Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đối với y tế cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Trong tình hình hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai tích cực, khẩn trương. Về lâu dài, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo y tế cơ sở triển khai thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.

1. Y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã; là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Vị trí của y tế cơ sở được xác định là nền tảng trong việc tiếp tục xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập(1).

Y tế cơ sở là những đơn vị tham mưu về chuyên môn cho các cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch tại mỗi địa phương. Ngoài ra, y tế cơ sở chính là nơi triển khai có hiệu quả việc tuyên truyền, thông tin, giáo dục đối với người dân và cộng đồng về phòng, chống dịch.

Trong tình hình hiện nay, y tế cơ sở là nơi trực tiếp thể hiện và kiểm nghiệm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời là bộ phận quan trọng của ngành Y tế tham gia trực tiếp vào phòng, chống dịch.

2. Để sớm đạt được mục tiêu kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, cấp ủy Đảng các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung sau:

Một là, phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở trong việc tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống y tế cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương, khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khoẻ nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm bệnh COVID-19.

Ba là, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục nêu cao trách nhiệm về chuyên môn để triển khai thực hiện và tham mưu phối hợp thực hiện theo nguyên tắc phòng chống dịch bệnh: Ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ; khoanh vùng, dập dịch; điều trị kịp thời, hiệu quả. 

Bốn là, hệ thống y tế cơ sở có trách nhiệm tham mưu xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại mỗi địa phương; đồng thời, phối hợp với các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nhân lực để phòng, chống dịch trong tình huống dịch bùng phát mạnh.

3. Trong tình hình hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai tích cực, khẩn trương. Nhưng về lâu dài, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo y tế cơ sở triển khai thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW(2), với những nội dung sau:

Thứ nhất, về nâng cao sức khỏe nhân dân

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm thực hiện tại tuyến y tế cơ sở, với nhiều nội dung cần tiếp tục triển khai nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân. Cấp ủy, chính quyền cần tập trung triển khai các biện pháp tuyên truyền đến từng nhóm đối tượng và đảm bảo các điều kiện để mỗi người dân được bảo vệ, nâng cao sức khỏe, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ giải pháp nâng cao sức khỏe nhân dân, cần tiếp cận nhiều lĩnh vực như giáo dục, thể dục và thể thao... bằng những giải pháp cụ thể. Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt Nam; việc triển khai thực hiện các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, người cao tuổi; tạo điều kiện để các trường phổ thông trên địa bàn thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất trong trường học kết hợp với cộng đồng, đồng thời quan tâm đến phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể, khai thác hiệu quả các thiết chế thể dục thể thao. Các giải pháp có tính thực tiễn và khả thi để thực hiện đồng bộ giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tới sức khỏe. Tăng cường tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh, vệ sinh; xóa bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động, phòng chống tai nạn thương tích, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp cần được triển khai đồng bộ tại các địa phương.

Thứ hai, về bảo vệ sức khỏe nhân dân

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở với những nội dung như sau:

Phát triển y học gia đình, đây là một nội dung đổi mới gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở. Trách nhiệm chính thuộc về các đơn vị y tế công lập tại địa phương, nhưng cần kết hợp quân - dân y đối với y tế ở vùng biên giới, hải đảo; kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị đông y.

Triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện để nâng cao năng lực hoạt động của y tế cấp xã là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế về hành chính cũng như chuyên môn; chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên.

Thứ ba, về chăm sóc sức khỏe nhân dân

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở. Do vậy, cấp ủy quan tâm chỉ đạo những nội dung sau:

Cụ thể hóa thành chương trình hành động của mỗi địa phương đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, trong đó, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, căn cứ tình hình thực tiễn cho phù hợp để triển khai thực hiện. Đồng thời, đề xuất các giải pháp cụ thể trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Y tế, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nội dung này cần xây dựng cụ thể về trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý nhà nước trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết(3).

Nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở bằng các giải pháp về tổ chức “Xây dựng mạng lưới y tế gần dân” và chuyên môn, nghiệp vụ “Cần coi trọng vai trò của bác sỹ tại tuyến y tế xã và coi đây là một khâu đột phá trong củng cố y tế cơ sở”; khuyến khích và thu hút người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở.(4)

Nâng cấp cơ sở y tế công hiện có, tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; Triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở; Xây dựng cơ chế chính sách, tài chính cho y tế xã, phường.

Để đạt được mục tiêu kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế, các cấp ủy đảng cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần Thông báo kết luận số 172-TB/TW,ngày 21-3-2020 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.

________________________

(1) (2) (3) Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

(4) Tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ theo 3 cấp: chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3. Cấp chăm sóc ban đầu cung cấp các dịch vụ ngoại trú, dự phòng, nâng cao sức khỏe (thực hiện ở trạm y tế xã, phòng khám bác sỹ gia đình, phòng khám của bệnh viện, trung tâm y tế huyện). Chăm sóc cấp 2 cung cấp các dịch vụ điều trị nội trú đối với các trường hợp cấp tính. Chăm sóc cấp 3 theo chuyên khoa, chuyên sâu.

Theo PGS. TS. Nguyễn Quốc Trung/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều