Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật. Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, là một nội dung của phương thức lãnh đạo, là bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tham quan Triển lãm lịch Đảng bộ Bộ Ngoại giao bên lề Hội nghị về công tác xây dựng Đảng và công tác Đảng ngoài nước, tháng 12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đạo đức là nền tảng của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên. Tư tưởng và đạo đức của Người đã trở thành tấm gương sáng cho việc tự rèn luyện, phấn đấu của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng là kim chỉ nam cho việc quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên của các tổ chức đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng; kỷ luật của Đảng là kỷ luật nghiêm minh, kỷ luật sắt. Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát và giữ gìn kỷ luật của Đảng là củng cố đoàn kết nội bộ, giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. 

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo không chỉ có nhiều thuận lợi và cơ hội, mà còn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức và nguy cơ, tác động rất phức tạp đến vai trò lãnh đạo của Đảng, đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cũng đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng và nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện cho được là: “...khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...”(1).

Hiện nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, các mối quan hệ đối ngoại chuyển động mạnh mẽ trong tiến trình chủ động hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn trên nhiều lĩnh vực; khoa học - kỹ thuật phát triển nhanh, nhất là công nghệ thông tin đã làm xuất hiện các phương thức quản lý mới. Trong khi đó, tình hình quốc tế diễn biến rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Sự tan rã và mất quyền lãnh đạo của một số đảng cộng sản cầm quyền, gắn liền với nó là chủ nghĩa xã hội hiện thực tạm thời lâm vào thoái trào tuy đã diễn ra cách đây hơn 20 năm song vẫn còn tác động lớn đến tư tưởng và lý tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. 

Trong quá trình thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và đẩy nhanh việc hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, những mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên. Trong khi đời sống còn khó khăn, nếu bản thân cán bộ, đảng viên không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ổn định về tư tưởng, lại không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì rất dễ vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dẫn đến quan liêu, độc đoán chuyên quyền, lộng quyền và lạm quyền. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng sẽ giúp cho Đảng hạn chế, ngăn ngừa những nguy cơ đó, trước hết và quan trọng nhất là từ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã nghiêm khắc, kiên quyết xử lý các tổ chức đảng và đảng viên, do thiếu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, có biểu hiện cơ hội, thực dụng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, tham nhũng, quan liêu đi đến suy thoái về chính trị, về phẩm chất, đạo đức, lối sống (trong nhiệm kỳ Đại hội X, số đảng viên bị thi hành kỷ luật do mắc những khuyết điểm trên chiếm 14,4% tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật; năm 2011 là 13,8%; sáu tháng đầu năm 2012 là 14%).

Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc lãnh đạo hiệu quả sự nghiệp đổi mới; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục, rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; giữ nghiêm kỷ luật đảng, răn đe, ngăn ngừa vi phạm; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Nhiều cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng chương trình kế hoạch, trực tiếp kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng, đạt được những kết quả thiết thực. Ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát và trực tiếp thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định.

Trong bối cảnh các tổ chức đảng, nhất là cán bộ, đảng viên của Đảng chịu sự tác động của nhiều nhân tố phức tạp đan xen nhau, vấn đề giữ vững và nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên đang đứng trước những thách thức mới. Đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức, thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Tổ chức cơ sở đảng ở nhiều nơi yếu kém, không phát huy được vai trò lãnh đạo. Bệnh quan liêu, độc đoán, chủ quan, kèn cựa địa vị, cá nhân chủ nghĩa còn nặng. Những hạn chế, yếu kém đó một phần là do công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng còn nhiều bất cập; nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về vị trí, vai trò công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chưa đầy đủ; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ kiểm tra còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc xử lý kỷ luật trong Đảng cũng còn có nơi, có lúc chưa nghiêm.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ra Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đã khẳng định: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững; niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. 

Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một trong những vấn đề cấp bách nổi lên hiện nay là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của “Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc”(2).

Để khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, mà trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã đề ra mục tiêu, phương châm và hệ thống các giải pháp cần thực hiện đồng bộ, trong đó xác định rõ: “Phải làm kiên quyết, kiên trì,..., thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ”, phải “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát...” và giao cho ủy ban kiểm tra các cấp nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng nội dung gợi ý cho các cấp ủy viên trước khi tiến hành tự phê bình và phê bình; đồng thời có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Tinh thần trên cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI; đây là công cụ đắc lực để khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Muốn vậy, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện được nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng đó, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, đặc biệt là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong công tác xây dựng Đảng nói chung và đấu tranh chống suy thoái, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói riêng.

Thứ hai, không ngừng nâng cao tính tự giác, tự phê bình và tự kiểm tra của tổ chức đảng và đảng viên. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển và là một trong những nguyên tắc hoạt động của Đảng. Tự phê bình và phê bình tốt thì trong Đảng mới lành mạnh, có kỷ cương, ngoài xã hội mới có sự đồng thuận. Do vậy, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong cấp ủy, trong tổ chức đảng phải làm kỹ, thực sự trung thực, cầu thị; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dễ người, dễ ta”, không có chính kiến đang còn khá phổ biến trong sinh hoạt đảng.

Do đặc thù trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nên tổ chức đảng là đối tượng kiểm tra, giám sát lúc này, lại là chủ thể kiểm tra, giám sát lúc khác; do đó, để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thực sự có hiệu quả phải phát huy tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình của đảng viên và tổ chức đảng, dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát đội ngũ đảng viên và tổ chức đảng. Thực tế hiện nay cho thấy, việc tự phê bình và phê bình của đảng viên và tổ chức đảng ở nhiều nơi còn yếu, có nơi chỉ là hình thức. Tình trạng nể nang, né tránh, không dám đấu tranh, ngại phê bình là khá phổ biến. Thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, thiết thực, không làm lướt, không làm chiếu lệ, qua loa, hình thức trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI hiện nay sẽ là biện pháp khắc phục tình trạng trên. 

Thứ ba, xây dựng chính sách và chế tài thống nhất về xử lý kỷ luật trong Đảng, nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”, bảo đảm bình đẳng đối với mọi đảng viên. Có như vậy, mới khắc phục được tình trạng xử lý nặng nhẹ khác nhau trước cùng một lỗi vi phạm, gây ra hiện tượng bất bình đẳng và khiếu nại kéo dài, hoặc xử lý “nhẹ trên, nặng dưới”, gây tâm tư cho nhiều cán bộ, đảng viên, làm giảm niềm tin vào hiệu lực và sự công minh, bình đẳng của kỷ luật đảng.

Thứ tư, nâng cao năng lực và trình độ của ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp. Điều lệ Đảng đã quy định rõ nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp, song, cần quy định nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra rộng hơn và có tính độc lập tương đối. Ủy ban kiểm tra các cấp phải thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo: “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”. Kiểm tra, giám sát là một nghề nên người làm công tác kiểm tra, giám sát phải có đủ đức và tài, trong đó đức là “gốc”. 

Người làm công tác kiểm tra, giám sát phải có bản lĩnh và uy tín, khi giải quyết các vụ, việc, phải công tâm, trung thực, khách quan, thận trọng và kiên quyết; phải có kiến thức tương đối toàn diện về các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và công tác đảng; đồng thời, phải là những người kiên định, vững vàng về lập trường chính trị, tư tưởng, không thể suy thoái khi bản thân mình là người đi chống suy thoái. Vì vậy, cùng với quá trình đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra, giám sát thì người làm công tác kiểm tra, giám sát phải luôn tự học tập, đúc rút kinh nghiệm để có phẩm chất và trình độ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Mặt khác, cần có chính sách thu hút những người có đức và thực tài về làm công tác kiểm tra, giám sát.

Thứ năm, ủy ban kiểm tra các cấp tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; giải quyết kịp thời đơn, thư tố cáo tổ chức đảng và đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm; thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao về việc kiểm tra, làm rõ những vấn đề nảy sinh, những vấn đề còn chưa rõ qua đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI hiện nay./.

Theo MAI THẾ DƯƠNG Tạp chí Cộng sản

 --------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 257

(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22, 25

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều