|
Tình nguyện viên Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh trồng cây tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh TRUNG ƯƠNG ĐOÀN CUNG CẤP)
|
Thực hiện cam kết của Việt Nam đối với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia đến năm 2030 gồm 115 mục tiêu cụ thể, phân kỳ theo hai giai đoạn 2017-2020 và 2021-2030. Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã góp phần cụ thể hóa Kế hoạch qua những chương trình, phần việc cụ thể, nhất là về khía cạnh bảo vệ môi trường trong ba nền tảng của phát triển bền vững gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trong triển khai phong trào tuổi trẻ chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiêu biểu như Chương trình "Vì một Việt Nam xanh" với mục tiêu trồng mới ít nhất 100 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025, Chiến dịch "Hãy làm sạch biển", Ngày hội "Thanh niên hành động chống rác thải nhựa"… Năm 2023, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án "Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" giai đoạn 2023-2027.
Những kết quả tích cực nêu trên đã góp phần hoàn thành mục tiêu số 13 "Hành động về khí hậu" trong 17 mục tiêu phát triển bền vững. Thế nhưng, để nâng cao hơn nữa vai trò của thanh niên Việt Nam trong thực hiện toàn bộ các mục tiêu mà Liên hợp quốc đã đề ra, các cấp bộ đoàn và tuổi trẻ cả nước cần thật sự trở thành những hạt nhân tạo nên thay đổi, đi đầu về đổi mới sáng tạo.
Từ tháng 7-12/2022, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam đã phối hợp triển khai Khảo sát nghiên cứu "Vai trò của thanh niên trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam" tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước. Khảo sát nhằm mục tiêu hỗ trợ thanh niên Việt Nam nâng cao năng lực để trở thành công dân toàn cầu, tham gia tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Kết quả cho thấy, có tới 70% số bạn trẻ tham gia khảo sát thừa nhận từng nghe nói tới các mục tiêu phát triển bền vững nhưng lại không rõ các chỉ số cụ thể. Trong đó, tỷ lệ thanh niên hiểu biết về mục tiêu phát triển kinh tế là cao nhất (hơn 72%). Đáng chú ý, gần 66% số thanh niên cho rằng công nghệ, kỹ thuật là một trong những nguồn lực thanh niên cần có để đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững; gần 57% cho rằng thiếu kiến thức, kỹ năng lập thân, lập nghiệp là yếu tố cản trở sự tham gia của giới trẻ vào phát triển bền vững.
Cũng theo khảo sát, mức độ hiểu biết của thanh niên về các mục tiêu phát triển bền vững phần lớn phụ thuộc vào môi trường sinh sống, học tập và tham gia hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, các bạn trẻ thường chỉ biết tới một số mục tiêu phổ biến hoặc liên quan trực tiếp, dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, mức độ hiểu biết của thanh niên thường chỉ dừng lại ở tên gọi của các mục tiêu phát triển bền vững. Theo các bạn trẻ tham gia khảo sát, mục tiêu phát triển bền vững quan trọng nhất đối với thanh niên hiện nay là bảo đảm nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Chia sẻ về những điều kiện để nâng cao vai trò của thanh niên trong các mục tiêu phát triển bền vững, Phạm Thị Nga (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đại diện các nhóm bạn trẻ tham gia khảo sát, đề xuất 3 vấn đề lớn: Thanh niên cần tự nâng cao kiến thức, kỹ năng để trở thành những nhà lãnh đạo trẻ, công dân toàn cầu năng động; cần có nguồn lực hỗ trợ để thanh niên áp dụng kiến thức trong hành động, ra quyết định, phát huy tiềm năng thông qua thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; tạo điều kiện để thanh niên được tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng cũng như giám sát chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.
Theo Linh Phan/Báo Nhân dân