Hiện nay, chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực của Thủ đô đang được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Để thu hút được người có năng lực, trình độ, Luật Thủ đô 2012 quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Tuy nhiên, thực tế triển khai ở Hà Nội thời gian qua cho thấy các chính sách thu hút chưa đủ sức hấp dẫn, mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể để thu hút đầu vào; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến cũng như các điều kiện đãi ngộ khác; chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư. Chính sách chưa đủ hấp dẫn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhân tài chưa thật sự mặn mà với khu vực công.
Để khắc phục các bất cập này, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cụ thể hơn về thu hút nhân tài. Theo đó, đối tượng thu hút là công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn. Các đối tượng này sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như: tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo quản lý; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Có thể thấy, đây là cơ chế, chính sách rất quan trọng, cần thiết nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, cơ quan soạn thảo cần làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài. Thực tế cho thấy, người có năng lực về chuyên môn không đồng nghĩa với việc có năng lực về điều hành, quản lý. Do đó, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng về chuyên môn, trở thành chuyên gia về từng lĩnh vực có thể phát huy tác dụng tốt hơn là họ trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý. Do đó, cần có sự phân hóa đối tượng một cách rõ ràng giữa sinh viên mới tốt nghiệp, người đang công tác tại cơ quan nhà nước, người đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, người đang làm việc ở khối tư nhân; người Việt Nam và người nước ngoài; người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội và người sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn tỉnh, thành phố khác hoặc nước ngoài. Trên cơ sở đó, có quy định về chế độ, chính sách trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ với từng đối tượng cho phù hợp.
Hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP cũng quy định việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện. Do đó, để bảo đảm dễ áp dụng cơ chế, chính sách này trên thực tế, thì việc TP. Hà Nội được phép ban hành các chính sách ưu đãi trong bổ nhiệm nhân tài vào chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng cần kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể được quy định ngay trong dự thảo Luật.
Chế độ chính sách đãi ngộ là rất cần thiết để thu hút nhân tài. Nhưng điều đó là chưa đủ, mà cần có chính sách để “giữ chân” người tài. Do đó, cùng với chính sách thu hút, thì cần tạo lập môi trường làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh để nhân tài phát huy được năng lực, để cống hiến góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển.