Là tỉnh miền núi vùng cao biên giới thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc; phía Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, Cao Bằng có chiều dài đường biên giới trên 333 km, phía Tây giáp với tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang; phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn và phía Đông Nam giáp tỉnh Lạng Sơn. Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 6.724,6 km2, bằng 2,12% diện tích tự nhiên toàn quốc; đất nông nghiệp chiếm hơn 9%; đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối chiếm trên 90%.
Địa hình tỉnh Cao Bằng chia cắt phức tạp bởi nhiều dãy núi cao, xen kẽ là những sông suối, thung lũng hẹp, độ dốc lớn với vùng núi chiếm 90% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Núi đất chiếm 65% diện tích toàn tỉnh. Khí hậu mang tính chất đặc thù của khí hậu lục địa miền núi cao (khí hậu Á nhiệt đới) thể hiện 4 mùa trong năm, nhưng rõ nét nhất là mùa hè và mùa đông, biên độ nhiệt độ thay đổi lớn, lượng mưa ít và phân bố không đều. Việc giao thông với Trung ương và các tỉnh, thành chỉ có duy nhất đường bộ, thông qua quốc lộ 3, quốc lộ 4, quốc lộ 34, các tuyến đường này đang nằm trong giai đoạn đầu tư, nâng cấp, cải tạo, nên giao thông đi lại còn khó khăn.
Cao Bằng có 13 đơn vị hành chính gồm 9 huyện và 1 thành phố, 161 xã, phường, thị trấn, trong đó có 40 xã, thị trấn biên giới, 33 xã thuộc khu vực I, 4 xã thuộc khu vực II, 124 xã thuộc khu vực III; có 996 thôn đặc biệt khó khăn/1.462 thôn. Tổng dân số toàn tỉnh trên 54.000 người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 95%, gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Lô Lô, Sán Chỉ, Thái, Mường... Trong đó, có 8 dân tộc chính, bao gồm: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa, Sán Chay (Sán Chỉ), Lô Lô, còn lại 22 dân tộc khác. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, phương thức canh tác, lối sống, tập quán, tín ngưỡng, luật tục thể hiện thế giới vật chất và tinh thần của người dân vùng cao.
Thực hiện đường lối đổi mới đất nước, đặc biệt là những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh. Trong đó, đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách, dự án, đề án của Đảng và Nhà nước như: Chương trình 135 về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng; Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ); Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn;
Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đặt hàng cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023 - 2025; Quyết định số 975/2006/QĐ-TTg ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn;
Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ… và nhiều chương trình, chính sách khác đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Để thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Cao Bằng xác định thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tham mưu, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt các chính sách dân tộc vào thực tiễn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, triển khai giai đoạn 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng xác định đây là một nguồn lực hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Cao Bằng đã bám sát các văn bản của Trung ương để chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện, thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành; phân công nhiệm vụ rõ ràng trong triển khai thực các nội dung của 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719). Từ đó làm tiền đề, cơ sở quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng dân tộc.
Từ nguồn vốn do Trung ương cấp theo Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, Ban Dân tộc tham mưu cho tỉnh lập danh sách, đưa 536 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô vào diện hỗ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm, trọng điểm là 3 xóm: Khau Cà, Khuổi Khon, Cà Đổng. Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 và các chính sách dân tộc khác, tỉnh đã đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây dựng 1.170 công trình giao thông, hạ tầng… ở vùng khó khăn. Qua đó, giúp 18.938 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 42,53% (năm 2015) xuống còn 26,07% (cuối năm 2020). Với nguồn lực đầu tư từ các chính sách dân tộc, đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng biết nắm bắt cơ hội, đầu tư phát triển sản xuất.
|
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, tháng 9/2024. ẢNH: QUANG VINH |
Về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình 1719): Tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là 4.959,596 tỷ đồng. Việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn đến nay đạt khá.
Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023 giải ngân 1.399.941 triệu đồng/2.095.448 triệu đồng, bằng 67% kế hoạch. Năm 2024, tính đến ngày 7/5/2024, toàn tỉnh thực hiện giải ngân được 302.049 triệu đồng/1.526.790 triệu đồng, bằng 20% kế hoạch. Theo đó, tỉnh Cao Bằng có 62 nội dung kiến nghị với Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ban, ngành Trung ương đã được tháo gỡ tính từ thời điểm tháng 5/2023 đến nay. Với những nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gắn với thực hiện các chương trình trọng tâm, nội dung đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Tính đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 32.060 hộ (tương đương 24,71%), cận nghèo là 19.747 hộ (tương đương 15,22%). Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc và có nhiều kiến nghị đối với Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ban, ngành để sớm tháo gỡ trong thời gian tới.
Đặc biệt, từ ngày 7 - 10/9/2024, do ảnh hưởng của bão số 3, Cao Bằng là một trong số các tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh,… bị thiệt hại nặng nề; các khu vực trong tỉnh mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và đời sống, sinh hoạt của người dân. Theo đó, ngày 12/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 966/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 cho tỉnh Cao Bằng.
Song song với việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3, sớm ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, tỉnh cần tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025); giải đáp, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề; bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc phân cấp... và nhiều cơ chế chính sách đặc thù triển khai các công trình, dự án, chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Cao Bằng cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về việc thực hiện chính sách dân tộc. Tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó Ban Dân tộc là cơ quan thường trực, đầu mối trong việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Thứ hai, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong thời gian qua chính là cơ sở tiền đề quan trọng, là những bài học kinh nghiệm quý báu, điều kiện thuận lợi để tỉnh Cao Bằng bắt tay vào triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Thứ ba, tiếp tục quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra; tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đánh giá rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan liên quan đến thể chế; phối hợp với các bộ, ban, ngành rà soát, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ Chính phủ giao.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, để đạt được các mục tiêu đề ra, đưa chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến địa phương trong giám sát các chương trình, chính sách dân tộc tại địa phương, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025).
Thứ sáu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục nỗ lực xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch giám sát, đặc biệt cần tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Trong đó, hoạt động giám sát các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm qua là một trong những nội dung quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo tinh thần của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương.
Thứ bảy, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương… để từ đó triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, góp phần phát triển sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, từng bước phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng.
NGUYỄN DUY DŨNG - Thạc sĩ, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc