại hình doanh nghiệp, các làng nghề, hộ kinh doanh cá thể, nhóm lao động khu vực kinh tế phi chính thức, các chủ thể sản xuất, kinh doanh đứng trước nhiều khó khăn không lường hết được hệ quả và cần đến sự quan tâm, trợ giúp từ phía Nhà nước. Trước tình hình đó, Chính phủ đã nhanh chóng đề xuất các biện pháp nhằm ứng phó hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động cũng như nhóm yếu thế trong xã hội. Các biện pháp hỗ trợ được Chính phủ đưa ra là giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ vốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ và nâng cao khả năng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp. Chính phủ cũng triển khai một loạt các chính sách an sinh xã hội đặc biệt cho người lao động như hỗ trợ mức lương tối thiểu đối với nhóm người lao động, thực hiện gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội. Một số địa phương đã chủ động hỗ trợ thêm các đối tượng yếu thế trong xã hội, hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Phát huy tốt vai trò của Nhà nước trong điều hành, kiểm soát thị trường, bảo đảm đầy đủ mặt hàng y tế, hàng thiết yếu, ổn định tâm lý người dân. Trước thực tế một số doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng y tế, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân đã tự ý tăng giá, gom hàng, tiêu thụ hàng giả kém chất lượng… gây hoang mang và làm giảm niềm tin của nhân dân về vai trò của Nhà nước trong quản lý và điều tiết thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền thường xuyên kiểm tra thị trường, xử phạt nghiêm những hoạt động kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân. Sau khi được triển khai, một số biện pháp, tình trạng trục lợi kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đã giảm, song ở một số nơi vẫn còn hiện tượng tích trữ hàng, kể cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cán bộ thi hành công vụ, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm những sai phạm của doanh nghiệp, cá nhân về phòng, chống dịch. Đồng thời phát huy quyền của người tiêu dùng, vai trò của dư luận xã hội trong việc đánh giá chất lượng hàng hóa, đạo đức doanh nghiệp, tẩy chay những doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, tăng giá cao, tiêu thụ hàng giả, phê phán những hành vi tích trữ hàng hóa.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và đa dạng hóa kênh tuyên truyền nhằm đẩy lùi sự phân biệt, kỳ thị, tung tin đồn sai về dịch bệnh. Nhiều người dân hiểu biết chưa đầy đủ về Covid-19 dẫn đến tâm lý sợ hãi, nảy sinh sự phân biệt, kỳ thị người nhiễm bệnh, nhóm nguy cơ cao và cộng đồng. Trước hành vi xuyên tạc đưa tin đồn sai về người nhiễm và cộng đồng có dịch…, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài có nhiều hình thức tuyên truyền nhằm giảm sự kỳ thị với cá nhân, cộng đồng không may nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Chính quyền địa phương cũng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như phát tờ rơi đến hộ gia đình, phát huy thế mạnh của các mạng lưới xã hội, cũng như vai trò của cộng đồng, dòng họ và gia đình trong việc tuyên truyên nhằm nâng cao hiểu biết về dịch bệnh và cách phòng, tránh phù hợp, có chế tài xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm nhằm đẩy lùi sự phân biệt, kỳ thị trong cộng đồng xã hội những trường hợp bị mắc bệnh.

Ban hành hướng dẫn và khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp điều chỉnh phương thức tổ chức làm việc, hành vi, lối sống phù hợp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ lây rộng ra cộng đồng, tác động đến thói quen, lối sống, tổ chức và sắp xếp đời sống gia đình, xã hội, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp kịp thời kiểm soát dịch bệnh đồng thời bảo đảm các hoạt động xã hội không có nhiều xáo trộn. Các khuyến cáo và hướng dẫn như đeo khẩu trang, rửa tay, giãn cách xã hội, các lớp học trực tuyến, cuộc họp làm việc online, một số công việc có thể làm việc tại nhà được đưa ra một cách chừng mực, có kiểm soát, nhằm giúp người dân, các tổ chức xã hội điều chỉnh hành vi, thích ứng với cuộc sống khi tình hình dịch bệnh chưa kết thúc.

Giảm thiểu tác động xã hội tiêu cực, nâng cao ứng phó và thích ứng của người dân, cộng đồng

 

Hình ảnh tổ bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines trên chuyến bay  ngày 29-3-2020 chở công dân Ucraina về nước và đón công dân Việt Nam trở về quê hương _ Ảnh: VNA

Đại dịch Covid-19 được xem như là một cú sốc mang tính toàn diện đối với hoạt động kinh tế, xã hội, tâm lý con người. Với những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian vừa qua, Việt Nam đang được thế giới đánh giá là nước kiểm soát khá tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thời gian tới, các biện pháp phòng, chống dịch vẫn phải bám sát vào diễn biến tình hình thực tiễn để có các quyết sách phù hợp.

Nếu dịch bệnh thuyên giảm, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai song song hoạt động phòng, chống dịch và phát triển kinh tế. Trong đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục hướng sự quan tâm vào các dòng di cư nội địa, quốc tế, truy tìm triệt để nguồn bệnh, kiên trì nguyên tắc phòng, chống dịch mà Việt Nam đang theo đuổi. Đó là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, phong tỏa. Trong đó, biện pháp “giãn cách xã hội” mang tính quyết định của việc ngăn ngừa bệnh lây lan. Bên cạnh sự tham gia tích cực của lực lượng tuyến đầu chống dịch trong ngành y tế, quân đội, công an, còn cần huy động cả sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội… Đồng thời trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, ngoài việc bảo đảm duy trì hoạt động, vẫn cần điều chỉnh phương thức hoạt động và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch ở cả phía người dân, cộng đồng và bên ngoài xã hội. Các chính sách hỗ trợ quan tâm đến việc khôi phục sản xuất của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của lao động, nhất là các nhóm yếu thế vẫn tiếp tục được chú ý, nhằm bảo đảm khả năng thích ứng cuộc sống tốt nhất của các nhóm này trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.   

Nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, tập trung ưu tiên công tác phòng, chống dịch, tạm dừng các hoạt động kinh tế, xã hội nhưng vẫn duy trì hoạt động của lĩnh vực sản xuất. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 có thể phải chuyển hướng cách ly, phong tỏa triệt để ở cấp cộng đồng nhằm truy tìm triệt để nguồn bệnh, kiên trì nguyên tắc chống dịch phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng. Biện pháp cách ly xã hội mang tính quyết định của việc ngăn ngừa bệnh lây lan giữa các cộng đồng. Các địa điểm cách ly cũng được tổ chức ngay tại các trụ sở cộng đồng như trường học, trụ sở làm việc xã/phường, cơ quan, doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện y tế cần thiết. Các nguồn lực vật chất, tinh thần của các chủ thể doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ở cộng đồng, địa phương cần huy động triệt để với phương châm bằng mọi giá phải kiểm soát và ngăn triệt để dịch bệnh ở cấp độ cộng đồng.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm, sự chỉ đạo quyết liệt, khoa học, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 sẽ thành công. Điều đó không chỉ cho thấy tính ưu việt của chế độ ta mà còn góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo PGS, TS. NGUYỄN ĐỨC CHIỆN/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều