Tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Đề cao vai trò của nhân dân

Việc đề cao vai trò giám sát, phản biện của nhân dân đã giúp giải quyết nhiều việc nóng, việc khó tại địa phương, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, việc này còn bị xem nhẹ. Kết luận số 54-KL/TƯ ngày 9-5-2023 của Ban Bí thư đã đề ra các giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 

 

 

Nhân dân tin tưởng, chủ động hơn

Kết luận số 54-KL/TƯ ngày 9-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TƯ ngày 3-10-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đánh giá qua 5 năm thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TƯ, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Nhân dân tin tưởng, chủ động và tích cực hơn trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc lắng nghe, tiếp thu, giải quyết ý kiến phản ánh của nhân dân có nhiều chuyển biến… Kết quả này thể hiện rõ thông qua việc góp ý vào Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), với gần 12 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội (tính đến ngày 2-4-2023).

Thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TƯ của Ban Bí thư, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai hoạt động giám sát, phản biện với những việc làm thiết thực, cụ thể. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, các hoạt động đã phát huy vai trò nhân dân trong phòng ngừa và phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí, nhất là những lĩnh vực như: Quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng…

Trong hai năm (2021, 2022), các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát 6.521 công trình, dự án, phát hiện 435 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 418 vụ vi phạm, qua đó giúp cho việc đầu tư được thực hiện đúng với quy hoạch… Bên cạnh đó, thông qua công tác giám sát hơn 20.000 công trình trong năm 2022, các Ban Thanh tra nhân dân trên địa bàn thành phố đã phát hiện một số sai phạm. Tiêu biểu như trong năm 2022, Ban Thanh tra nhân dân phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đã phát hiện 2 hộ dân xây dựng nhà không phép, trái phép, kiến nghị UBND phường cưỡng chế…

Đặc biệt, năm 2023, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã tích cực tham gia hiệu quả việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức Mặt trận, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Hà Nội tin tưởng sẽ bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án đúng tiến độ.  

Người dân xã An Thượng (huyện Hoài Đức) nhận tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn 

Tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Những kết quả trên cho thấy, khi vai trò giám sát, phản biện của nhân dân được phát huy, nhiều vấn đề nóng, khó của các địa phương, đơn vị đã được kịp thời giải quyết. Hoạt động giám sát, phản biện cũng giúp ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Là thành viên từng tham gia đoàn khảo sát thực tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nam, cư dân nhà G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình) nhìn nhận: “Tôi tin tưởng, thông qua việc khảo sát thực tiễn, Mặt trận Tổ quốc sẽ phản biện trúng, đúng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác giám sát, phản biện vẫn còn những hạn chế nhất định. Kết luận số 54-KL/TƯ ngày 9-5-2023 của Ban Bí thư nêu rõ, vẫn còn tình trạng e ngại hoặc lợi dụng dân chủ trong phản ánh, góp ý trực tiếp với cấp ủy, tổ chức Đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng...

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đóng góp ý kiến, phản ánh, giám sát; tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện có hiệu quả pháp luật về dân chủ ở cơ sở…

Để phát huy vai trò giám sát, phản biện của nhân dân, sau khi kiểm tra việc triển khai Quy chế dân chủ tại các địa phương, đơn vị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hướng tới mục tiêu người dân được thụ hưởng lợi ích từ việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Theo Hương Ly/Báo Hà Nội mới

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều